Luật Đất đai có thể thực hiện ngay thì Nhà nước và người dân cùng hưởng lợi

Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh cho rằng, từ thời điểm được Quốc hội thông qua (tháng 1/2024) đến nay, người dân, doanh nghiệp và các địa phương rất mong Luật Đất đai sớm có hiệu lực. Việc gì có lợi cho người dân thì nên thực hiện ngay.

Sáng 20/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về việc thi hành sớm Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023. Trước đó, Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép các luật trên có hiệu lực sớm từ 1/8/2024 thay vì 1/1/2025.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, các cơ quan của Quốc hội rất ủng hộ sớm đưa luật vào cuộc sống. Như vậy sẽ có tác động tích cực, tháo gỡ vướng mắc về đất đai, bất động sản.

"Khi đẩy nhanh thời điểm luật có hiệu lực, Chính phủ đã bổ sung các văn bản quy định chi tiết. Nhưng nói thật chúng tôi cũng rất lo và rất băn khoăn về một số vấn đề", ông Tùng nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, mấy hôm nay Chính phủ khẩn trương tổ chức rất nhiều hội nghị trực tuyến với các địa phương để cho ý kiến về các luật. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ vẫn phải có quyết tâm rất mạnh mẽ, có biện pháp rất cụ thể mới ban hành được.

"Chúng tôi rất ủng hộ việc luật có hiệu lực sớm, thông qua trình Quốc hội, nhưng trên cơ sở làm rõ các vấn đề có liên quan, báo cáo giải trình đầy đủ để các Đại biểu Quốc hội yên tâm bấm nút", ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Cũng đồng ý việc ban hành các văn bản hướng dẫn khi thi hành sớm các luật sớm là áp lực lớn, nhưng Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng, giữa cái băn khoăn và cái có lợi thì nên hướng đến cái có lợi.

“Tôi ủng hộ việc thông qua việc thi hành sớm các luật, như trong tờ trình Chính phủ đã lập luận rõ căn cứ. Những cái gì có lợi cho người dân thì thực hiện ngay, nếu tiếp cận theo cách này chúng ta sẽ có niềm tin để triển khai”, ông Quảng nói.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng (Đoàn Đà Nẵng).

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng (Đoàn Đà Nẵng).

Theo đại biểu, Luật Đất đai năm 2024 có 260 điều, trong đó 97 điều giao cho Chính phủ, các bộ ngành, địa phương quy định chi tiết. Như vậy còn gần 200 điều có thể thực hiện ngay, có lợi và sẽ giải quyết các vấn đề cấp bách. Điển hình như câu chuyện bồi thường giải phóng mặt bằng, người dân khi nắm bắt được chính sách mới đều đang rất trông chờ, địa phương cũng phải áp dụng.

“Tuần trước, Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng phải ra một nghị quyết để Ban cán sự đảng, UBND Thành phố vận dụng các quy định mới của Luật Đất đai, giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc đi qua TP Đà Nẵng. Với dự án này hiện chỉ còn 17 hộ dân nhưng nếu không áp dụng quy định mới thì yêu cầu giải phóng mặt bằng trước ngày 30/6 là không thể thực hiện được”, Bí thư Đà Nẵng chia sẻ.

Ông cho biết thêm, Chính phủ cũng đã liệt kê những quy định có thể áp dụng ngay. Ví dụ như quy định để người dân có suất tái định cư tối thiểu trong trường hợp giải phóng mặt bằng mà không có nơi ở nào khác.

Về băn khoăn tính hiệu lực, hiệu quả khi các luật có hiệu lực sớm, ông Quảng bày tỏ thống nhất với quan điểm kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là giao cho Chính phủ chịu trách nhiệm hoàn toàn trước Quốc hội và nhân dân về điều chỉnh thời gian hiệu lực luật.

“Cuối cùng ai là người tổ chức, chính là Chính phủ và các địa phương. Chính phủ đề xuất thì phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội và nhân dân. Ngược lại, việc Quốc hội thông qua sẽ đặt ra nhiệm vụ cho Chính phủ. Tôi tin rằng Chính phủ đã chuẩn bị và đề xuất thì đã có phương án”, ông Quảng nêu quan điểm.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng cho rằng, "để Quốc hội thông qua cũng rất đau đầu" vì 4 luật này tác động rất lớn đến toàn bộ vấn đề của nền kinh tế cả trước mắt và lâu dài. Do đó, nếu không cẩn trọng thì hậu quả sau này rất lớn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Đoàn Hà Nội).

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Đoàn Hà Nội).

Phân tích thêm, theo ông Cường, nếu triển khai sớm 4 luật sẽ cởi những nút thắt của thị trường bất động sản trong bối cảnh nhu cầu nhà ở rất lớn mà cung không có. Tuy nhiên, cũng có khó khăn, nếu không cẩn trọng chỉ cần một quyết định không chính xác sẽ để lại hậu quả, đây là thách thức phải chấp nhận.

"Đến nay mới có một nghị định được ban hành, còn lại đang được soạn thảo. Các nghị định có liên quan đến nhau, ví dụ như cải tạo chung cư cũ có liên quan đến Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai", ông Cường lưu ý.

Đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị không chạy đua về tiến độ để đẩy nhanh sớm hoàn thành các nghị định hướng dẫn, mà phải chuẩn bị, chất lượng nội dung đặt lên hàng đầu, tránh hậu quả có thể xảy đến.

"Tôi đề xuất cho phép thực hiện sớm các luật này nhưng đặt ra yêu cầu Chính phủ phải hoàn thành các nghị định, thông tư hướng dẫn trước 31/12 với chất lượng cao nhất. Những nội dung trong luật mới mà khi thực hiện không được lợi như luật cũ thì đối tượng thực hiện cần được lựa chọn từ nay cho đến 31/12", đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn Tây Ninh) cũng ủng hộ việc ban hành sớm các luật nêu trên để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Tuy nhiên giữa mong muốn và thực hiện, đại biểu còn trăn trở. Bà nêu thực tế Luật Đấu thầu sửa đổi và Luật Khám chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2024, tuy nhiên quá trình cụ thể hóa bằng các nghị định lại chậm, tạo khoảng trống pháp lý.

“Khi chúng tôi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp này, tình trạng thiếu thuốc vẫn còn, điều này là do hai luật này có hiệu lực nhưng nghị định của Chính phủ đã hết hiệu lực, việc đấu thầu thuốc vẫn vướng,” bà Thúy nói.

Theo đại biểu, Luật Đất đai sửa đổi có 97 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết. Trong đó có rất nhiều nội dung khó, vì vậy bà băn khoăn việc ban hành sớm văn bản hướng dẫn liệu có khả thi hay không?

“Tôi đề nghị Chính phủ có báo cáo bổ sung tiến độ đã, đang và sẽ thực hiện các văn bản, để đảm bảo cam kết thi hành từ 1/8/2024. Thực tế các địa phương cũng đang rất lúng túng. Nếu chuẩn bị không kỹ thì các văn bản sẽ không đồng bộ”, bà Thúy nêu quan điểm.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh.

Giải trình, tiếp thu ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết, Luật Đất đai là luật duy nhất đến thời điểm này trải qua 4 kỳ họp và đã được Quốc hội cân nhắc rất kỹ lưỡng khi thông qua.

“Đây là bộ luật đáp ứng được mong mỏi của người dân, doanh nghiệp. Từ thời điểm được Quốc hội thông qua đến nay, người dân, doanh nghiệp, cộng đồng và các địa phương… rất mong muốn Luật Đất đai có hiệu lực sớm”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói.

Theo ông Khánh, trong Luật Đất đai có nhiều chính sách có lợi cho người dân, doanh nghiệp, khơi dậy nguồn lực đất đai để phục vụ phát triển của đất nước. Cụ thể như chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân bị thu hồi đất, đưa ra những quy định với tinh thần “nơi ở mới phải bằng, hoặc hơn nơi ở cũ”.

Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản được Quốc hội thông qua vào tháng 10/2023. Thông thường nếu luật được thông qua vào tháng 10/2023 sẽ có hiệu lực vào 1/7/2024. Để đảm bảo đồng bộ các luật nên Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản phải đợi Luật Đất đai để cùng có hiệu lực.

“Luật ban hành sớm mà có lợi cho đất nước, người dân, doanh nghiệp thì nên triển khai. Hiện nay, nhiều địa phương xin được thí điểm việc phân cấp, phân quyền, chuyển đất lúa, đất rừng từ 10ha. Nếu luật có hiệu lực, rút ngắn thủ tục hành chính sẽ thu hút được nhà đầu tư các dự án, khơi dậy được nguồn lực đất đai”, ông Đặng Quốc Khánh nói.

Phi Long/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/luat-dat-dai-co-the-thuc-hien-ngay-thi-nha-nuoc-va-nguoi-dan-cung-huong-loi-post1102789.vov