Lúa phát thải thấp: Chưa 'định hình' đầu ra nhưng tầm nhìn đúng cho dài hạn
Thị trường tiêu thụ sản phẩm gạo phát thải thấp từ đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn chưa 'định hình'. Thế nhưng, cho dù sản phẩm hiện được bán ở phân khúc 'thông thường', vẫn cần được thúc đẩy vì những lợi ích mang lại, nhất là mang một tầm nhìn đúng về dài hạn…
(KTSG Online) – Thị trường tiêu thụ sản phẩm gạo phát thải thấp từ đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn chưa “định hình”. Thế nhưng, cho dù sản phẩm hiện được bán ở phân khúc “thông thường”, vẫn cần được thúc đẩy vì những lợi ích mang lại, nhất là mang một tầm nhìn đúng về dài hạn…
Gần đây, có thông tin gạo từ mô hình thí điểm đầu tiên của đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, câu chuyện thật sự của vấn đề như thế nào?
Chưa có thị trường gạo “giảm phát thải”
Mô hình thí điểm đầu tiên có quy mô 50 héc ta do hợp tác xã Tiến Thuận (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ) sản xuất, trong khi đơn vị bao tiêu sản phẩm cho nông dân là Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật.
Theo hợp đồng ký kết, Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật bao tiêu toàn bộ sản lượng lúa mô hình trong ba vụ triển khai thí điểm, gồm hè thu, thu đông năm 2024 và đông xuân 2024-2025, trong đó, vụ hè thu đã bao tiêu với mức giá 7.050 đồng/kg.
Hợp đồng ký kết cũng quy định khi bắt đầu thu hoạch, hai bên lấy mẫu lúa đại diện từ cánh đồng liên kết để kiểm nghiệm. Sau khi có kết quả, nếu đạt tiêu chuẩn chất lượng và có chứng nhận giảm phát thải, doanh nghiệp sẽ cộng thêm 300 đồng/kg so với giá thu mua đã chốt, tức đạt mức 7.350 đồng/kg.
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Nhựt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật xác nhận, kết quả kiểm tra mẫu sản phẩm không đạt yêu cầu để bán vào những thị trường cao cấp như châu Âu (thị trường có nhu cầu cao về sản phẩm xanh) do vướng chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Tuy nhiên, theo ông, nếu so với tiêu chuẩn chất lượng của thị trường trong nước cũng như các nước Đông Nam Á, thì chất lượng sản phẩm vẫn đảm bảo yêu cầu. “Mỗi quốc gia có tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khác nhau, trong đó, khu vực châu Âu quy định cao hơn nên không đạt, nhưng nếu so quy định của Việt Nam, Philippines và một số quốc gia khác vẫn đạt”, ông Nhựt giải thích.
Vị tổng giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật cho rằng, do mô hình mới ở giai đoạn thí điểm để đánh giá, cho nên, tồn tại một số vấn đề cần tiếp tục chỉnh sửa là chấp nhận được, bao gồm từ khâu doanh nghiệp tham gia tổ chức sản xuất đến một số quy trình của đề án.
Trong khi đó, trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc hợp tác xã Tiến Thuận nhận định, có hai khả năng dẫn đến sản phẩm không đạt tiêu chuẩn bán cho thị trường khó tính (còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật như thông tin từ đơn vị bao tiêu), bao gồm thứ nhất, tồn dư trong đất; thứ hai, quy trình sản xuất vẫn đang sử dụng phân, thuốc hóa từ nhiều đơn vị cung cấp. “Nhưng, hiện chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ Công ty Hoàng Minh Nhật trả lời tồn dư chất gì, ra sao để điều chỉnh”, ông cho biết.
Từ vấn đề nêu trên, ông Nhựt của Hoàng Minh Nhật cho biết, gạo từ mô hình nếu tiêu thụ như phân khúc sản phẩm “thông thường” là rất thuận lợi, nhưng tiêu thụ theo “chuẩn lúa giảm phát thải” là chưa được, bởi thị trường chưa định hình. “Hiện nay vẫn để trong kho, nhưng bán sản phẩm phát thải thấp là chưa có người đặt vấn đề tiêu thụ”, ông nói.
Liên quan thị trường tiêu thụ gạo phát thải thấp, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, sau đại dịch Covid-19 cũng như trước bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra nhanh, thói quen người tiêu dùng cũng thay đổi, trong đó, một số quốc gia đã có chính sách chú trọng sản phẩm nông nghiệp xanh.
“Ngoài vấn đề an ninh lương thực quốc gia, thì vấn đề an sinh xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường khiến nhiều quốc gia trên thế giới chú trọng đến các sản phẩm nông nghiệp xanh, trong đó, gạo carbon thấp của Việt Nam trở thành một yếu tố được nhiều nước quan tâm”, ông Nam nhấn mạnh.
Chính phủ đã có chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp bền vững, áp dụng công nghệ mới để giảm phát thải khí carbon, cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng sản xuất lúa gạo. Đây là phân khúc có thể đáp ứng được yêu cầu của một số quốc gia khó tính khu vực châu Âu, Mỹ và các nước Đông Bắc Á. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang lúa carbon thấp là phương pháp canh tác mới nên cần có thời gian… thích nghi.
“Để thúc đẩy khả năng xuất khẩu sản phẩm gạo carbon thấp cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương, nông dân cùng với việc tổ chức xây dựng chương trình quảng bá thương hiệu cho gạo carbon thấp trên thị trường thế giới”, ông Nam gợi ý.
Quan trọng hơn là giảm chi phí, tăng hiệu quả
Dù thị trường tiêu thụ sản phẩm gạo carbon thấp chưa “định hình”, thậm chí còn vướng về chất lượng do đang thí điểm. Thế nhưng, rõ ràng đây là hướng đi đúng không chỉ giúp ngành gạo Việt đón đầu xu hướng tiêu dùng mới, mà quan trọng hơn giúp tiết giảm đáng kể chi phí sản xuất, mang lại hiểu quả kinh tế cao hơn cho người tham gia.
Mục tiêu đến năm 2025 của đề án là giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80-100 kg/héc ta; giảm 20% lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học; giảm 20% nước tưới so với canh tác truyền thống. Đến năm 2030, lượng giống gieo sạ giảm xuống dưới 70 kg/héc ta; giảm 30% lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học; giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống.
Thực tế, mô hình thí điểm đầu tiên ở thành phố Cần Thơ đã chứng minh tăng được hiệu quả cho người nông dân, dù sản phẩm chưa được tiêu thụ ở “thương hiệu” gạo phát thải thấp.
TS Nguyễn Văn Hùng, Chuyên gia cao cấp của Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) cho biết, áp dụng quy trình kỹ thuật của đề án 1 triệu héc ta, nông dân giảm 60 kg giống/héc ta so với phương pháp sản xuất truyền thông, tương đương tiết kiệm được 1,2 triệu đồng/héc ta, trong khi lượng phân đạm giảm được 30 kg/héc ta, tương đương 0,7 triệu đồng/héc ta. Riêng chi phí đầu vào của giống và phân giảm được 1,9 triệu đồng/héc ta.
Trong khi đó, vị chuyên gia của IRRI cho biết, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, yếu tố tác động đến sức khỏe của người nông dân, chất lượng cây trồng và công lao động, thì áp dụng quy trình 1 triệu héc ta giúp giảm số lần phun thuốc so với truyền thống 2-3 lần (6-7 lần phun/vụ so với 9 lần phun/vụ).
Còn về năng suất, mô hình thí điểm đầu tiên ở Cần Thơ cho năng suất lúa tươi (ẩm độ 30%) đạt từ 6,13-6,51 tấn/héc ta, trong khi ruộng đối chứng năng suất 5,89 tấn/héc ta, tức mô hình thí điểm cho năng suất cao hơn.
Nhờ giảm chi phí đầu tư, trong khi năng suất tăng nên nông dân tham gia mô hình thí điểm đầu tiên ở Cần Thơ có lợi nhuận tăng thêm từ 1,3-6,2 triệu đồng/héc ta.
Chưa nói đến việc bán gạo carbon thấp ở thời điểm hiện tại, rõ ràng với những hiệu quả mang lại về mặt kinh tế cũng như môi trường, thì việc phát triển hướng sản xuất mới của đề án 1 triệu héc ta là cần thiết.
Đặc biệt, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt trong một chia sẻ gần đây cho rằng, việc tận dụng nguồn rơm rạ khi đưa ra khỏi đồng ruộng để áp dụng vào các mô hình kinh tế tuần hoàn giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều cho người nông dân cũng như các tác nhân tham gia chuỗi sản xuất…