Lạng Sơn: Có 340 GV dạy thêm ngoài nhà trường sau khi Thông tư 29 có hiệu lực
Theo thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn, từ khi Thông tư 29 được ban hành và có hiệu lực, có 340 giáo viên đăng ký dạy thêm ngoài nhà trường.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn cho biết, thực hiện Công văn số 948/BGDĐT-GDPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc báo cáo tình hình triển khai thực hiện Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn đã ban hành văn bản số 781/BC-SGDĐT báo cáo một số nội dung bao gồm: Công tác triển khai thực hiện Thông tư 29; Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới; Kiến nghị, đề xuất một số ý kiến dựa trên tình hình thực tế địa phương nhằm đảm bảo thực hiện Thông tư 29 hiệu quả.
Tình hình tổ chức dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh
Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, từ khi Thông tư 29 được ban hành và có hiệu lực, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt nội dung của thông tư đến lãnh đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng các trường học có cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh.
"Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo sở, trường học tổ chức tuyên truyền nội dung Thông tư 29 đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh bằng nhiều hình thức như thông qua các cuộc họp tại đơn vị, đăng tải thông tin trên trang mạng, trang thông tin điện tử, niêm yết công khai tại nhà trường,…. đảm bảo 100% cán bộ quản lý, giáo viên nắm vững và thực hiện nghiêm túc các quy định.
Đồng thời, yêu cầu các trường giám sát chặt chẽ việc giáo viên tham gia hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường, hướng dẫn giáo viên thực hiện đúng quy định trong Thông tư 29.
Ngoài ra, sở cũng phối hợp với các cơ quan truyền thông địa phương để tuyên truyền, phổ biến quy định về dạy thêm, học thêm đến phụ huynh và học sinh", đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn cho hay.
Để nắm bắt việc triển khai thực hiện Thông tư 29 tại địa phương, sở đã ban hành văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh báo cáo tình hình triển khai thực hiện Thông tư 29 và ghi nhận những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, từ đó hướng dẫn triển khai đạt hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế của mỗi đơn vị.
Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn thông tin: “Tính đến thời điểm hiện tại, các trường có cấp trung học phổ thông vẫn đang thực hiện công tác ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 theo hình thức tự nguyện và không thu phí. Tổng số có 1.197 giáo viên tham gia công tác ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho hơn 38.600 học sinh lớp 12 ở những bộ môn đã đăng ký.
Về phía các trường có cấp trung học cơ sở, tiếp tục ôn tập cho học sinh lớp 9 chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2025-2026. Theo đó, tổng số có 1.626 giáo viên tham gia ôn tập cho hơn 32.900 lượt học sinh lớp 9, đối với ba môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh”.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn tổ chức lớp bồi dưỡng ôn tập thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Toán. (Ảnh: website Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn)
Cùng với đó, việc dạy thêm ngoài nhà trường phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo hình thức thành lập doanh nghiệp, trung tâm dạy thêm, học thêm hoặc hộ kinh doanh, trong đó giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường.
“Hiện nay, số lượng doanh nghiệp, trung tâm dạy thêm, học thêm trên địa bàn hạn chế; chủ yếu là cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, thực hiện dạy thêm với quy mô nhỏ lẻ. Qua thống kê, tính đến hết tháng 2/2025, có khoảng 340 giáo viên của các cơ sở giáo dục tham gia dạy thêm ngoài nhà trường tại các cơ sở dạy thêm, các trung tâm bồi dưỡng kiến thức, trung tâm dạy thêm, học thêm”, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn cho biết.
Nhiệm vụ, giải pháp giảm nhu cầu học thêm, dạy thêm không cần thiết
Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT. Cụ thể:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh để hiểu đúng và thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện Thông tư 29.
Thứ hai, tổ chức hội nghị, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh về nội dung của Thông tư 29. Công khai số điện thoại, kênh tiếp nhận phản ánh về vi phạm dạy thêm trái quy định.
Thứ ba, chỉ đạo các cơ sở giáo dục, yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm, công khai thông tin, minh bạch hóa hoạt động dạy thêm. Trường học phải niêm yết công khai danh sách giáo viên, học sinh đăng ký học thêm, tránh tiêu cực. Xây dựng hòm thư góp ý tại nhà trường để thu thập phản ánh về dạy thêm không đúng quy định. Thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin từ phụ huynh và học sinh.
Thứ tư, tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động dạy thêm. Tổ chức hoặc phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn quản lý; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý những trường hợp vi phạm.
Thứ năm, tất cả giáo viên tham gia dạy thêm tại cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo hiệu trưởng, người đứng đầu đơn vị quản lý và đảm bảo cơ sở dạy thêm mà giáo viên tham gia dạy thêm đã đăng ký kinh doanh. Đồng thời, công khai thông tin trên cổng thông tin của Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo.

Lớp bồi dưỡng giáo viên Trung học cơ sở, Trung học phổ thông sử dụng Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lạng Sơn lớp 9, lớp 12. (Ảnh: website Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn)
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh: "Trong thời gian tới, lãnh đạo sở tiếp tục chỉ đạo các trường học nâng cao chất lượng dạy học chính khóa. Cũng như nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy của giáo viên, trách nhiệm của nhà giáo, đồng thời phát huy năng lực tự học, tự nghiên cứu để phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của học sinh.
Hơn nữa, trường học cần tăng cường phụ đạo cho học sinh có kết quả học tập chưa đạt ngay trong giờ học chính khóa, nhằm hạn chế tình trạng học thêm bên ngoài.
Ngoài ra, sở đang đề xuất xây dựng kênh hỗ trợ học tập trực tuyến miễn phí để cung cấp thêm tài liệu tham khảo cho học sinh, giúp giảm bớt nhu cầu học thêm ngoài nhà trường. Đồng thời, tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học ở vùng sâu, vùng xa, đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Song song với đó là thường xuyên ghi nhận những vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư 29 từ cơ sở giáo dục, phụ huynh học sinh, qua đó đề xuất những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, hạn chế việc dạy thêm, học thêm không cần thiết".
Cần hướng dẫn đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh cho các cơ sở dạy thêm
Dựa trên tình hình thực tế tại địa phương và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Thông tư 29, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn đưa ra một số đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:
Đầu tiên, xem xét bổ sung hướng dẫn chi tiết hoặc điều chỉnh quy định về số tiết dạy thêm tối đa/môn/tuần, phân loại theo mục đích (ôn thi, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu), nhằm tạo sự linh hoạt cho địa phương trong việc tổ chức dạy thêm hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế mà vẫn đảm bảo không gây áp lực cho học sinh.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xây dựng và cung cấp miễn phí một hệ thống học tập trực tuyến quốc gia (bao gồm video bài giảng, bài tập mẫu, đề thi tham khảo) dành riêng cho học sinh vùng khó khăn.
“Thông tư 29 khuyến khích giảm nhu cầu học thêm bằng cách nâng cao chất lượng giáo dục chính khóa, nhưng tại Lạng Sơn, nhiều học sinh ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tiếp cận tài liệu học tập bổ trợ hoặc các kênh học trực tuyến do thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và nguồn tài liệu chuẩn hóa”, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn lý giải.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn cụ thể về cơ chế hỗ trợ kinh phí từ ngân sách trung ương cho các địa phương khó khăn như Lạng Sơn, nhằm chi trả thù lao cho giáo viên tham gia ôn tập thi tốt nghiệp trung học phổ thông và ôn thi tuyển sinh lớp 10.
Mức hỗ trợ có thể tính theo số giờ dạy thực tế, ưu tiên vùng dân tộc thiểu số và miền núi để đảm bảo công bằng giáo dục.
Cuối cùng là ban hành hướng dẫn đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh cho các cơ sở dạy thêm (ví dụ: mẫu hồ sơ chuẩn, quy trình rút gọn), đồng thời khuyến khích các địa phương tổ chức tập huấn cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu thành lập cơ sở dạy thêm hợp pháp. Điều này sẽ giúp tăng số lượng cơ sở dạy thêm được quản lý chặt chẽ, đáp ứng nhu cầu học tập chính đáng của học sinh.