Luật Công nghiệp công nghệ số: Bước tiến thể chế đột phá của Việt Nam
Luật Công nghiệp công nghệ số (CNCNS) là một bước tiến thể chế đột phá khi Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên có luật riêng cho ngành này.
Quốc gia đầu tiên ra luật riêng cho CNCNS
Tháng 6.2025 ghi một dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực công nghệ số khi Luật CNCNS được Quốc hội thông qua. Với việc thông qua luật này, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành luật riêng về CNCNS.
Luật CNCNS điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực CNCNS, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và tài sản số..., tạo nền tảng pháp lý đồng bộ để phát triển các ngành công nghệ số mũi nhọn.
Luật cũng đưa ra các ưu đãi vượt trội cho các dự án trọng điểm trong lĩnh vực công nghệ số, bán dẫn, AI, và trung tâm dữ liệu. Doanh nghiệp (DN) được hỗ trợ tài chính từ ngân sách, quỹ đầu tư phát triển, và được tính chi phí R&D lên đến 200% chi phí thực tế để tính thuế thu nhập DN…

Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số
Ngoài ra, luật cũng khẳng định rõ nguyên tắc “tự chủ, tự cường về công nghệ số, công nghệ số chiến lược” là nền tảng trong phát triển CNCNS; nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ công nghệ, thiết kế, sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, công nghệ số chiến lược trong nước.
Luật quy phạm hóa chương trình “Make in Vietnam”, ưu tiên sử dụng sản phẩm công nghệ số Việt Nam trong các dự án ngân sách nhà nước, đảm bảo thị trường đầu ra ổn định; DN khởi nghiệp được hỗ trợ kinh phí mua công nghệ, phát triển mẫu thử, và xúc tiến thương mại quốc tế; DN FDI được khuyến khích chuyển giao công nghệ, hợp tác với DN CNS Việt Nam…
Luật cũng hướng tới xây dựng một hệ sinh thái DN CNCNS mạnh với mục tiêu đạt 150.000 DN vào năm 2035 với việc hỗ trợ khá mạnh mẽ DN.

Luật CNCNS điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực CNCNS, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và tài sản số...
Đáng chú ý, luật thiết lập cơ chế sandbox - thử nghiệm công nghệ có kiểm soát cho các mô hình công nghệ mới. Đây là bước tiến thể chế quan trọng, vừa khuyến khích sáng tạo, vừa hạn chế rủi ro trong quá trình ứng dụng công nghệ tiên phong.
Bước tiến thể chế đột phá
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh, Viện trưởng Viện Công nghệ thông minh và tương tác, Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) cho rằng Luật CNCNS là một bước tiến thể chế đột phá khi Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên có luật riêng cho ngành này.
Ông Thịnh đánh giá các chính sách ưu đãi từ miễn giảm thuế thu nhập cá nhân 5 năm, tạo cơ chế thẻ tạm trú 5 năm cho chuyên gia nước ngoài, đến hỗ trợ tín dụng, đất đai, R&D và ưu tiên đặt hàng sản phẩm “Make in Vietnam” trong các dự án ngân sách... rõ ràng đã tạo ra môi trường hấp dẫn để thu hút nhân tài, đặc biệt trong các lĩnh vực như AI, bán dẫn, an ninh mạng.
Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng cần bổ sung các chính sách mang tính đột phá hơn như miễn thuế lâu dài, đơn giản hóa thủ tục lưu trú, tăng cường hỗ trợ sinh viên giỏi, để thực sự cạnh tranh nguồn nhân lực toàn cầu.
“Với các chính sách hiện nay cùng tinh thần triển khai quyết liệt, Việt Nam đã đi đúng hướng. Song nếu muốn trở thành điểm đến hàng đầu cho nhân tài công nghệ cao, chúng ta cần linh hoạt hơn và tiếp tục hoàn thiện cơ chế, đảm bảo quyền lợi đủ sâu, đủ rộng và thủ tục thực thi thực sự thông thoáng”, ông Thịnh nói.
Đề cập đến chiến lược “Make in Vietnam”, ông Thịnh nhấn mạnh cần phải xây dựng một hệ sinh thái phát triển nhân tài bền vững, nơi các trường đại học, viện nghiên cứu và DN công nghệ cùng phối hợp để đào tạo gắn với thực tiễn, khuyến khích tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, và đổi mới sáng tạo ngay từ giảng đường.
“Cần tạo ra các cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho nghiên cứu ứng dụng, khởi nghiệp công nghệ, và chuyển giao tri thức, để các kỹ sư, chuyên gia công nghệ Việt Nam có môi trường phát huy năng lực và dám dấn thân vào những bài toán lớn của đất nước”, ông Thịnh nói.

PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh, Viện trưởng Viện Công nghệ thông minh và tương tác, Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH)
TS Nguyễn Hoàng Hiệp - Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện IIB cho hay Luật CNCNS còn giúp khơi thông các dòng vốn đầu tư công nghệ, tạo tiền đề để công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh hơn quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Theo đó, các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp dài hạn với các dự án công nghệ số quy mô lớn; doanh nghiệp nhỏ và vừa được tính chi phí R&D cao hơn 2 - 3 lần khi tính thuế TNDN,; các khoản chi cho đổi mới sáng tạo được tính là chi phí hợp lệ... giúp thu hút dòng vốn mạo hiểm vào startup công nghệ.
Ngoài ra, với cơ chế mới về hình thành và vận hành “khu công nghiệp công nghệ số”, trong đó quy định phân cấp cho địa phương phê duyệt, vận hành, chủ động kêu gọi đầu tư, bố trí quỹ đất, triển khai hạ tầng nhanh chóng; áp dụng “luồng xanh” trong hải quan, logistics... cũng khiến dòng vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước rót vào các khu vực hạ tầng, tránh tình trạng “vốn chờ cơ chế”.
Đặc biệt, ông Hiệp đánh giá cao khi luật bước đầu định nghĩa khung pháp lý về tài sản số. Điều này mở ra một loại "hàng hóa công nghệ số" hoàn toàn mới – từ phần mềm, dữ liệu, tài sản số đến các thiết bị công nghệ cao, góp phần hình thành một kênh đầu tư hấp dẫn, có giá trị tăng trưởng cao trong dài hạn.
“Khi công nghệ số trở thành một loại “hàng hóa đầu tư mới”, chúng ta có thể sản xuất, sở hữu, mua bán, chuyển nhượng, định giá. Nhà đầu tư có thể rót vốn vào các doanh nghiệp công nghệ số, các trung tâm dữ liệu hoặc dự án nền tảng số, các tài sản số (ví dụ như NFT, token hóa tài sản, chứng quyền phần mềm…).
Sửa 20 luật liên quan để đồng bộ chính sách
Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội chia sẻ rằng rất ít quốc gia ban hành luật riêng về CNCNS. Điều này cho thấy Nhà nước rất quan tâm đến lĩnh vực này.
“Việc ban hành luật này (cùng với Luật KH-CN và đổi mới sáng tạo) nhằm thể chế kịp thời 4 nghị quyết chiến lược Bộ Chính trị (Nghị quyết số 57, 59, 66 và 68) là cơ hội để ngành bán dẫn nói riêng, công nghiệp công nghệ số cũng như ngành KH-CN nói chung phát triển", bà Kim Anh nhấn mạnh.
Theo nữ đại biểu quốc hội, với quan điểm thể chế phải đi trước một bước, 2 luật này được ưu tiên ban hành trong một kỳ họp. "Cơ quan thẩm tra chúng tôi phải làm ngày làm đêm. Gần như 3 tuần liền tôi không về trước 9 giờ để hoàn thiện từng câu, từng chữ để Quốc hội thông qua”, bà Kim Anh chia sẻ.
Ngoài ra, bà Kim Anh cũng cho hay Việt Nam cũng đã sửa 20 luật để đồng bộ với 2 luật này, bởi vì những chính sách, cơ chế đột phá, thông thoáng thì phải đồng bộ, thống nhất, đặc biệt là các quy định liên quan đến tài chính, ưu đãi, thu hút, trọng dụng nhân tài…

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT (Bộ KH-CN)
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT (Bộ KH-CN) cho rằng Nghị quyết 57-NQ/TW đã đặt yêu cầu “Hình thành và phát triển một số DN công nghệ số chiến lược trong nước quy mô lớn để phát triển hạ tầng số, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia và đủ năng lực cạnh tranh quốc tế”. Luật CNCNS xây dựng các cơ chế để thực hiện mục tiêu này.
Ông Lịch đánh giá với các chính sách ưu đãi vượt trội, chiến lược phát triển nguồn nhân lực CNCNS chất lượng cao, xây dựng hạ tầng số hiện đại và hệ sinh thái đồng bộ, Luật CNCNS không chỉ là đạo luật chuyên ngành mà còn là đòn bẩy thể chế mạnh mẽ thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.
“Đây là cơ hội vàng để Việt Nam tạo lợi thế cạnh tranh, hỗ trợ DN công nghệ số phát triển bền vững, hội nhập quốc tế và tiến tới khẳng định vị thế trung tâm công nghệ số toàn cầu”, ông Lịch nói.