Luật Đất đai 2024 có hiệu lực và sự kỳ vọng quản lý hiệu quả đất công

'Nhằm đạt hiệu quả cao trong quá trình triển khai Luật Đất đai mới 2024, yếu tố quan trọng cần rà soát, tăng cường các giải pháp và tiếp tục nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai, chống lãng phí, thất thoát và vi phạm trong sử dụng đất công…', đó là nhận định của TS. Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam tại Hội thảo 'Nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai: Chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công' diễn ra vào sáng nay (23/8) do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức.

Hội thảo diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Văn Quyền và TS. Trần Công Phàn - Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam. Tham dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cùng đại diện một số ban, bộ ngành TW...

Nhiều kỳ vọng về Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành.

Nhiều kỳ vọng về Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành.

Lãng phí nguồn đất công

Nhiều năm qua, công tác quản lý đất đai, xử lý dự án chậm triển khai và tình trạng lãng phí, vi phạm trong sử dụng đất luôn được người dân quan tâm, các cấp, ngành coi trọng, chỉ đạo sát sao. Đã có nhiều văn bản đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng như biện pháp xử lý nghiêm đối với từng trường hợp vi phạm, công bố công khai, thu hồi, không giao dự án mới, đặc biệt nhiều trường hợp bị xử lý hình sự, nhưng trên thực tế tình trạng này vẫn còn diễn ra, gây bức xúc cho xã hội.

Báo cáo giám sát chuyên đề của Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 4 về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” cho thấy, hiện trên cả nước có hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm. Trong đó, số lượng, diện tích đất chưa sử dụng, để lãng phí, hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích diễn ra ở hầu hết các địa phương. Nhiều dự án vi phạm kéo dài thậm chí hàng chục năm, nhưng chưa được khắc phục, xử lý. Tình trạng quy hoạch treo, dự án treo khá phổ biến…

Bên cạnh một số quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá còn bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển thì nguyên nhân chủ yếu là việc tổ chức thực hiện. Trong đó có kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện chưa nghiêm, có hiện tượng buông lỏng quản lý, nể nang, né tránh tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương. Đoàn giám sát cũng đã kiến nghị Chính phủ thống kê đầy đủ các trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà, đất, tài sản công, các công trình phúc lợi công cộng…

Khu đất vàng 152 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP Hồ Chí Minh nhiều năm bỏ không, đầu năm 2024 UBND TP Hồ Chí Minh ra quyết định thu hồi nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi xong - Ảnh: VL

Khu đất vàng 152 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP Hồ Chí Minh nhiều năm bỏ không, đầu năm 2024 UBND TP Hồ Chí Minh ra quyết định thu hồi nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi xong - Ảnh: VL

Một cuộc khảo sát mới đây của Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho thấy, chi phí tiền thuê đất hàng năm trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, cơ quan hành chính hiện nay bình quân trên dưới 5%. Tuy nhiên, phần lớn mặt bằng do các đơn vị này quản lý đều ở vị trí đắc địa nhưng sử dụng không hiệu quả. Cá biệt, một số lượng nhà, đất không nhỏ bị chiếm dụng hoặc bỏ trống, trong khi rất nhiều tổ chức, thành phần kinh tế khác không có mặt bằng để sản xuất kinh doanh. Đây là sự lãng phí rất lớn, cần nghiên cứu, rà soát để giao đúng, giao đủ nhu cầu, phần còn lại Nhà nước thu hồi và chuyển giao ngành nhà đất quản lý.

Có thể thấy, thời gian qua các cơ quan chức năng, trong đó có Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc rất tích cực và đã có kết luận chỉ ra nhiều vụ sai phạm liên quan công tác quản lý đất đai công sản của nhà nước, đặc biệt là những vụ việc vi phạm chuyển nhượng đất đai trong quá trình doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thoái vốn, cổ phần hóa. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc thu hồi đất công bị thất thoát do sai phạm từ quá trình thoái vốn, cổ phần hóa của một số DNNN hiện nay đang gặp những khó khăn, làm chậm quá trình thu hồi đất, ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai nói chung, gây lãng phí nguồn lực kinh tế của đất nước và gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.

Theo TS. Nguyễn Văn Quyền, trong những năm qua, công tác quản lý, sử dụng đất từng bước được quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được cho thấy, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất một số nơi chưa nghiêm đã làm ảnh hưởng rất lớn trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc thu hồi các dự án không triển khai thực hiện, chậm tiến độ, vi phạm quy định Luật Đất đai… Nhằm đạt hiệu quả cao trong quá trình triển khai Luật Đất đai mới 2024, yếu tố quan trọng cần rà soát, tăng cường các giải pháp và tiếp tục nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai, chống lãng phí, thất thoát và vi phạm trong sử dụng đất công…

Sự kỳ vọng về Luật Đất đai 2024

Việc thu hồi đất công bị thất thoát do DNNN thoái vốn và cổ phần hóa là một vấn đề cấp bách và phức tạp, đòi hỏi sự quan tâm và hành động quyết liệt từ các cơ quan chức năng cũng như các bên liên quan. Đặc biệt, khó khăn chính trong quá trình thu hồi đất công bao gồm sự thiếu đồng bộ trong quy định pháp lý, sự chồng chéo trong quản lý và giám sát, cũng như những rủi ro về tính minh bạch và trách nhiệm của các tổ chức liên quan. Do vậy, hành động kiên quyết để ngăn chặn thất thoát nguồn lực đất đai là việc làm hết sức cần thiết góp phần vào việc xây dựng một môi trường quản lý tài sản công minh bạch và hiệu quả hơn. Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành mới có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 với những thay đổi, điều chỉnh đáng chú ý nhằm bổ sung và hoàn thiện hệ thống quản lý đất đai.

Việc khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai sẽ tạo điều kiện cho các địa phương phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh: VL

Việc khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai sẽ tạo điều kiện cho các địa phương phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh: VL

Tới đây, các nghị định hướng dẫn luật sẽ sớm hiệu lực đi vào cuộc sống. Kỳ vọng sẽ giúp quy trình, thủ tục thu hồi đất công bị thất thoát trở nên rõ ràng và hiệu quả hiệu lực hơn, đóng góp tích cực vào công cuộc quản lý và sử dụng nguồn lực đất đai trong thời gian tới.

Theo PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ), Luật Đất đai năm 2024 là sự kỳ vọng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi hơn cho cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ phân tích, có nhiều nguyên nhân đẫn đến cổ phần hóa DNNN những năm gần đây diễn ra chậm, nhưng chủ yếu đến từ những khó khăn trong xác định giá trị quyền sử dụng đất. Điển hình như việc phân định thành các trường hợp: giao đất có thu tiền sử dụng đất; giao đất không thu tiền sử dụng đất; cho thuê đất trả tiền một lần và cho thuê đất trả tiền hằng năm, sau đó quy định việc xác định giá trị quyền sử dụng đất khác nhau đối với các trường hợp nói trên khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là rất phức tạp, khó khả thi. Đặc biệt là các trường hợp phải xác định giá trị QSDĐ đất để tính vào giá trị thực tế của doanh nghiệp.

“Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung cơ chế xác định giá trị quyền sử dụng đất – cơ chế được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa. Tuy nhiên, các quy định hiện hành về xác định giá trị QSDĐ khi CPH doanh nghiệp còn bất cập, vướng mắc, nhiều quy định trong các nghị định chưa thực sự rõ ràng. Việc ban hành Luật Đất đai năm 2024 là một tiền đề tốt, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi hơn cho các tổ chức kinh tế, trong đó có các DNNN và các công ty cổ phần được CPH từ DNNN trong việc sử dụng QSDĐ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để thúc đẩy quá trình sắp xếp, CPH, thoái vốn DNNN nhanh hơn, hiệu quả hơn thì cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (và có thể là cả Luật Quản lý, sử dụng tài sản công), PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ nhận định.

Trường - Thắng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dia-oc/luat-dat-dai-2024-co-hieu-luc-va-su-ky-vong-quan-ly-hieu-qua-dat-cong-i741432/