Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Bước tiến lớn trong xử lý nợ xấu
Trước khi vay vốn, cần tìm hiểu kỹ về các điều khoản, lãi suất, phí và các quy định liên quan đến tài sản đảm bảo.

Trọng tâm của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 sửa đổi là luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu.
Trong quá trình vay, người vay cần chủ động theo dõi tình hình tài chính, có kế hoạch trả nợ rõ ràng và thông báo kịp thời cho tổ chức tín dụng nếu gặp khó khăn trong việc trả nợ để cùng tìm hướng giải quyết.
Thất thế trong xử lý nợ xấu
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó kế thừa điểm cốt yếu nhất của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đó là quyền thu giữ tài sản bảo đảm.
Ngoài ra, còn 2 điểm khác cũng được luật hóa trở lại, thay vì văn bản dưới luật, đó là tài sản bảo đảm không bị kê biên trong thi hành án (trừ trường hợp đặc biệt) và được hoàn trả tài sản là tang vật trong các vụ án hình sự.
Việc kế thừa các nội dung trên của Nghị quyết 42 được đánh giá là bước tiến quan trọng trong việc xử lý nợ xấu. Bởi, trong gần 6 năm tồn tại (từ 2017 đến 2023), Nghị quyết 42 đã góp phần quan trọng vào việc xử lý tới 444.000 tỉ đồng nợ xấu.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2024, khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực đã không được gia hạn và cũng không được chuyển hóa vào Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, tức 1,5 năm, quyền thu giữ tài sản bảo đảm không còn, các ngân hàng đã quay lại thất thế trong xử lý nợ xấu, vừa tốn kém, vừa chậm trễ.
Việc bị hết hiệu lực trong 1,5 năm khiến các ngân hàng hầu như mất đi khả năng chủ động trong xử lý tài sản bảo đảm, người vay và người có tài sản bảo đảm trở lại tâm lý chây ì, đối phó, lảng tránh nghĩa vụ trả nợ.
Đây là một trong những nguyên do khiến nợ xấu gia tăng và nguy cơ tăng mạnh. Ghi nhận cho thấy, tới tháng 1/2025, tỉ lệ nợ xấu nội bảng đã lên tới 4,3%, vượt xa ngưỡng an toàn 3%.
Theo luật sư Trần Hậu - Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, việc luật hóa các nội dung của Nghị quyết 42 là sự khẳng định nguyên tắc tất yếu trong cuộc sống về có vay - có trả, là sự hỗ trợ rất cần thiết và tất yếu đối với hoạt động ngân hàng. Biện pháp hữu hiệu tác động tới tâm lý, trách nhiệm của người đi vay, góp phần quan trọng để xử lý nợ xấu, đồng thời đạt mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế.
“Khi đồng ý ký vay thì người vay đã phải tính ra được khoản nợ phải trả trong hạn và quá hạn, khi ký hợp đồng bảo đảm, người có tài sản đã chấp nhận vô điều kiện dùng để phát mại nếu không trả được nợ. Về bản chất, khi ký hợp đồng cầm cố, thế chấp, đồng nghĩa với việc chủ sở hữu đã định đoạt tài sản của mình theo luật nếu phải xử lý để trả nợ.
Vấn đề còn lại chỉ còn là sớm hay muộn, tự nguyện hay bắt buộc, giá cao hay giá thấp. Ngân hàng sẽ không phải (thậm chí là không có quyền) xử lý tài sản bảo đảm nếu như khoản nợ chưa xấu, hay chủ tài sản tích cực xử lý kịp thời để trả nợ.
Tất nhiên, yêu cầu đối với ngân hàng trong việc xử lý tài sản bảo đảm là phải đúng nguyên tắc, đúng thủ tục, đúng giá trị, không bắt chẹt, không ép buộc, không coi thường quyền lợi của chủ tài sản và không lợi dụng để trục lợi. Mà điều này phụ thuộc khá nhiều vào sự chuyên nghiệp, bài bản, mà sâu xa là sự tử tế, trung thực của ngân hàng”, luật sư Trần Hậu chia sẻ.
Bảo đảm quyền lợi đôi bên
Tại tọa đàm “Cần tiếp tục luật hóa một số vấn đề theo tinh thần Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu”, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2 cho biết, việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo nợ vay để thu hồi nợ vẫn còn nhiều phát sinh tồn tại.
Từ kết quả thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, phản ánh sự cần thiết luật hóa một số nội dung, nhằm tạo thuận cho quá trình xử lý nợ xấu và nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
“Việc luật hóa thu giữ tài sản bảo đảm sẽ tác động trực tiếp đến xử lý nợ xấu. Luật hóa vấn đề này là hành lang pháp lý thuận lợi, tiết giảm chi phí thời gian, chi phí khác cho ngân hàng trong việc xử lý thu hồi xử lý nợ xấu. Tạo một chính sách trúng, đúng là nguồn lực cho kinh tế phát triển”, ông Lệnh nhìn nhận.
Ông Trần Phương Hồng - Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TPHCM khẳng định, Nghị quyết 42, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã luật hóa một số quy định về nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm. Hành lang pháp lý này đã giúp việc xử lý nợ xấu diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Khi Nghị quyết 42 đã hết hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, đã gây khó khăn lớn cho các tổ chức tín dụng trong việc thực thi quyền thu giữ tài sản bảo đảm, gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng xoay vòng vốn cũng như tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý của người dân và doanh nghiệp.
Trong khi đó GS.TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh (Đại học Kinh tế TPHCM) cho rằng, để việc luật hóa thực sự phát huy hiệu quả và bền vững, cần chú trọng đến việc xây dựng các quy định chi tiết, minh bạch, đảm bảo cân bằng hài hòa giữa quyền lợi của tổ chức tín dụng và người đi vay. Đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước và nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi chủ thể trong nền kinh tế.
Theo ông Vinh, xử lý nợ xấu không chỉ là nhiệm vụ của ngành ngân hàng mà là trách nhiệm chung của toàn hệ thống chính trị - pháp luật và cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Qua đó, hướng tới mục tiêu xây dựng một nền tài chính tín dụng lành mạnh, minh bạch và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Vị chuyên gia đề xuất, để bảo vệ tài sản một cách tốt nhất, minh bạch và công bằng, người dân và doanh nghiệp cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc vay và trả nợ, tuân thủ đầy đủ các cam kết trong hợp đồng tín dụng.