Xây dựng chuỗi liên kết bền vững: Chìa khóa đầu ra cho nông sản
Tiêu thụ trái cây hè gặp khó khăn ở cả thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa khiến nhiều mặt hàng rơi vào tình trạng dội chợ, rớt giá. Theo đó, câu chuyện xây dựng chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến bảo quản, chế biến, tiêu thụ trái cây tươi cũng như nông sản đang là vấn đề thời sự hiện nay.

Vùng chuyên canh chuối xuất khẩu tại xã Bàu Hàm. Ảnh:B.Nguyên
Đây cũng là nội dung được các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp và các doanh nghiệp (DN) kinh doanh, chế biến trái cây tươi, nông sản quan tâm.
Giải quyết điểm yếu về chuỗi liên kết
Với diện tích hơn 609 ngàn hécta, Đồng Nai là “thủ phủ” cây công nghiệp và cây ăn trái của cả nước. Tỉnh đã hình thành được những vùng chuyên canh các loại cây ăn trái, cây công nghiệp chủ lực với quy mô lớn cho năng suất, chất lượng cao. Với mục đích phát triển bền vững, đảm bảo đầu ra cho nông sản, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung đầu tư và xây dựng các vùng chuyên canh gắn với các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu.
Các mô hình hợp tác xã (HTX), chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ không ngừng tăng nhanh. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh hình thành được 285 chuỗi liên kết, có 433 HTX nông nghiệp đang hoạt động. Tuy tăng nhanh về số lượng nhưng các chuỗi liên kết vẫn tồn tại nhiều hạn chế khi quy mô còn manh mún...
Đây cũng là nội dung được nhiều chuyên gia, DN xuất khẩu nông sản chia sẻ tại Diễn đàn Giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trái cây có lợi thế.
Theo TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và phát triển nông thôn, để khắc phục tình trạng phá vỡ hợp đồng và nâng cao năng lực xuất khẩu trái cây, mô hình HTX chính là điểm tựa then chốt. Xu hướng hiện nay khi thực hiện chính quyền 2 cấp, các HTX cũng nên tự sáp nhập với nhau để có quy mô lớn hơn, làm tốt về mã số vùng trồng cũng như kiểm soát vùng nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu của DN xuất khẩu.
Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nafoods (tỉnh Nghệ An) Nguyễn Mạnh Hùng cảnh báo, nếu không có cơ chế kiểm soát chặt, mô hình liên kết 4 nhà sẽ dễ tan vỡ khi giá nông sản biến động. Ông Hùng dẫn chứng, DN mất 200 tỷ đồng sau 7 năm đầu tư vào cây dứa vì lúc giá cao, trái to, chất lượng tốt, nông dân bán ra ngoài; khi giá thấp hoặc trái nhỏ, họ đưa vào nhà máy của DN. Đây là vấn đề tồn tại không phải ngày một ngày hai. DN đã phát triển được 5 ngàn ha vùng trồng dứa ký hợp đồng bao tiêu với HTX, ứng dụng công nghệ cao trong khâu kiểm soát sản lượng, chất lượng. Nhưng thực tế vẫn tồn tại tình trạng khi giá thấp, nguồn hàng ngoài vùng trồng tuồn về cung cấp cho DN rất nhiều. DN xử lý là không mua nông sản không phải của vùng trồng hoặc phát hiện trường hợp nông dân bán sản phẩm ra bên ngoài sẽ lập biên bản.
Theo ông Hùng: “Dần dần, sau thời gian từ 3-5 năm, chúng tôi có một số HTX và nông hộ “sống chết” với mình. Chúng tôi sẵn sàng mua với giá cao hơn giá thị trường để nông dân thấy lợi ích của mình gắn bó với DN”.
Cùng quan điểm, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (tỉnh Tây Ninh) Võ Quan Huy cho biết, việc “phá kèo” trong hợp tác của chuỗi liên kết vẫn phổ biến. Ở đây, lời giải là DN phải xây dựng được chuỗi hợp tác chặt chẽ với các bên cùng chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro thì sẽ bền vững. Ông cũng kiến nghị về quy hoạch, Chính phủ cần kiến tạo những vùng trồng có cùng quy trình chuẩn về sản xuất, sản xuất cho thị trường nào thì theo quy chuẩn của thị trường đó thì mới phát triển bền vững được.
ThS Ngô Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho rằng: “Muốn xuất khẩu tốt, chúng ta phải làm tốt truy xuất nguồn gốc và liên kết chuỗi. Mỗi DN, HTX và hộ nông dân phải trở thành một mắt xích quan trọng trong việc minh bạch hóa và cam kết đảm bảo an toàn trong toàn bộ chuỗi giá trị xuất khẩu”.
Ứng dụng công nghệ để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu
Trong xây dựng chuỗi liên kết bền vững, DN phải đóng vai trò đầu tàu trong ứng dụng công nghệ cao, tăng lợi thế cạnh tranh cho nông sản trong nước khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch Công ty CP Nông nghiệp U&I (Unifarm) tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: “Chỉ một vài DN rất khó để phát triển cả ngành hàng nên chúng tôi đặt ra chiến lược phải chuyển giao được công nghệ, đào tạo được quy trình canh tác bền vững cho những DN, HTX, trang trại khác. Trong số đó, đã có những DN vươn lên trở thành những DN lớn trong ngành xuất khẩu chuối. Và cùng với nhau, chúng ta tạo được sự lớn mạnh cho ngành chuối. Bằng chứng là năm 2024, Việt Nam lọt vào danh sách các quốc gia xuất khẩu chuối lớn nhất toàn cầu”.
Ở góc nhìn khác, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, đại diện Hội Làm vườn Việt Nam, nhận xét: “Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đầu tư công nghệ không còn là lựa chọn, mà là điều kiện tiên quyết, bắt buộc để chúng ta phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Thông qua cầu nối khoa học công nghệ, chúng ta đáp ứng được những tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam ghi nhận những ý kiến, vướng mắc từ DN về hợp đồng tiêu thụ, liên kết sản xuất và cam kết Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp thu, phối hợp với các đơn vị chức năng để giải đáp và hỗ trợ. Về vùng nguyên liệu, yếu tố then chốt để truy xuất nguồn gốc và tiếp cận các thị trường khó tính, DN cần chủ động phối hợp với HTX để xây dựng mô hình liên kết chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.