Lúa lép hạt và bài học từ điều hành sản xuất
Tình trạng lúa trổ bông nhưng bị lép hạt tuy không phổ biến nhưng đã có nhiều nông dân, HTX rơi vào cảnh này. Nếu không giải quyết được thấu đáo vấn đề thì người dân, HTX trồng lúa vẫn còn lo lắng, thấp thỏm trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Vụ vừa qua, vùng trồng lúa vốn được công nhận là cánh đồng công nghệ cao tại xã Buôn Choah (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) đã rơi vào cảnh lúa bị lép hạt, trong đó có diện tích của HTX sản xuất lúa gạo Buôn Choah và HTX nông nghiệp Buôn Choah. Liên minh HTX tỉnh làm việc với các HTX này cho thấy, diện tích lúa ST24 và ST25 của HTX bị lép hạt nhỏ hơn, không đáng kể so với diện tích của người dân trong xã.
Chưa chủ động sản xuất
Nguyên nhân có thể do diện tích lúa của HTX ít bị nhiễm bệnh trong thời kỳ trổ bông, nên thành viên không phun thuốc hoặc có phun thì vẫn đảm bảo hàm lượng theo nguyên tắc "4 đúng" nên không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng của bông lúa.
Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng năm nay nhuận 2 tháng Hai nhưng công tác khuyến nông tại địa phương chưa tính đến nên người dân có thể gieo cấy trước khung thời vụ, cộng với tác động thời tiết làm gia tăng sâu bệnh, ảnh hưởng đến quá trình trổ bông, kết hạt của lúa.
ST24 và ST25 vốn là giống được đánh giá là kháng bệnh tốt nhưng theo những người làm nông nghiệp, hai giống này cũng không chịu được lạnh và khó cho năng suất cao trong điều kiện thời tiết khí hậu chênh lệch nhiệt độ cao giữa ngày và đêm. Trong khi năm nay nhuận 2 tháng Hai, thời điểm lúa trổ bông gặp thời tiết rét, gió mạnh dẫn đến lúa không kết hạt, gây mất mùa cho nhiều hộ.
Ngoài ra, thực tế những giống lúa này dù có tính kháng bệnh cao thì trước sự biến đổi của thời tiết cũng khó chịu được sự phát sinh của dịch bệnh. Trong khi đơn vị bán giống và cả đội ngũ khuyến nông, ngành nông nghiệp tại địa phương lại không nói rõ cho nông dân, HTX những hạn chế trên hoặc không đưa ra những khuyến cáo, không có kế hoạch cụ thể cho nông dân, HTX nên họ không hiểu rõ để chủ động trong sản xuất.
Ngay như HTX nông nghiệp Buôn Choah, bà Trần Thị Thanh Vân, Trưởng Ban quản lý VietGAP của HTX cho biết, dù được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng do ST24 và ST25 là giống mới được đưa về Buôn Choah trồng mấy năm gần đây nên các thành viên và nông dân vẫn còn nhiều lúng túng như gieo sạ dày so với yêu cầu kỹ thuật.
Chẳng hạn như giống lúa ST25 gieo sạ chỉ 9-10 kg/sào (thấp hơn so với các giống lúa khác từ 1-3 kg). Thế nhưng, thành viên và người dân sợ trong quá trình gieo sạ chẳng may gặp mưa hoặc thời tiết không thuận lợi làm tỷ lệ hạt nảy mầm thấp, nên thường gieo từ 11-12 kg/sào. Đây cũng là nguyên nhân khiến gia tăng dịch bệnh, sử dụng thuốc nhưng không đúng kỹ thuật (vào lúc trời nắng nóng) cũng là một trong những tác nhân khiến lúa bị lép hạt.
Lỏng lẻo khâu điều hành
Điều này cho thấy, khâu điều hành, tổ chức sản xuất tại địa phương hiện vẫn chưa được chặt chẽ nên chưa đủ cơ sở để người dân, HTX yên tâm sản xuất.
Bởi nếu nói lúa lép chủ yếu là do thời tiết, thì cơ quan khuyến nông, ngành nông nghiệp phải nắm rõ lịch gieo trồng trong điều kiện nhuận 2 tháng Hai, phải cùng nông dân, HTX nắm bắt thời tiết để có số liệu, kế hoạch cụ thể về tình hình dịch bệnh trên đồng ruộng theo thời gian biểu cụ thể 3-5 ngày một lần. Từ đó, các cơ quan liên quan phải phân tích cụ thể xem với tình hình thời tiết, sâu bệnh như thế thì người dân, thành viên HTX phải làm những gì và không được làm những gì. Nếu chẳng may lúa không kết hạt và bị lép thì phải tìm hiểu nguyên nhân là do lúc phân hóa đòng hay lép do ảnh ảnh hưởng thời tiết, nhiệt độ...
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia cao cấp Viện Lúa gạo quốc tế, cứ 4 năm thì sẽ có một năm nhuận, tình trạng thời tiết cũng lặp lại. Và cây lúa của những năm nhuận ở nhiều nơi cũng xảy ra tình trạng bị lép hạt trên diện rộng với nhiều loại giống khác nhau, chứ không riêng gì với ST24, ST24 như tại Buôn Choah. Ngoài ra, chu kỳ El Ninõ thường nối tiếp sau La Ninã và đi kèm với đó là những tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp trên diện rộng.
“Biết như vậy mà vẫn bị động thì không chỉ do thời tiết mà còn do con người, do sự trì trệ của khâu điều hành sản xuất tại địa phương và do chưa phát huy được vai trò của hệ thống khuyến nông địa phương”, ông Hùng nói.
Do đó, trong khâu chỉ đạo sản xuất của ngành nông nghiệp, nhất là của các đơn vị khuyến nông, cần phải nghiên cứu, chủ động điều chỉnh, bố trí lại thời vụ, có thể gieo muộn hơn thì sẽ giảm được rủi ro, bảo đảm an toàn, vì khi lúa trổ sẽ tránh được những tình hình thời tiết cực đoan, hạn chế lép hạn. Vì lép hạt là nỗi lo lớn trong canh tác lúa và đánh thẳng vào "chặng đường về đích" của người nông dân, thành viên HTX.
Bên cạnh đó, có thể nhận thấy, trong sản xuất, người nông dân, thành viên HTX chính là chủ thể làm ra hạt thóc, củ khoai nhưng nếu các cơ quan điều hành sản xuất tại địa phương chỉ dừng ở việc làm tròn trách nhiệm, chỉ khuyến cáo, thông báo đơn thuần mà không bám sát thực tiễn thì những người nông dân, HTX cũng khó có thể tránh khỏi những khó khăn trong sản xuất. Và việc lý giải lúa lép hay nông sản mất mùa do ảnh hưởng bởi thời tiết cũng sẽ không mấy thuyết phục.