'Luật chơi mới' trong xuất khẩu dệt may, da giày
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu dệt may, da giày hàng đầu thế giới và hiện đặt mục tiêu tổng giá trị xuất khẩu hai ngành này năm 2024 là khoảng 70-71 tỷ USD.
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu dệt may, da giày hàng đầu thế giới và hiện đặt mục tiêu tổng giá trị xuất khẩu hai ngành này năm 2024 là khoảng 70-71 tỷ USD. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng dệt may, da giày đang đứng trước nhiều thách thức bởi các quy định về bảo vệ môi trường ngày càng chặt chẽ tại các thị trường xuất khẩu chủ lực.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho rằng, ngành dệt may, da giày là hai ngành gây ô nhiễm môi trường ở mức cao, do vậy áp lực chuyển đổi xanh lại càng cấp thiết hơn so với những ngành khác.
"Trước đây yêu cầu về phát triển bền vững chủ yếu do các nhãn hàng đặt ra nhưng cho đến nay nó đã được luật hóa. Với ngành công nghiệp da giày thì các thị trường chính như Mỹ, EU là những thị trường đã đòi hỏi rất cao. Vừa rồi EU cũng đã bắt đầu đưa ra yêu cầu chuyển đổi xanh, đặc biệt là một loạt các đạo luật được ban hành. Cụ thể, như đạo luật tra soát chuỗi cung ứng hay đạo luật về chống phá rừng đã được thực hiện và sắp sửa một loạt các đạo luật mới, như đạo luật về trách nhiệm mở rộng đối với nhà sản xuất, dán nhãn sinh thái, thiết kế sinh thái….Chúng ta có thể thấy rằng đó là một trong những thách thức rất lớn đối với ngành da giày khi hai thị trường này chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu".
Theo TS.Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035. Chiến lược đề ra quan điểm rất rõ là quản lý nhà nước phải đồng hành với doanh nghiệp. Và việc đầu tiên là phải xây dựng, hoàn thiện, sửa đổi bổ sung các cơ chế chính sách liên quan. Đầu tiên là chính sách khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ.
"Thứ hai là khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trong chuỗi sản xuất các nguồn nguyên liệu mà Việt Nam còn đang phải nhập khẩu để bù đắp lại và xây dựng chuỗi sản xuất. Thứ ba là cơ chế chính sách hỗ trợ đối với lao động. Bên cạnh đó là việc thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đàm phán, trao đổi với đối tác những yêu cầu, từ đó xây dựng những bộ tiêu chí, tiêu chuẩn, quy định có liên quan để hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận gần hơn với những thị trường quốc tế; tiếp cận đối với các tiêu chí, tiêu chuẩn xanh trong yêu cầu các sản phẩm".
Xu hướng xanh đang hình thành luật chơi mới về đầu tư và thương mại, vì vậy doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi để không bị loại khỏi cuộc chơi toàn cầu. Và để hỗ trợ, chạy đà cùng doanh nghiệp, chuyển biến thách thức thành cơ hội, hiện nay các chương trình do nhà nước tổ chức như Chương trình thương hiệu quốc gia, các chương trình khuyến công quốc gia, chương trình công nghiệp hỗ trợ cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp hướng tới tham gia vào chuỗi cung ứng xanh, chuyển đổi xanh.
Với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng xanh hóa như một lợi thế để tăng cường xuất khẩu và tham gia sâu hơn vào thị trường toàn cầu.