Luật Đất đai 2024: Bổ sung Chương 8 về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất

Hỏi: Tôi được biết, Luật Đất đai 2024 với nhiều điểm mới. Xin quý báo cho biết việc bổ sung Chương 8 về việc khai thác quỹ đất như thế nào? (Nguyễn Thanh Hằng, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội)

Giải đáp chính sách

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trả lời:

Về câu hỏi của quý bạn đọc, xin trả lời như sau:

Ngày 18/1/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai 2024 với số phiếu tán thành là 432/477 đại biểu có mặt (chiếm 87,63% tổng số đại biểu Quốc hội).

Theo đó, Luật Đất đai 2024 đã bổ sung Chương 8 về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất, trước đó nội dung này không có trong Luật Đất đai 2013.

Cụ thể, Chương 8 quy định nguyên tắc phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất, yêu cầu việc phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất phải theo quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, sử dụng đất đúng mục đích, công khai, minh bạch, hợp lý, hiệu quả và theo quy định của pháp luật; bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ tái định cư, an sinh xã hội, bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện chính sách theo quy định của Luật Đất đai 2024.

Vậy, Luật Đất đai 2024 gồm bao nhiêu Chương, bao nhiêu Điều?

Luật Đất đai 2024 vừa được Quốc hội khóa 15 thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 vào sáng ngày 18/1/2024.

Theo đó, Luật Đất đai 2024 gồm 16 Chương và 260 Điều, trong đó có khoảng 65 điều, khoản giao Chính phủ quy định chi tiết, tức là Chính phủ sẽ phải ban hành Nghị định hướng dẫn các điều, khoản này.

Về tổ chức phát triển quỹ đất, căn cứ tại điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 43/2014/NĐ-CP định nghĩa về tổ chức phát triển quỹ đất như sau:

Thực hiện dịch vụ trong lĩnh vực đất đai

2. Tổ chức phát triển quỹ đất

a) Tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp công được thành lập theo quy định của pháp luật về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng và được mở tài khoản để hoạt động theo quy định của pháp luật; có chi nhánh tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Đối với địa phương đã có Tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh và cấp huyện thì tổ chức lại Tổ chức phát triển quỹ đất trên cơ sở hợp nhất Tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh và cấp huyện hiện có.

Tổ chức phát triển quỹ đất có chức năng tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất; tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện các dịch vụ khác.

b) Kinh phí hoạt động của Tổ chức phát triển.

Như vậy, tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp công được thành lập theo quy định của pháp luật về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;

Tổ chức phát triển quỹ đất có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng và được mở tài khoản để hoạt động theo quy định của pháp luật; có chi nhánh tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Quỹ phát triển đất được sử dụng nhằm mục đích gì?

Căn cứ tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định về quỹ phát triển đất như sau:

Quỹ phát triển đất

1. Quỹ phát triển đất quy định tại Điều 111 của Luật Đất đai được thành lập theo quy định của pháp luật về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập hoặc được ủy thác cho Quỹ đầu tư phát triển, quỹ tài chính khác của địa phương trước ngày 1/1/2015. Quỹ phát triển đất là tổ chức tài chính Nhà nước, trực thuộc UBND cấp tỉnh, có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các tổ chức tín dụng để hoạt động theo quy định của pháp luật.

Đối với Quỹ phát triển đất đã thành lập trước ngày 1/7/2014 thì tiếp tục hoạt động theo quy định của Nghị định này.

2. Nguồn vốn của Quỹ phát triển đất được ngân sách Nhà nước phân bổ, bố trí vào dự toán ngân sách địa phương, được cấp khi bắt đầu thành lập, bổ sung định kỳ hàng năm; huy động từ các nguồn vốn khác gồm: Vốn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ hoặc ủy thác quản lý của các tổ chức quốc tế, tổ chức và cá nhân trong nước và ngoài nước theo chương trình hoặc dự án viện trợ, tài trợ, ủy thác theo quy định của pháp luật.

Căn cứ kế hoạch sử dụng đất hàng năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cùng cấp quyết định mức vốn ngân sách Nhà nước cấp cho Quỹ phát triển đất khi thành lập, mức trích bổ sung cho Quỹ phát triển đất cụ thể hàng năm cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

3. Quỹ phát triển đất được sử dụng để ứng vốn cho Tổ chức phát triển quỹ đất và các tổ chức khác để thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt...

LS. Nguyễn Minh Long, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/luat-dat-dai-2024-bo-sung-chuong-8-ve-phat-trien-quan-ly-va-khai-thac-quy-dat-385406.html