Lúa hữu cơ xen tôm càng xanh – Hướng đi bền vững cho nông dân cù lao Long Hòa
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh ở cù lao Long Hòa, huyện Châu Thành (Trà Vinh) đang mở ra hướng đi bền vững cho nông dân. Dù đối mặt với không ít thách thức trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhưng mỗi năm người dân nơi đây vẫn thu được lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ha. Đặc biệt, mô hình lúa-tôm ngày càng khẳng định hiệu quả kinh tế trên đất cù lao.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt từ mô hình nuôi tôm càng xanh tại các hộ lân cận, năm 2003, nông dân Nguyễn Văn Huệ, ở ấp Xẻo Ranh, xã Long Hòa đã mạnh dạn chuyển canh tác lúa hữu cơ kết hợp với nuôi tôm càng xanh. Từ đó đến nay, gia đình anh luôn có thu nhập ổn định dù giá lúa trên thị trường có biến động. Với 1,5ha lúa cao sản ST24, dù chưa đến ngày thu hoạch nhưng năng suất ước đạt 5,5 tấn/ha với giá bán được doanh nghiệp bao tiêu cao hơn 1,7 lần so với lúa trên thị trường, chắc chắn vụ này gia đình anh Huệ thu về cả 100 triệu đồng từ lúa. Ngoài lúa, còn có tôm càng xanh đã giúp gia đình có thêm thu nhập không dưới 150 triệu đồng/năm.
Anh Nguyễn Văn Huệ chia sẻ: “Từ khi chuyển qua lúa hữu cơ đến nay, giá lức luôn được đảm bảo, được doanh nghiệp thu mua cao hơn 1,7 lần so với lúa thường, cho nên kinh tế từng năm đều phát triển hơn. Trong quá trình làm lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm nó bổ sung cho nhau, nên đã giảm đi dịch bệnh, rủi ro cũng giảm theo”.
Cũng là người sinh ra và lớn lên trên đất cù lao Long Hòa, cách nay 5 năm, ông Nguyễn Văn Xem, ở ấp Rạch Sâu đã quyết định tham gia sản xuất lúa hữu cơ có liên kết với doanh nghiệp, để không phải lo về đâu ra. Với 7 ha lúa – tôm, năm nay dù giá tôm càng dao động từ 220.000 -280.000đồng/kg, thấp hơn năm ngoái khoảng 30.000đồng/kg nhưng gia đình ông vẫn có lợi nhuận gần một tỷ đồng. Lúa xen tôm càng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giảm thiểu rủi ro.
“Mình làm lúa sạch cũng nhàn lắm, phân thuốc doanh nghiệp tự mang tới, trong khi lợi nhuận cao hơn lúa bên ngoài. Hiện tại hợp đồng giá ứng với doanh nghiệp là 11.500 đồng/kg, với giá này thì 1ha lãi khoảng 25 triệu đồng ngoài tôm. Từ 20 đến 30 ngày thì thu được khoảng 30 triệu từ tôm càng xanh”- anh Nguyễn Văn Xem cho biết.
Hiện cù lao Long Hòa có diện tích tôm càng xanh kết hợp lúa hữu cơ khoảng 350ha được chứng nhận OCOP 4 sao, có chỉ dẫn địa lý. Và cuối tháng 7 vừa qua, gạo hữu cơ và lúa hữu cơ 350ha được sản xuất, canh tác trên địa bàn huyện Châu Thành đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhãn hiệu chứng nhận “Lúa gạo hữu cơ Trà Vinh”, trong đó có 126ha thuộc cù lao này. Khi được cấp nhãn hiệu chứng nhận, bà con có thể hợp đồng cung cấp sản phẩm trực tiếp với đối tác mà không cần thông qua trung gian. Ngoài ra, trên cù lao còn có hơn 400ha tôm được cấp nhãn hiệu chứng nhận “Tôm hữu cơ Long Hòa - Hòa Minh” đã mở ra cơ hội xuất khẩu và tiêu thụ rộng rãi tại các thị trường trong nước lẫn quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Thưởng, Phó Chủ tịch xã Long Hòa cho biết: “Trước đây sản xuất lúa hữu cơ bà con chỉ bán qua trung gian, đó là các doanh nghiệp, HTX. Còn đã được cấp nhãn nhiệu chứng nhận, thì người dân được tự đăng ký để cấp nhãn hiệu cho cá nhân, hộ gia đình. Khi đó người dân được tự mình chọn nơi để bán hoặc tự mình tìm đầu ra cho sản phẩm không cần qua trung gian nữa”.
Dù điều kiện địa lý cách trở, nhưng môi trường sinh thái, thổ nhưỡng cộng với sự cần cù chịu khó của con người đã tạo ra những sản phẩm sạch, mang lại giá trị kinh tế cao, nguồn thu nhập ổn định cho người dân xứ cồn. Với hướng phát triển bền vững này, nông dân Long Hòa không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn giảm thiểu rủi ro, đảm bảo cuộc sống đủ đầy và môi trường bền vững.