Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và nhiều chính sách có hiệu lực từ tháng 4/2025
Từ tháng 4/2025, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cùng nhiều chính sách mới có hiệu lực, nổi bật là các chính sách liên quan đến quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước; sửa đổi, bổ sung quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm…
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật tháo gỡ "điểm nghẽn" về thể chế
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật gồm 9 chương và 72 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2025.
Luật được ban hành nhằm kịp thời tháo gỡ những "điểm nghẽn" về thể chế, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xây dựng và vận hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, qua đó khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới. Luật được xây dựng trên quan điểm bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật mà cụ thể là thể chế kịp thời, đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, của đồng chí Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội về đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật, theo đó quy định của luật phải mang tính ổn định, lâu dài, quy định vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, còn vấn đề thường xuyên biến động thì giao Chính phủ, bộ, ngành, địa phương quy định.
Luật Ban hành văn bản pháp luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tính tương thích với các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các nước về xây dựng, ban hành văn hành bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, kế thừa những nội dung còn phù hợp của Luật năm 2015, đồng thời, đổi mới quy trình xây dựng pháp luật theo hướng bảo đảm tính chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả gắn với tăng cường kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm của các cơ quan, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật…
Quy định mới về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước
Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2025/NĐ-CP quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước. Nghị định quy định rõ các nguyên tắc quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng.
Cụ thể, lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp được xác định gắn với nhiệm vụ, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phù hợp với ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp, hướng đến bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường; thực hiện cơ chế tiền lương phù hợp để doanh nghiệp thu hút, khuyến khích đội ngũ nhân lực công nghệ cao thuộc các lĩnh vực công nghệ cao được nhà nước ưu tiên phát triển.
Nhà nước thực hiện quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thông qua giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp; đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thì thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho người đại diện phần vốn nhà nước để tham gia, biểu quyết, quyết định tại cuộc họp của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị hoặc đại hội đồng cổ đông.
Thực hiện tách bạch tiền lương, thù lao của thành viên hội đồng, kiểm soát viên với tiền lương của ban điều hành.
Nghị định quy định quỹ tiền lương của người lao động và ban điều hành được xác định theo các phương pháp sau: Xác định quỹ tiền lương thông qua mức tiền lương bình quân; xác định quỹ tiền lương thông qua đơn giá tiền lương ổn định nhưng chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp đã có thời gian hoạt động ít nhất bằng thời gian dự kiến áp dụng đơn giá tiền lương ổn định.
Nghị định số 44/2025/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/4/2025.
Sửa đổi, bổ sung quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm

Quy định mới về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 20/4.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, có hiệu lực từ ngày 20/4/2025 và áp dụng bắt đầu từ năm học 2025-2026.
Về xác định nhu cầu đào tạo giáo viên, Nghị định số 60/2025/NĐ-CP quy định như sau:
Trước ngày 15/6 hằng năm, UBND cấp tỉnh gửi nhu cầu đào tạo giáo viên của địa phương theo từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học cho năm tuyển sinh tiếp theo về Bộ Giáo dục và Đào tạo theo Mẫu số 03 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 60/2025/NĐ-CP, đồng thời công khai trên các phương tiện thông tin, truyền thông.
Trước ngày 30/6 hằng năm, trên cơ sở nhu cầu tuyển dụng giáo viên theo trình độ, cấp học, ngành đào tạo của địa phương, điều kiện bảo đảm chất lượng và năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định và thông báo chỉ tiêu tuyển sinh năm tiếp theo cho các cơ sở đào tạo giáo viên.
Căn cứ chỉ tiêu được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo, cơ sở đào tạo giáo viên công khai rộng rãi chỉ tiêu lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo và trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo giáo viên trước ngày 5/7 hằng năm.
Về phương thức thực hiện hỗ trợ sinh viên sư phạm, Nghị định số 60/2025/NĐ-CP quy định:
Căn cứ vào chỉ tiêu được thông báo của các cơ sở đào tạo giáo viên, các bộ, ngành, địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm bằng hình thức giao dự toán theo phân cấp ngân sách; trường hợp địa phương có nhu cầu nguồn giáo viên cần thực hiện theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng thì thực hiện giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc hoặc đặt hàng đào tạo giáo viên với cơ sở đào tạo giáo viên.
Quyết định giao nhiệm vụ, hợp đồng đào tạo giáo viên giữa cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng với các cơ sở đào tạo giáo viên phải căn cứ trên cơ sở nhu cầu và kế hoạch đào tạo giáo viên theo từng năm, phù hợp với lộ trình kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo, kế hoạch đào tạo đội ngũ giáo viên hằng năm và dài hạn của địa phương.
Đơn giá thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên được xác định theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 116/2020/NĐ-CP.
Các quy định khác về giao nhiệm vụ, đặt hàng chưa được quy định cụ thể tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP và Nghị định số 60/2025/NĐ-CP thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước.
Quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy
Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2025/NĐ-CP quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy, có hiệu lực từ ngày 10/4. Nghị định này quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy, trừ chữ ký số chuyên dùng công vụ và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ.
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp hoặc có liên quan đến chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy.
Theo nghị định, từ ngày 10/4, chứng thư chữ ký điện tử được phân loại như sau:
Chứng thư chữ ký số gốc của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia là chứng thư chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia tự cấp cho mình tương ứng với từng loại dịch vụ tin cậy.
Chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy là chứng thư chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia cấp cho tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy tương ứng với từng loại dịch vụ tin cậy, bao gồm: chứng thư chữ ký số cho dịch vụ cấp dấu thời gian, chứng thư chữ ký số cho dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu, chứng thư chữ ký số cho dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
Chứng thư chữ ký số công cộng là chứng thư chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp cho thuê bao.
Chứng thư chữ ký điện tử chuyên dùng là chứng thư chữ ký điện tử do cơ quan, tổ chức tạo lập chữ ký điện tử chuyên dùng cấp.
Nghị định nêu rõ, tất cả các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật được thành lập và hoạt động hợp pháp đều có quyền được cấp, phát hành chứng thư chữ ký số. Chứng thư chữ ký số cấp cho người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức phải nêu rõ chức danh và tên cơ quan, tổ chức của người đó.
Theo nghị định, chữ ký số của cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức được cấp, phát hành chứng thư chữ ký số theo quy định trên chỉ được sử dụng để thực hiện các giao dịch và các hoạt động theo đúng thẩm quyền của cơ quan, tổ chức và chức danh được cấp, phát hành chứng thư chữ ký số. Việc ký thay, ký thừa lệnh theo quy định của pháp luật thực hiện bởi người được giao, ủy quyền sử dụng chữ ký số của mình, được hiểu căn cứ vào chức danh của người ký số ghi trên chứng thư chữ ký số.