Khi khu vực công áp dụng KPI

Khi sáp nhập tỉnh và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở, không tổ chức cấp huyện) theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hệ thống chính quyền địa phương mới sẽ vận hành trên địa bàn rộng lớn hơn; người đứng đầu chính quyền cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương điều hành nhiều đơn vị sở, ban ngành và cấp cơ sở hơn.

Để vận hành hệ thống chính quyền địa phương trên quy mô địa bàn rộng thực sự hiệu lực, hiệu quả, yêu cầu quan trọng là lựa chọn được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực phù hợp và rất cần có công cụ giao việc, đánh giá hiệu quả để thúc đẩy công chức hoàn thành nhiệm vụ.

Điểm tích cực là trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Bộ Nội vụ vừa đề xuất chủ tịch UBND tỉnh sẽ chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong công tác tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức trên địa bàn; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Đặc biệt, chủ tịch UBND tỉnh sẽ thực hiện phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm và quyết định điều động, cách chức chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp cơ sở và giao quyền chủ tịch UBND cấp cơ sở…

Đây thực sự là bước đột phá trong việc trao quyền cho người đứng đầu chính quyền cấp tỉnh, trao quyền gắn với trách nhiệm phải sử dụng hiệu quả nhân lực bổ nhiệm. Nếu để người được mình bổ nhiệm không hoàn thành nhiệm vụ, hiệu quả công việc thấp hoặc rủi ro, người đứng đầu không thể tránh khỏi trách nhiệm. Quyền luôn đi kèm với trách nhiệm, buộc người lãnh đạo càng ý thức hơn trong việc chọn người, cũng như sâu sát hơn trong việc đôn đốc, hỗ trợ, động viên cấp dưới hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cùng với trao quyền cho người đứng đầu chính quyền cấp tỉnh, thì trong bối cảnh hiện nay (đang sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và sắp xếp, tinh gọn bộ máy), cần có hệ thống các tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc làm thước đo để đánh giá công chức, đảm bảo tính minh bạch. Kết quả đánh giá là căn cứ để khen thưởng, bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc luân chuyển, đào tạo. Qua đó, tạo động lực để người giỏi có cơ hội thăng tiến, còn người không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ sẽ phải điều chuyển, thậm chí rời khỏi hệ thống.

Từ ngày 1-4, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định áp dụng bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (KPI) chính thức. Đó là một bước đi mạnh mẽ, tiến bộ trong cải cách hoạt động quản trị nhà nước hướng đến hiệu quả công việc. Sử dụng KPI để đo lường, đánh giá kết quả và hiệu quả công việc là việc không mới ở các doanh nghiệp, nhưng đối với quản trị nhà nước ở Việt Nam, bước đi của Khánh Hòa được coi là sự tiên phong, rất đáng hoan nghênh. Trên thế giới, việc áp dụng KPI trong khu vực công không còn là vấn đề mới. Nhiều quốc gia như Singapore, Anh hay Mỹ đã triển khai thành công hệ thống này nhằm đảm bảo hiệu quả vận hành của khu vực công, nâng cao trách nhiệm giải trình và chất lượng công vụ.

Đối với sử dụng KPI ở khu vực công tại Việt Nam, cần lưu ý là các thước đo đánh giá hiệu quả công việc được thiết kế gắn với mục tiêu và nhiệm vụ của mỗi cơ quan, gắn với mục tiêu phát triển chung của địa phương, đồng thời phải phù hợp với hệ thống tổ chức chính quyền địa phương sau khi sắp xếp. Để công cụ KPI được triển khai thống nhất, Bộ Nội vụ cần xây dựng khung pháp lý với định hướng rõ ràng về các thước đo đánh giá hiệu suất công việc áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Việc triển khai KPI nên kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là các phần mềm quản lý công việc hành chính công. Cán bộ, công chức đang hướng đến giải quyết công việc trên môi trường số, vì thế nên tích hợp các thước đo KPI trên nền tảng số. Trước hết, cần triển khai công cụ giao việc, cho phép cấp tỉnh trực tiếp phân công công việc đến lãnh đạo các cấp sở, ban, ngành; tự động nhắc nhở thời hạn (deadline), theo dõi tiến độ và tổng hợp báo cáo nhằm giảm tình trạng chậm trễ, tồn đọng. Việc đánh giá cũng nên thực hiện tự động trên nền tảng số như báo cáo thời gian, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn để đánh giá hiệu quả công việc.

Nhà nước đang đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và tinh gọn bộ máy, cần tạo điều kiện để thu hút nhân tài vào khu vực công. Nếu có một hệ thống KPI công bằng và minh bạch, khu vực công sẽ càng hấp dẫn được người tài, tạo ra hệ thống hành chính hiệu lực, hiệu quả.

TS HUỲNH THANH ĐIỀN, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khi-khu-vuc-cong-ap-dung-kpi-post788747.html