Luận về đạo lý duyên khởi trong Trung Quán Luận

Tu tập Trung đạo qua đạo lý duyên khởi là không chấp thủ nhị biên, không rơi vào cực đoan. Sống theo tinh thần tùy duyên, không hệ lụy vào các hiện tượng giả danh, không thật. Vì vậy luôn sống trong tinh thần lạc quan tích cực khi có biến động đau buồn xảy ra.

3,7K

Mục lục bài viết

MỞ ĐẦU
NỘI DUNG

1. Tổng quan về Trung Quán luận

1.1. Sơ lược về tác giả
1.2. Giới thiệu sơ lược về Trung Quán luận
1.3. Định nghĩa duyên khởi trong Trung Quán luận

2. Các ví dụ nổi bậc về đạo lý duyên khởi trong Trung Quán luận

2.1. Bát bất duyên khởi
2.3. Sự tương hệ giữa Vô Ngã-Vô Thường-Duyên Khởi-Tính Không

3. Vai trò của duyên khởi trong Trung Quán luận và ứng dụng tu tập

3.1. Vai trò của duyên khởi trong Trung Quán luận
3.2. Ứng dụng tu tập Duyên khởi tính Không

KẾT LUẬN

Tu tập Trung đạo qua đạo lý duyên khởi là không chấp thủ nhị biên, không rơi vào cực đoan. Sống theo tinh thần tùy duyên, không hệ lụy vào các hiện tượng giả danh, không thật. Vì vậy luôn sống trong tinh thần lạc quan tích cực khi có biến động đau buồn xảy ra.

Tác giả: Thích nữ Giác Phổ

Học viên Cao học ngành Triết học Phật giáo – Khóa III – Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.

MỞ ĐẦU

Thái tử Tất Đạt Đa chứng ngộ chân lý và khai sáng ra đạo Phật tại cõi đời này qua con đường quán chiếu Duyên sinh. Vì vậy Duyên sinh là hệ quy chiếu của toàn bộ giáo lý của đức Phật. Nó có một vai trò rất lớn trong hệ thống tư tưởng của đức Thế Tôn và có thể nói là trung tâm của hệ thống triết học, cũng như phương pháp tu tập của Phật giáo. Tư tưởng này đã phát triển theo thời gian và văn hóa của từng vùng, đã tạo nên những khác biệt trong hệ thống tư tưởng nhà Phật mà đỉnh điểm là cái nhìn của Duyên khởi Tính Không của Ngài Long Thọ.

Tìm hiểu đạo lý duyên sinh trong thời kỳ Không Luận qua tác phẩm Trung Quán luận của Bồ tát Long Thọ sẽ giúp chúng ta phá bỏ tà kiến sai lầm, chuyển mê khai ngộ, không sa vào thiển kiến, mê chấp, cố định. Phật pháp là bất định pháp, vậy làm sao để hiểu rõ điều này qua đạo lý duyên khởi trong Trung Quán luận?

NỘI DUNG

1. Tổng quan về Trung Quán luận

1.1. Sơ lược về tác giả

Có rất ít thông tin về cuộc đời thực của ngài Long Thọ lịch sử trước đây. Có hai tiểu sử của ngài Long Thọ được biết đến nhiều nhất, một bằng chữ Hán và một nữa bằng chữ Tây Tạng, được viết nhiều thế kỷ sau ngài Long Thọ và kết hợp tài liệu lịch sử không đáng tin cậy mà đôi khi mang tính huyền thoại. Tuy nhiên, từ những phác họa chi tiết lịch sử và huyền thoại nói lên tính quy phạm, cộng với các văn bản được cho là của Ngài, thì một ý nghĩa nào đó có thể đạt được vị thế của ngài trong các truyền thống Phật Giáo và triết lý tại Ấn Độ.

“Thầy Long Thọ sinh vào khoảng cuối thế kỷ thứ hai trước Thiên chúa giáng sinh (B.C.), trong một gia đình Ấn Độ giáo. Lớn lên thầy đã học Phật và theo Phật giáo. Thầy đã sáng tác bằng tiếng Phạn thuần túy, thay vì bằng tiếng Pali hay bằng tiếng Phạn lai Phật giáo” .

Ngài Long Thọ (Nāgārjuna) thường được tôn xưng là “đức Phật thứ hai” bởi các truyền thống Phật Giáo Đại Thừa tại Tây Tạng và Đông Á. “Ngài được tôn xưng như là một vị Phật và được kính trọng khắp phía Nam Ấn Độ” . Bồ tát Long Thọ là người đưa ra những phê phán nghiêm khắc về triết lý thực thể của Bà La Môn và Phật Giáo, về nhận thức luận, và các pháp môn tu tập. Nāgārjuna sáng tác ba bộ luận: Trung Quán Luận (Madyamika sastra), Thập Nhị Môn Luận (Dvadasadvara) và Trí Độ Luận (Prajnã̄pāramitā Sastra).

Như vậy, chúng ta có thể thấy sau khi Phật diệt độ, tà giáo thạnh hành, Phật pháp suy đồi. Bồ tát Long Thọ đã chấn hưng đại thừa, làm ra Trung luận để phá tà hiển chính. Không những khuất phục tà giáo mà còn bài bác chấp trước của Tiểu thừa, đã đưa Đại thừa một thời phục hưng vang dội. Tác phẩm Trung quán luận của Ngài là một minh chứng xác đáng nhất.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

1.2. Giới thiệu sơ lược về Trung Quán luận

Dần theo thời gian 300, 400 năm sau Phật nhập Niết Bàn, các bộ phái cứ tiếp tục ra đời và con số đã lên đến 20. Mỗi một học phái chủ trương theo một đường lối nhận thức khác nhau. Vào khoảng thế kỷ thứ I, II SCN, các quan niệm về Đại thừa có từ thời kỳ Bộ phái dần định hình và Phật giáo Đại thừa xuất hiện như một khuynh hướng tư tưởng tự do của Phật giáo lúc đó. Song, những tư tưởng, nhận thức sai lầm, xuyên tạc lời và ý Phật cũng không ít. Đứng trước tình cảnh hỗn loạn của tư tưởng giới Phật học Ấn Độ đương thời, Bồ tát Long Thọ bắt đầu trước tác bộ Trung Quán luận bằng phương pháp phủ định biện chứng nhằm thống nhất giáo lý Phật giáo trên tư tưởng Đại thừa trước các lý luận bảo thủ cố chấp và ngoại đạo tà giáo. Đóng góp của Trung Quán Luận là đáp ứng đòi hỏi về tư tưởng triết học của Phật giáo trong một thời kỳ phát triển mới về chất.

Mūlamadhyamakakārikā, do 3 cụm từ tổ hợp thành: Mūla nghĩa là “căn bản”; madhyamaka xuất phát bởi tính từ madhya (trung, trung gian), cộng thêm đuôi ma (tối cao, chí thượng), hình thành nên nghĩa “tối trung” hoặc “chí trung”; kārikā nghĩa là “tụng kệ”, “luận tụng”. Do đó Mūlamadhyamakakārikā có thể được dịch là “Căn bản trung luận tụng”, kiện tác còn được mệnh danh Mādhyamika-sá̄stra, có nghĩa là Trung luận. Hễ bàn đến Mūlamadhyamakakārikā tức là đụng đến tinh hoa cốt tủy liên quan mật thiết với Mahāprajnã̄pāramitā, “chơn không diệu hữu”, hay “không tính” trong triết học Phật giáo.

Toàn bộ Trung Quán luận được chia thành 4 quyển, 27 phẩm với tất cả 446 bài tụng. Mỗi bài tụng có 4 câu 5 chữ. Toàn bộ nội dung không những đề cập về thế giới tương quan nhân quả, luân hồi mà còn đề cập về thế giới giải thoát. Nguyên văn bằng tiếng Sanskrit do Bồ tát Long Thọ tạo, ngài La Thập dịch ra Hán văn vào đời Tần.

Mỗi chương của Trung Quán Luận đều có những nội dung riêng biệt với mục đích chính là lý giải cho được tư tưởng chính của Phật về các pháp đều do nhân duyên hòa hợp mà thành, thực tướng của chúng là Tính Không; Mục đích là nhằm để “phá” sai lầm của cả Tiểu thừa cũng như của Đại thừa, trong tiến trình dựng xây kiến giải mới, cũng như “phá” chấp để phục hưng chính pháp. 27 chương đó có thể chia thành nhiều cách khác nhau cũng là biện pháp để nghiên cứu thấu đáo hơn tư tưởng triết học của Long Thọ. Song nếu nhìn khái quát toàn bộ, Trung Quán Luận là một bộ luận có tính khái quát cao, trình bày một cách hệ thống khúc chiết các vấn đề cơ bản của Phật giáo Đại thừa: Nguyên lý Tính Không (Sunyata), phương pháp Trung đạo, Duyên khởi cũng chỉ là một trong “chân như diệu hữu” hay “trung đạo”. Trung Quán Luận hướng đến làm rõ được tư tưởng “nhất thiết pháp không” của Long Thọ thể hiện nhất quán qua tất cả các chương, các quyển. Hệ thống Tính Không nói riêng cũng như dòng tư tưởng phát triển về sau nói chung đều nhằm vào mục đích làm sáng tỏ lý Duyên khởi.

1.3. Định nghĩa duyên khởi trong Trung Quán luận

Pratītyasamutpāda nghĩa là Duyên sinh, Duyên khởi hay Nhân duyên (dependent origination, relational origination). Duyên sinh là gì? Là các pháp do nhân duyên hợp lại mà thành. Trong đó, các nguyên tố vừa làm nhân vừa làm duyên cho nhau, không một pháp nào có thể đơn duyên thành tựu. Phẩm “Quán nhân duyên” của Trung quán giúp chúng ta vượt thoát những ý niệm về duyên khởi của chúng ta đang có.

Vạn hữu không chỉ đi theo một chiều thuận là tương sinh tương hợp mà nó còn đi theo chiều hướng ngược lại, tức hoại diệt. Nhờ có sinh diệt tiếp nối mà xã hội, thế giới luôn sinh động, hữu tình. Vì vậy, khởi đầu Trung Luận Long Thọ đã đề cập ngay nguyên lý Bát Bất để làm rõ tính chất duyên sinh của các pháp:

“Bất sinh diệc bất diệt, Bất thường diệc bất đoạn,

Bất nhất diệc bất dị, Bất lai diệc bất khứ.”

Từ Bát Bất mà Duyên sinh được hiển thị một cách rõ ràng. Điểm đặc biệt của Duyên sinh trong Trung Luận là duyên sinh để làm rõ về tính không. Tuy cũng trình bày về duyên sinh như những bộ kinh khác nhưng giáo lý duyên sinh ở đây đã mang một giá trị khác hẳn, một giá trị từ phủ định đưa tới khẳng định.

“Nhìn đơn giản thì người ta có thể cho rằng Trung luận phá bỏ duyên sinh. Đó là cách nhìn biên kiến” .

PHÁ NHÂN DUYÊN không phải là phủ định hoàn toàn Nhân Duyên, không phải là bác bỏ những gì đang xảy ra trong hiện tại qua cái thấy sinh diệt. PHÁ, để giúp người đời nhận ra được chân tướng của Nhân Duyên. PHÁ, để hiển bày niết bàn BẢO SỞ mà chư Phật đã đạt đến. Bồ tát Long Thọ muốn chỉ cho mọi người thấy được Thật tại tính Không của vạn pháp nhưng thật tại tính Không là cái gì đó rất trừu tượng, vượt ra ngoài nhận thức của con người, nếu không nhờ phép Duyên sinh để làm hiển thị. Do vậy, muốn hiểu về tính Không thì trước hết phải nghiên cứu về Duyên Khởi, vì nó con đường độc nhất vô nhị dẫn đến tri nhận thực tại tính Không.

2. Các ví dụ nổi bậc về đạo lý duyên khởi trong Trung Quán luận

2.1. Bát bất duyên khởi

Tinh yếu của Trung luận là Duyên khởi: Cái gì do duyên mà sinh thì cái ấy rỗng không, không có tự ngã (vô tự tính); nó chỉ là cái tên gọi mà biểu hiện chớ không có hiện hữu như một thực thể (tự ngã); cái ấy nghĩa là Trung đạo (Duyên khởi ≈ Trung đạo). Thế nên ngay trong lời mở đầu bằng bài kệ tán thán Phật, Trung luận thành lập Bát bất phủ nhận 8 phạm trù Hữu ngã: sinh (utpāda), diệt (nirodha); đoạn (uccheda) thường (sá̄śvata); nhất (ekārtha) dị (nānārtha); lai (āgata) xuất (nirgama). Chúng biểu trưng cho sự hiện hữu, thời gian, không gian và sự vận hành của các pháp. Phủ nhận 8 phạm trù ngã tính ấy là phủ nhận tất cả ngã tính: tất cả ngã tính (ngã tướng) ấy chỉ ròng là tên gọi mà không thực, bởi vì sự thật là Trung đạo (hay duyên sinh tính):

anirodham anutpädam anucchedam asá̄śvatam

anekārtham anānārtham anagamam anirgamam

yaḥ pratītyasamutpädam prapañcopasámam sívam

desayá̄m āsa sambuddhas tam vande vadatām varam

Bất sinh diệc bất diệt 不生亦不滅Chẳng thường cũng chẳng đoạn

Bất thường diệc bất đoạn 不常亦不斷Chẳng thường cũng chẳng đoạn

Bất nhất diệc bất dị 不一亦不異Chẳng một cũng chẳng khác

Bất lai diệc bất xuất 不來亦不出Chẳng đến cũng chẳng đi

Năng thuyết thị nhân duyên 能說是因緣Nói lên được pháp nhân duyên ấy

Thiện diệt chư hí luận 善滅諸戲論Khéo diệt trừ các thứ hý luận

Ngã khể thủ lễ Phật 我稽首禮佛 Tôi cúi đầu lạy Phật, đã thuyết

Chư thuyết trung đệ nhất. 諸說中第一Nhân duyên cao nhất trong các thuyết .

“Bốn câu đầu nói tới tám cái không (bát bất), tiếng Anh là the Eight no. Thầy Long Thọ đưa ra tám cái có mục tiêu là để lấy đi tám cái không. Trong đầu ta có tám ý niệm, và chính tám cái đó làm cho ta không thấy được thực tại, không thấy được sự thực. Ta tin có sinh, có diệt, có thường, có đoạn, có một, có khác, có tới, có đi, cho nên cái nhìn của chúng ta về thực tại trở thành méo mó” .

Tuy chỉ bốn câu nhưng tóm kết hết thảy mọi pháp ở thế gian. Cũng là nói về thực tướng của vạn pháp không rơi vào phân biệt đối đãi. Thực tính của vạn pháp không thuộc tám phạm trù nhị biên: sinh diệt, thường đoạn, nhất dị, lai xuất. Chúng đều là các pháp do nhân duyên sinh nhưng trong đầu chúng ta luôn chấp ngã chấp pháp, luôn có khái niệm về sự hiện hữu của cái gọi là “pháp” với không gian, thời gian và sự vận hành của nó, khiến cho cái nhìn của chúng ta về thực tại trở thành méo mó. Vì vậy Bát bất đã giúp chúng ta xóa bỏ sai lầm đó:

– Bất sinh diệc bất diệt: là sự quán chiếu trên bình diện hiện hữu của các pháp

– Bất thường diệc bất đoạn: là sự quán chiếu trên bình diện thời gian của các pháp

– Bất nhất diệc bất dị: là sự quán chiếu trên bình diện không gian của các pháp

– Bất lai diệc bất xuất: là sự quán chiếu trên bình diện vận hành của các pháp.

Bồ tát Long Thọ muốn nêu tác dụng của Bát bất Duyên khởi là diệt các hí luận nên Tiếp theo là 4 câu kệ tán thán Phật và pháp Phật thuyết. Hí luận (Prapanca) là tà kiến, biên kiến, tưởng tượng những điều không có thật, những luận bàn vô nghĩa, ngụy biện. Sinh diệt, thường đoạn, nhất dị, khứ lai, là những hý luận về các khái niệm. Từ ánh sáng trí tuệ giải thoát của tính Không thì tất cả các khái niệm (drstis) chỉ là những khái niệm đối đãi, nương nhau mà hiện hữu. Mọi khái niệm hí luận thể hiện kiến hý luận và ái hí luận về nhận thức chủ quan. Ngài Long Thọ đã sử dụng kết hợp từ Bất: bất sinh bất diệt, bất thường bát đoạn, bất nhất bất dị, bất khứ bất lai. Thực tướng của vạn pháp được phương tiện thành BÁT BẤT, nhờ đó đã diệt một cách khéo léo các hý luận. Bát bất là sự triển khai của giáo lý duyên khởi qua khái niệm về sự đối lập.

Bồ tát Long Thọ đã phủ định các dạng quan điểm, hình thức, tám chủ điểm của các học phái Phật giáo và triết học ngoại đạo dính mắt. Sarvāstivāda (Nhất Thuyết Pháp Hữu) là tông môn chủ lưu của Phật giáo đương thời, chủ trương tất cả mọi hiện hữu (bhāva) đều có thật. Nên Sarvāstivāda chủ trương nhân và duyên là khác nhau chỉ là để đi đến kết luận là tự tính (svabhāva) và tự sinh khởi (svata-utpatti) đều thật có. Đây là một chủ đề mà Long Thọ luôn phủ nhận. Ngài nói rằng có tự tính là một sai lầm và không hợp với thật nghĩa Bát Bất Duyên Khởi. Vì vậy để làm rõ lý duyên khởi này cần phải thông qua lý Nhân-Duyên-Quả.

2.2. Nhân Duyên Quả

na svato napi parato na dvābhyām nāpy ahetutaḥ |

utpannā jātu vidyante bhāvāḥ kva cana ke cana |

No existent anywhere is ever born from itself, from another, from both or witho a cause.

諸法 不自生亦不 從 他生 Chư pháp bất tự sinh, diệc bất tùng tha sinh.

不共不無因是故知無生 Bất cộng bất vô nhân, thị cố tri vô sinh.

Tất cả hiện hữu (bhāva) đều không sinh từ chính nó (svatah), không sinh từ cái khác nó (paratah), không sinh từ chính nó và cái khác nó cộng lại, cũng không sinh không có nguyên nhân (ahetutah), vì vậy biết rằng tất cả hiện hữu vốn vô sinh.
Nhân thuộc tự tính, duyên thuộc tha tính. Tự và tha hai phần sai khác cách biệt. Như tính nước thì ướt lạnh. Tính lửa thì nóng. Nóng và lạnh hai tính khác nhau không thể hòa sinh một cái gì khác được. Hơn nữa tự tính nghĩa là tự thể của các pháp, mà các pháp không có tự thể. Các pháp không có tự thể của nó, làm sao sinh, còn nếu nói các pháp đều có tự thể, thì các pháp đã có tự thể sẵn, cần gì phải nhờ đến duyên khác bên ngoài mới sinh ra được… Duyên có bốn thứ : 1) Nhân duyên. 2) Thứ đệ duyên, 3) Sở duyên duyên, 4) Tăng thương duyên. Tất cả các pháp do nhơn duyên sinh đều gồm đủ bốn duyên này. Hiện tượng các pháp sinh nở thành tựu và tăng trưởng không ngoài bốn thứ duyên mà có. Mọi vật sinh nở đều do nhiều yếu tố kết hợp gọi là nhân duyên. Nghĩa là sự vật phát xuất đều có nguyên nhân có trợ duyên liên hệ.

Ví dụ như một người học thành tài đỗ tốt nghiệp Đại học là là do ý chí muốn có bằng Cử nhân để ra trường đi làm. Từ nơi lòng mong muốn đó, thôi thức người sinh viên kia nổ lực chăm chỉ học tập rèn luyện qua các kì thi. “Khi bạn khát khao muốn làm điều gì thì cả vũ trụ sẽ ủng hộ bạn”, vì vậy cậu sinh viên kia đã tìm gặp các duyên bổ trợ cho việc học như: sách vở, tìa liệu, bạn giỏi, thầy hay, chăm học và hoàn thành các bài luyện tập. Có nhiều nguyên nhân, duyên cớ thúc đẩy đó là Tăng thương duyên. Từ sự khát vọng của con người đến chỗ đòi hỏi nhu cầu, phải tìm duyên, tìm cơ hội. Cuối cùng đi đến kết quả như mong muốn.

Các pháp không phải tự sinh, không phải tha sinh, không phải chung nhau sinh (cộng sinh). Như vậy các pháp thuộc vô sinh? Nagarjuna nói: các pháp không phải là vô sinh. Nếu không phải là vô sinh thì là nhân – duyên sinh? Nagarjuna quan niệm nhân duyên sinh không phải như là các luận sư khác hiểu. Nhân là nguyên nhơn của quả, duyên là trợ duyên của quả. Nhơn và duyên đóng vai quan trọng của quả duyên là trợ duyên của quả. Nhân và duyên đóng vai quan- trọng của quả theo thông thường chúng ta hiểu, Quả có là từ nhân và duyên. Tuy nhiên với quan niệm của Long – Thọ Bồ- Tát (Nagarjuna) không phải giản dị như thế. Vậy sự tương quan giữa Quả và Duyên là gì?

kriya na pratyayavatī nāpratyayavati kriyā |

pratyayā nākriyavantaḥ kriyāvantaś ca santy uta |

Effect is not constitued of condition, effect is not non-constituted of condition. Conditions are neither constituted nor non-constituted of effect.

果 為 從 緣 生 為 從 非 絲 生

Quả vi tùng duyên sinh, vi tùng phi duyên sinh

是 緣 為 有 果 是 緣 為 無 果

Thị duyên vi hữu quả, thị duyên vi vô quả.

Quả từ Duyên sinh hay từ phi Duyên sinh? Ở trong Duyên đã có sẵn Quả hay trong Duyên vốn không có sẵn Quả.

Duyên là chỉ cái trợ duyên giúp sinh ra quả. Như vậy dù nhiều dù ít cái quả cũng chịu ảnh hưởng một phần nào do các duyên trợ giúp sinh trưởng. Cho nên có câu nghi vấn: Quả là từ duyên sinh ra hay là từ phi duyên sinh ra ? Nếu nói rằng quả là từ duyên sinh ra thì trong duyên đó đã có quả, hay chưa có quả! Cũng như nói từ nhân sinh quả. Trong nhân ấy đã có cái quả, hay chưa có quả. Nếu trong nhân hoặc trong duyên có quả, thì chính trong duyên và nhân đó là quả rồi. Cái quả cần gì nhờ đến nhân và duyên mới có. Và danh từ nhân, duyên và quả không thành vấn đề. Còn nếu trong nhân hoặc trong duyên chưa có quả ! Như vậy, nhơn và duyên có trước, quả có sau. Quả chưa có sao được gọi là nhân và duyên. Ví dụ: đất sét và được hòa lại thành cái bình. Trông thấy cái bình (quả) biết đất và nước là duyên tạo nắn ra cái bình. Khi cái bình chưa có tại sao không nói đến đất và nước là phi duyên sinh. Nếu biết rằng quả không phải từ duyên sinh, huống hồ lại từ phi duyên sinh. Người thấy, vật bị thấy và sự thấy đều không thật.

Mục đích chính của Bồ tát Long Thọ khi luận về lý Duyên khởi này nhằm phá cả thuyết Duyên sinh (pratyaya) của Tiểu thừa lẫn Phi-duyên-sinh (apratyayāh) của ngoại đạo nên trong bài kệ này kết luận là “Quả không từ trong Duyên mà sinh khởi, cũng không sinh khởi từ phi- duyên. Quả không thực hữu, thì Duyên và Phi-Duyên cũng không thể có. Mọi sự hiện hữu đều là do duyên sinh, nay Quả không là duyên sinh thì quả không thực có. Nếu quả đã không có thì “duyên sinh, phi-duyên sinh” (pratyayapratyayah) cũng không thể có. Trung luận phủ nhận cả hai tư tưởng cực đoan (hữu biên).

Tóm lại, nhiều người đã có cái nhìn đơn giản cho rằng Trung Luận phá bỏ duyên sinh. Đó là cách nhìn biên kiến. Mục đích Long Thọ viết Luận để xiển dương pháp Duyên Khởi của Đức Phật dưới ánh sáng Trí Tuệ Bát Nhã, thấy rõ chân nghĩa vô ngã vô thường của vạn pháp, vượt qua các lối nhìn nhân quả duyên sinh đơn giản máy móc một chiều khởi từ tư tưởng các pháp các hiện tượng hiện hữu có tự tính hiện hữu (tự tính) của chính chúng (trái với quan điểm vô thường của nhà Phật). Quan niệm có quả có nhân cũng khởi từ quan điểm có sinh có diệt. Cho nên lý luận quả từ duyên sinh hay quả từ phi- duyên sinh cũng chỉ là hai cách nhìn cục bộ khởi từ ý tưởng phải có sinh phải có diệt không thấy được pháp duyên khởi bất sinh bất diệt của lý duyên khởi. Long Thọ muốn nói về thực nghĩa của vạn pháp: mọi hiện hữu vốn vắng lặng, không có tự tính của hiện hữu nên bất sinh bất diệt, bất thường bất đoạn, bất nhất bất dị… nên ngài tạo ra Luận này.

2.3. Sự tương hệ giữa Vô Ngã-Vô Thường-Duyên Khởi-Tính Không

Trong bản chất của Vô thường, Vô ngã, Duyên sinh là đã có cùng chung một quan điểm với tư tưởng Không; nghĩa là không có một sự vật gì tồn tại vĩnh hằng, độc lập mà không có sự hỗ trợ của cái khác cả. Mặc dù nó không chuyên chở ý nghĩa triết học cao sâu như Tính Không trong Trung Quán sau này; mà lúc này chỉ có ý nghĩa đơn thuần là vô ngã, là không tự tính, là cách nói khác của Duyên khởi và Vô ngã nhưng nó cũng đã làm nền tảng cho ngài Long Thọ triển khai, phát triển thành Duyên khởi Tính Không về sau của Trung Quán luận.

Lý Duyên khởi phải đi liền với Vô ngã (Anātman), vô thường (anitya) và khổ (duḥkha) của “tam pháp ấn”. “Vạn pháp giai không” bởi vì vạn pháp không hề có cái gọi là tự tính (svabhāva) để có thể tự hiện hữu hay hiện hữu độc lập, và đó cũng là nguyên lý cơ bản của giáo lý duyên khởi trong Phật giáo. Vì vậy Duyên khởi được được Bồ tát Long Thọ giải thích theo nghĩa Không của lý Vô Ngã. Cho nên đã hình thành Bát Bất Duyên khởi. Bát bất Duyên khởi chính là lập cước của Trung luận, chủ ý muốn nói về quan điểm vô ngã (vạn vật không thật có mà chỉ là duyên hợp) –Duyên khởi nên Vô ngã, Vô ngã nên Duyên khởi.

Từ duyên này tới duyên khác tương hợp kết quả sinh ra. Muôn vật trùng trùng duyên khởi để bồi đắp cho chỗ thiếu chỗ trống. Tương hợp, tương sinh, tương khởi là trạng thái tăng trưởng của muôn loài, muôn vật không bao giờ dừng yên một chỗ. Đứng lại một chỗ mà phải tiến hóa, trái ngược nguyên lý di dịch biến thiên. Tuy nhiên, vạn hữu không thể đi một chiều tương hợp tương sinh mãi mãi. Nhân duyên không những tạo chiều đi lên, mới mẽ tăng tiến hưng thịnh mà cũng tạo chiều đi xuống thối nát sụp đỗ. Đi lên chỉ là trạng thái tăng trưởng, đi xuống chỉ trạng thái hoại diệt hợp cái lý vô thường di dịch, hủy diệt. Trạng thái ly tán, trạng thái tương khắc, tương diệt và hủy hoại, có tương – khắc mới có tương hợp, có tương diệt mới có tương sinh tăng trưởng đó là lý tưởng đối luật tụ tán sinh diệt của thiên hình vạn trạng. Mà chính Nagarjuna đã nói có không, không có cũng có cũng không… “Trên mặt tuyệt đối thì không thấy sự sai biệt của vạn hữu, vì đồng qui nhất – thế chơn – không. Nhứt thể đó là Sunya là Chơn-Như Pháp-Tính. Còn trên mặt tương đối thì vạn hữu dị biệt có sinh khởi có tăng trưởng, có thành hoại, tụ tán đó là Pratiyasamutpada lý nhơn duyên sinh vô thường biến động (Anicca).

Mọi hiện tượng hiện hữu là do tương quan với các duyên nhân khác, cho nên Ngài Long Thọ kết luận là chúng không thật có. Đó là cơ sở cho, “nhất thiết pháp không” Sūnya có nghĩa là trống rỗng, trống không, trống rỗng, rỗng lặng. Đó là cái “không là” abhāva mà Long Thọ đã nói rõ trong lý Duyên Khởi. Theo đó, vạn vật chưa bao giờ “là” (bhāva), chúng chỉ hiện hữu theo duyên sinh (vì có cái này nên có cái kia…) Mọi hiện tượng, hiện hữu không bao giờ tồn tại độc lập và đứng yên, cho nên Long Thọ mới nói bản chất (tính) của vạn vật là không, vắn tắt là “tính không” (sūnyatā). Nói cách khác vạn vật “trống không” (sú̃nya), vì không có “tự tính” (svabhāva) và không có tự ngã (nairātmya). Sự hiện hữu của nó hoàn toàn lệ thuộc và liên hệ với trùng trùng nhân duyên khác.

3. Vai trò của duyên khởi trong Trung Quán luận và ứng dụng tu tập

3.1. Vai trò của duyên khởi trong Trung Quán luận

Chính vì các pháp tồn tại do nhân duyên, nên chúng luôn vô thường, thay đổi liên tục. Duyên khởi được hệ thống thành Bát Bất. Tư tưởng Bát Bất cũng dựa trên Duyên khởi mà thành lập. Bát bất là tám phạm trù phủ định và cũng là tư tưởng trung tâm của Trung luận. Các pháp vốn không phải là sinh diệt, thường đoạn, nhất dị…Lúc các duyên hợp, ta thấy các pháp xuất hiện nên liền gọi đó là sinh, khi các duyên tan, các pháp không còn thì gọi đó là diệt. Ví như một em bé sinh ra đời, có hình tướng tay chân, đi đứng nói cười, ta gọi là sinh, rồi khi già đi bệnh hoạn rồi chết, ta không còn thấy người đó hiện hữu trên đời nên gọi là diệt. Thực chất, trong mỗi khoảng thời gian ngắn nhất, con người luôn có sinh diệt, rõ ràng nhất là sự sinh diệt đổi thay của các tế bào, nhờ đó mà con người lớn lên. Trong từng khoảng thời gian ngắn nhất, đã ẩn chứa cả sự sinh diệt, diệt sinh luôn luân chuyển liên tục. Ta thường thấy sự sinh và diệt, thực chất đó chỉ là sự diễn biến liên tục, thật sự chẳng có cái nào là sinh hay là diệt. Sinh và diệt chỉ là một biểu hiện tức thời của quá trình diễn biến Duyên khởi. Hơn nữa, khi nói cái này sinh, cái kia diệt tức là dựa trên một thời gian nhất định mà nói nó có sinh, có diệt. Nếu cho thời gian đến vô cùng vô tận, ta sẽ thấy quá trình sinh diệt cũng thay đổi vô cùng theo nhân duyên của chúng. Khi định nghĩa pháp này sinh, pháp kia diệt, cũng chỉ cắt nghĩa nó ở một điểm thời gian nhất định mà thôi, thật sự chẳng có gì là thật sinh hay thật diệt.

Yaḥ pratītyasamutpādaḥ sú̄nyatām tām pracakṣmahe

Să prajnãptir upādāya pratipat saiva madhyama

眾 因 缘 生法, 我 說即是無,

亦為是假 名, 亦是中遒義.

Whatever is contingently related, that is explained as emptiness. That is contingently configured; it is the central path.

Dịch là: “Các pháp do Duyên sinh ra, ta nói tất cả đều là Không, cũng gọi là Giả danh, cũng chính là nghĩa Trung Đạo”.

Như vậy, dựa vào pháp Duyên khởi mà hiển bày, căn cứ vào Duyên khởi để nói Không thì sự và lý đều không ngại. Nguyên lý Duyên khởi cũng chính là chân lý, là trọng tâm trong Đạo Phật, là một trong Ba pháp ấn quan trọng (Duyên khởi – Vô thường – Vô ngã).

Các pháp do nhân do duyên mà sinh ra, nên bảo rằng nó là không, là giả danh, và cũng là Trung đạo. Chính do sự kết hợp của các pháp nên các pháp được hình thành; và trong chúng không mang theo một bản tính cá biệt nào nên chúng được gọi là giả danh. Vì tên gọi chỉ có giá trị trong một thời điểm nào đó và khi chúng thay đổi thì tên cũng đổi thay, ví như nước chẳng hạn khi hội đủ nhân duyên cùng với nhiệt độ cao…. thì chúng bốc hơi thoát lên tích tụ thành mây, cho nên tên gọi chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Mà đã là duyên khởi và giả danh thì chúng được gọi là Không và cũng là Trung đạo. Chính quan điểm này đã giúp cho mọi người dễ dàng thấy được bản chất vô ngã của chính tự thân và thực nghiệm chân lý bằng sự thực chứng của trí tuệ. Sự thực chứng ấy chính là cái nhìn sâu vào bản chất của ngã, ngã sở hay cũng có thể nói đây chính là phương pháp quán như thật các pháp để nhận chân được bản thể vượt ra ngoài những khái niệm sai lầm, những phạm trù tư tưởng hiện hữu và không hiện hữu…., từ bỏ những chấp thủ nhị biên để thể nhập Không Tính siêu việt.

Chúng ta cũng có thể nói rằng toàn bộ những lời dạy của Đức Phật, cũng như hệ thống tư tưởng Phật giáo được khai triển về sau đều tập trung chủ yếu vào trục đứng của lý Duyên khởi. Và hệ thống Tính Không nói riêng cũng như dòng tư tưởng phát triển về sau nói chung đều nhằm vào mục đích làm sáng tỏ lý Duyên khởi. Trong Trung Luận, Long Thọ triển khai lý duyên khởi để phản bác và triệt tiêu các quan niệm sai lầm hý luận của các Phật học bộ phái đương thời và triết học của ngoại đạo. Đồng thời Bồ tát xây dựng hệ thống giáo lý sâu sắc Duyên Khởi Tính Không mà các tông môn Phật giáo Đại thừa sau này tiếp tục kế thừa.

3.2. Ứng dụng tu tập Duyên khởi tính Không

Chân nghĩa Không của các pháp là Bát bất Duyên khởi. Bát bất còn được định nghĩa là Trung đạo – con đường dập tắt mọi hý luận. Không là một thực tại, siêu việt có –không của nhị biên. Vì vậy Duyên khởi tính không hình thành qua hệ thống bát bất là con đường tu tập chuyển hóa mọi tà kiến chấp thủ vướng mắt. Tu tập Trung đạo qua đạo lý Duyên khởi là không chấp thủ nhị biên, không rơi vào cực đoan. Sống theo tinh thần tùy duyên, không hệ lụy vào các hiện tượng giả danh, không thật. Vì vậy luôn sống trong tinh thần lạc quan tích cực khi có biến động đau buồn xảy ra. Bởi vì “chẳng có niềm vui nào kéo dài mãi và nổi buồn này cũng vậy!” Hành giả tu học cần phải luôn giữ tâm thái an tịnh, không rơi vào các thái cực chủ quan vướng mắt chấp thủ. Tu tập Trung đạo trong đạo lý Duyên khởi để tránh khổ đau là luôn chính niệm tỉnh giác “bình thường tâm thị đạo”. Phật giáo đề cao sự bình an, tĩnh lặng bởi sự bình an, tĩnh lặng của tâm là điều kiện nuôi dưỡng và phát khởi tuệ giác. Tuệ giác là nhân tố giúp con người nhận chân ra được bản chất sự vật, hiện tượng, từ đó tránh khỏi những phản ứng sai lầm gây tạo nghiệp xấu, nghiệp ác. Khởi đầu với nhận thức về tự ngã, tiến dần lên thanh tịnh hóa tự ngã. Bởi vì trong tâm còn chấp ngã, vĩnh viễn khó đạt được an lạc. Chỉ có phá bỏ tự ngã mới có thể được yên vui giải thoát. Cho nên nhà Phật mới dùng pháp “vô ngã” để an tâm. Tu luyện để bào mòn cái tôi để nó đi về cái vô ngã.

Một hiện tượng chỉ hiện hữu vì nó tương tác với các duyên của nó. Đồng thời một hiện tượng cần duyên để hiện hữu vì nó không có tự tính để tự hiện hữu độc lập. Bởi vì tất cả các pháp đều không có tự tính (svabhava) riêng của chúng, chúng chỉ hiện hữu vì do tương quan với các nhân duyên khác, nên Long Thọ kết luận là chúng không thật có, tất cả chỉ là giả danh, vô thường, vô ngã. Vì vậy tu tập Bát bất Duyên khởi là không dính mắt vào bất cứ một phạm trù nào, tâm vô sở trụ. Không dính mắt, không bị trói buộc vào tướng sinh, diệt; thường, đoạn; nhất, dị; khứ, xuất. Bồ tát Long Thọ đã giúp chúng ta hiểu được duyên khởi tính không của các pháp, mở ra con đường tu tập an trụ tâm bằng cách vô sở trụ. Chỉ khi an trụ tâm vào chỗ vô sở trụ thì sẽ có được tâm lượng Đại Bi kết hợp với Đại Trí (Duyên khởi vô ngã) để có được phương tiện độ sinh. Người có trí tuệ lập tức sẽ có lòng từ bi. Nếu không có trí tuệ-nhận thức sai lầm về cái bản ngã cái tôi, sẽ dẫn đến long ích kỷ thì long từ sẽ theo đó mà nhỏ hẹp. Lòng từ bi là hoa trái của quá trình tu luyện bào mòn cái tôi về cái vô ngã (non-self) thì mới ra được cái Compasion (lòng từ).

Mahaprajma paramana (Đại trí tuệ) + Upaya kausalya (phương tiện thiện xảo). Phương tiện thiện xảo trong độ sinh của Bồ tát là biểu hiện của từ bi và trí tuệ. Từ bi và trí tuệ không đối lập với nhau. Đại bi là sự thương yêu không chiếm hữu và không bị điều động bởi ngã ý, nó có khả năng dìu dắt tất cả mọi sự hiện hữu và không hiện hữu dẫn sinh đời sống an bình bằng chất liệu của đại trí. Bi và trí như vậy là bi và trí của tâm bồ đề. Dung hóa ở trong đại trí và đại bi, và từ trí bi ấy, mà người Phật tử khởi lên đại hạnh và đại nguyện làm lợi ích cho hết thảy muôn loài với vô số hình thức thuận nghịch khác nhau. Mọi hành hoạt của người Phật tử không phải vì người thiện mà bỏ người ác hay vì người ác mà bỏ người thiện, mà người Phật tử hành hoạt theo đại bi và đại trí, nên đối với người thiện, người Phật tử nguyện thân cận để giúp đỡ cho họ chuyển hóa từ thiện hữu hạn đến thiện vô cùng, và đối với người ác, người Phật tử nguyện thân cận để giúp đỡ cho điều ác của họ ngày càng giảm thiểu, để khiến cho tất cả họ đều hướng về đời sống của đại bi và đại trí. Nên, thiện hay ác đối với người Phật tử không phải là điều thủ đắc hay không thủ đắc.

“Duyên khởi là chủ đề trọng tâm của Trung Quán để minh chứng ‘nhất thiết pháp không’, vì vậy nên Vô Ngã”

Vô ngã duyên khởi để xóa bỏ quan điểm sai lầm của thuyết định mệnh. Tất cả đều do cảnh duyên mà sinh ra, vì vậy chúng ta có thể cải tạo số mệnh qua việc tích tập nhiều thắng duyên. Bởi vì từ Nhân đến Quả còn có yếu tố quan trọng của Duyên: Nhân-Duyên-Quả. Nhân là vậy nhưng có thành quả hay không là cũng do duyên, tạo nhiều duyên lành để nhân xấu ác không có điều kiện phát sinh, làm cho nó tiêu nha bại chủng. Môi trường tạo nên cá thể, cho nên cần phải kết duyên lành, tu tạo nhiều thiện duyên để cải tạo số mệnh. Vì vậy có thể khẳng định Duyên khởi của Phật giáo không bao giờ là thuyết định mệnh hay tiền định. Cái ta (ngã) và tất cả mọi hiện tượng trong thế giới này đều chỉ là do các nhân duyên giả hợp mà thành. Vì vậy con người không nên bám víu vào cái ngã vì mọi sự hiện hữu vốn không hiện hữu và không thật có. Vì hệ lụy quan trọng của lòng chấp ngã chỉ đưa đến khổ đau.

Các pháp do duyên khởi cho nên là vô thường, không tính. Để sống với bản chất duyên khởi, vô thường, không tính của các pháp, chúng ta phải có thái độ vô ngã, tức không chấp các pháp là sinh, diệt, đến, đi. Không bám víu vào bất cứ biểu hiện tạm thời nào của các pháp rồi cho đó chính là pháp, để rồi khi chúng vận động theo vô thường thì bản thân thấy trái ý muốn của mình rồi sinh ra khổ đau. Người trí khéo nghĩ lường, muốn nảy mầm bồ đề, trí tuệ soi thế gian phải nên quan sát kỹ, thật tướng của các pháp: không sinh cũng không diệt, không thường cũng không đoạn, chẳng đồng cũng chẳng khác, chẳng đến cũng chẳng đi. Từ đó dứt hết các lỗi hí luận. Bởi vì học giả có tài thế trí biện thông nhưng đó sẽ trở thành một trong tám nạn. Học giả cần kết hợp với hành giả (học đi đôi với hành) mà siêng tu tập trang nghiêm công hạnh của bồ tát, không móng tâm phân biệt, sống với tinh thần Vô ngã vị tha, đúng với đạo lý Bát bất duyên khởi.

KẾT LUẬN

Trung Quán Luận của Ngài Long Thọ, là chìa khóa của phương pháp học Phật giáo. Đạo lý Duyên khởi trong Trung Luận giúp chúng ta vượt thoát những ý niệm về duyên khởi mà chúng ta đang có. Mục đích của Bồ Tát Long Thọ viết ra Trung luận để xiển dương pháp Duyên khởi của Đức Phật dưới ánh sáng Trí Tuệ Bát Nhã. Vai trò của đạo lý Duyên khởi trong Trung Quán luận nhằm phá cả thuyết Duyên sinh củaTiểu thừa lẫn Phi duyên sinh của ngoại đạo. Đặc biệt điều tuyệt diệu của Trung luận là nối kết giáo lý Vô Ngã và Duyên khởi qua Bát Bất Duyên khởi – “Duyên khởi nên Vô ngã, vô ngã nên duyên khởi”. Duyên khởi được được Bồ tát Long Thọ giải thích theo nghĩa Không của lý Vô Ngã. Tính Không dựa vào pháp Duyên khởi mà hiển bày, căn cứ vào Duyên khởi để nói Không thì sự và lý đều không ngại. Cho nên đã hình thành Bát Bất Duyên khởi. Ngài Long Thọ sử dụng bát bất để trình bày Trung Luận chính là trình bày con đường trung đạo và trung chính là tướng không của các pháp. Điều này giải phóng con người ra khỏi mạng lưới rối rắm của những tà kiến và nhận thức sai lầm. Lý thuyết đầu tiên để chúng ta hiểu được tính Không chính là Duyên khởi, và sự nổi bật của thuyết tính Không chính là Trung đạo.

Luận về đạo lý Duyên khởi trong Trung Quán Luận là con đường tu tập chuyển hóa mọi tà kiến chấp thủ vướng mắt. Đó là Trung đạo qua đạo lý Duyên khởi nên không chấp thủ nhị biên, không rơi vào cực đoan, phá trừ các hý luận. Hành giả tu học cần phải luôn giữ tâm thái an tịnh, không rơi vào các thái cực chủ quan vướng mắt chấp thủ. Đạo lý Nhân-Duyên-Quả qua Trung Luận giúp chúng ta không hệ lụy vào các hiện tượng giả danh, không thật, sống theo tinh thần vô sở trụ và tùy duyên.

Tài liệu tham khảo

1.Thích Trí Dụ giải, Lê Hồng Sơn dịch (2019), Yếu Giả Trung Luận, NXB. Đà Nẵng.
2.Richard H. Robinson, Thích Thiện Chính dịch (2022), Trường Phái Trung Quán thời kì đầu ở Ấn Độ và Trung Quốc, NXB. Hồng Đức.
3.THích Thanh Từ dịch-giảng (2008), Trung Luận Giảng Giải, NXB.Tôn giáo.
4.Hồng Dương Nguyễn Văn Hai (2017), Nguyên tắc Lý do đủ-Lý duyên khởi, NXB.Thuận Hóa.
5.C. W. Huntington Geshe Namgyal Wangchen, Thích Thiện Chính dịch (2022), Không Tính của Không Tính, NXB.Thuận Hóa.
6.GS. Vũ Thế Ngọc (2016), Triết Học Long Thọ, NXB.Thế Giới.
7.Vũ Thế Ngọc (2017), Long Thọ Thất Thập Không Tính Luận, NXB. Hồng Đức.
8.Hồng Dương Nguyễn Văn Hai (2001), Tìm Hiểu Trung Luận-Nhận Thức và Không Tính, NXB. Tôn Giáo.
9.Thích Thiện Siêu (dịch và tóm tắt), Trung Luận, NXB. TP Hồ Chí Minh.

Tác giả: Thích nữ Giác Phổ

Học viên Cao học ngành Triết học Phật giáo – Khóa III – Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.

>> Nghiên cứu thêm về thập nhị nhân duyên

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/luan-ve-dao-ly-duyen-khoi-trong-trung-quan-luan.html