Lừa đảo mạo danh shipper, chuyên gia chỉ cách nhận diện đơn giản

Tình trạng mạo danh người giao hàng (shipper) lại nở rộ thời gian gần đây, nhiều người đã bị mất tiền mà không nhận được hàng. Nguy hiểm hơn, có người bị lấy cắp dữ liệu, mất hết tiền trong tài khoản ngân hàng.

Không đặt hàng nhưng liên tục có shipper gọi điện nhận hàng

Anh Vũ Ngọc Minh (Cầu Diễn, Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây anh không mua hàng online nhưng lại liên tục nhận được điện thoại tự xưng là shipper giao hàng, mời anh nhận. "Ngay sáng nay shipper giao hàng nói tôi có một món đồ, kêu chuyển khoản 179.000 đồng để nhận hàng. Liên tục các cuộc gọi như thế, rất phiền phức", anh Minh kể.

Chị Hà Thu Minh, chung cư HDMon (Mỹ Đình, Hà Nội) chia sẻ, tuần trước có một người tự xưng là nhân viên giao hàng gọi điện, nói chị có món đồ trị giá 578.000 đồng. Người này đã để gói đồ của chị ở tủ sảnh chung cư, chị chuyển khoản để xác nhận. Do đặt hàng nhiều, không nhớ đó là đơn hàng gì nên chị chuyển khoản theo số tài khoản của người này. Tuy nhiên chiều về chị kiểm tra tủ đồ thì không thấy có gói hàng nào. Liên hệ lại shipper dởm thì đã bị chặn số.

Chiêu trò mạo danh shipper giao hàng lại tiếp tục rộ lên, nhiều người mắc lừa.( ảnh minh họa)

Chiêu trò mạo danh shipper giao hàng lại tiếp tục rộ lên, nhiều người mắc lừa.( ảnh minh họa)

Chiêu giả làm shipper rộ lên lâu nay và đã được cảnh báo nhiều, nhưng gần đây khá nhiều nạn nhân trình báo về trường hợp bị lừa bởi shipper giả mạo. Mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP.Hà Nội nhận được trình báo của chị T. (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) về việc bị lừa đảo.

Theo trình báo, một người tự xưng là nhân viên công ty giao hàng đã thông báo chị T. chuyển tiền nhầm tài khoản. Sau đó người này hướng dẫn chị T. truy cập website "igiaohangtietkiem.online" để hủy bỏ đăng ký tài khoản. Đối tượng lấy các lý do như nhập sai thao tác, nâng điểm tín nhiệm, đăng ký bảo hiểm giải ngân, bảo hiểm chống rửa tiền… để yêu cầu chị phải chuyển khoản thêm, mới có thể rút khoản tiền cũ về. Sau khi chuyển 800 triệu đồng đến các tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp, chị mới phát hiện mình bị lừa đảo.

Công an TP.Hà Nội cũng vừa phát đi cảnh báo vì nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc bị các đối tượng giả danh shipper lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của đối tượng là hối thúc khách chuyển khoản. Ngay sau khi hoàn tất chuyển khoản, người dân sẽ bị chặn số liên lạc mà không nhận được bất kỳ món hàng nào.

Tinh vi hơn, đối tượng còn dàn dựng tình huống người dân chuyển nhầm số tài khoản để đăng ký làm hội viên shipper, hoặc tài khoản kích hoạt gói bảo hiểm. Sau đó đối tượng yêu cầu người dân gọi lên tổng đài để hủy, nếu không sẽ mất số tiền đã chuyển và bị trừ tiền mỗi tháng. Khi làm theo, nạn nhân bị dẫn dụ chuyển khoản thêm tiền hoặc bị yêu cầu nhập thông tin tài khoản, cung cấp mã OTP để nhận lại tiền. Từ đó, đối tượng sẽ chiếm đoạt hết tiền trong tài khoản của nạn nhân.

Chuyên gia an ninh mạng Vũ Ngọc Sơn cho biết, nguyên nhân chính của các vụ lừa đảo giả mạo shipper gần đây xuất phát từ việc thông tin khách hàng bị rò rỉ. Dữ liệu có thể bị lộ từ nhiều nguồn, từ việc người dùng bị nghe lén, theo dõi trên các thiết bị thông minh cho đến lỗ hổng bảo mật tại các đơn vị lưu trữ và quản lý thông tin khách hàng.

Các chiêu trò lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi hơn, với mức độ chính xác cao trong thông tin mà kẻ gian khai thác. Đồng thời, tình trạng mua bán dữ liệu trái phép ngày càng phổ biến và phức tạp, giúp các đối tượng lừa đảo có được thông tin chi tiết hơn về người mua hàng, điều này khiến đối tượng lừa đảo dễ tạo được sự tin tưởng và từ đó thao túng tâm lý nạn nhân. Nếu ai tỉnh táo thì chỉ bị lừa số tiền mua hàng, còn người nào mất cảnh giác sẽ bị các đối tượng này dẫn dụ sa vào cạm bẫy khác.

Bộ Công an khuyến cáo người dân luôn theo dõi tiến trình giao đơn trên ứng dụng hoặc website của các đơn vị vận chuyển. Đồng thời, cảnh giác với các giao dịch bất thường, kiểm tra thông tin của người bán và shipper trước khi chuyển tiền; không chuyển tiền cho người lạ hoặc các tài khoản không rõ nguồn gốc và chỉ chuyển tiền cho shipper khi trực tiếp nhận hàng.

Cách đơn giản để nhận diện lừa đảo

Theo chuyên gia Vũ Ngọc Sơn, việc người dùng chuyển tiền khi chưa nhận hàng là một phần do lỗi của người dùng và có thể phòng tránh bằng cách tận dụng lợi thế của thanh toán chuyển khoản. Thay vì chuyển tiền cho người giao hàng, người mua có thể thực hiện chuyển khoản trực tiếp cho người bán hoặc khi nhận hàng xong, vẫn chuyển khoản cho người bán thay vì cho người giao hàng để đảm bảo an toàn. Bằng cách này, người dùng có thể khai thác lợi ích của thanh toán online, vừa tiện lợi vừa giảm thiểu rủi ro, tránh các trường hợp lừa đảo hoặc nhầm lẫn khi giao dịch.

"Hiện nay, hầu hết các sàn giao dịch thương mại điện tử đều đã áp dụng các biện pháp để giúp loại bỏ các vấn đề liên quan đến lừa đảo như giao hàng ảo hoặc hàng kém chất lượng, lừa đảo tiền của người dùng. Một trong những giải pháp được các nền tảng này triển khai là dịch vụ đồng kiểm, có nghĩa là khi người dùng đặt hàng, sản phẩm sẽ được kiểm tra chất lượng bởi đơn vị cung cấp nền tảng thương mại điện tử để đảm bảo chất lượng của sản phẩm đúng như cam kết của người bán rao trên các sàn thương mại điện tử.

Sau đó, quá trình thanh toán được thực hiện qua một bên trung gian là sàn thương mại điện tử. Chỉ khi người dùng xác nhận rằng đã nhận hàng đúng chất lượng, tiền mới được chuyển đến cho người bán. Như vậy, sàn thương mại điện tử đóng vai trò trung gian, giúp hạn chế rủi ro từ những đơn hàng ảo, kém chất lượng hoặc các giao dịch trực tiếp giữa người mua và người giao hàng, từ đó giảm thiểu nguy cơ lừa đảo. Ngoài ra, một số đơn vị giao hàng cũng đã thiết lập các kênh giúp người dùng theo dõi đơn hàng trong quá trình vận chuyển", ông Vũ Ngọc Sơn cho biết thêm.

Thống kê từ danh sách 72 website mới được phát hiện giả mạo sàn thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát thương mại điện tử, các thương hiệu lớn và giả mạo website cơ quan, tổ chức Nhà nước của Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia ghi nhận trong tháng 1/2025, có 30 trang web giả mạo các sàn thương mại điện tử, công ty cung ứng dịch vụ chuyển phát thương mại điện tử như: Amazon, eBay, Taobao, Shopee, Vietnam Post, Giao Hàng Tiết Kiệm, Giao hàng nhanh...

Theo cảnh báo của Viettel Post, dấu hiệu để khách hàng nhận biết lừa đảo là: Không có thông tin đơn hàng (nhận bưu kiện mà trước đó không có thông tin đặt hàng hoặc xác nhận từ người gửi); nhân viên giao hàng không có đồng phục hoặc giấy tờ xác minh (Shipper không mặc đồng phục, không có thẻ nhân viên hoặc thông tin liên lạc rõ ràng); yêu cầu thanh toán tiền mặt bất thường (Đối tượng yêu cầu thanh toán gấp mà không cho kiểm tra hàng).

Đề cập đến xu hướng tấn công mạng thời gian tới, các chuyên gia bảo mật đều có chung nhận định thời gian tới, các chiến dịch tấn công lừa đảo, giả mạo sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Đặc biệt, công nghệ AI sẽ được các nhóm tấn công tận dụng để xây dựng chiến dịch giả mạo tinh vi hơn, đặc biệt là giả mạo giọng nói, hình ảnh hoặc video.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lua-dao-mao-danh-shipper-chuyen-gia-chi-cach-nhan-dien-don-gian-169250326153134499.htm