LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): GỠ BỎ NHỮNG NÚT THẮT CHỒNG CHÉO, KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC ĐẤT ĐAI

Theo Nghị quyết số 671 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời gian lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 03/01/2023 và kết thúc vào ngày 15/3/2023. Bàn về dự án Luật này, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là phù hợp vai trò làm chủ của Nhân dân; đồng thời kỳ vọng sẽ gỡ bỏ được những nút thắt chồng chéo, khơi thông nguồn lực đất đai, giúp ổn định đời sống xã hội.

QUY ĐỊNH RÕ ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHÍ, NỘI HÀM THU HỒI ĐẤT – ĐẢM BẢO TỐT NHẤT LỢI ÍCH CHÍNH ĐÁNG CỦA CÁC BÊN LIÊN QUAN

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngày 23/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Thời gian lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 03/01/2023 và kết thúc vào ngày 15/3/2023. Để triển khai Nghị quyết này, ngày 31/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 170/NQ-CP ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, đối tượng lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.

Đánh giá về ý nghĩa của việc lấy ý kiến Nhân dân đối với đạo luật này, Ths.Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý đầu tư, bất động sản nêu rõ, Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đối tượng chịu sự tác động của Luật Đất đai rất rộng. Hơn nữa, luật này điều chỉnh một thứ tài sản vô cùng quan trọng đối với mọi quốc gia, không riêng gì Việt Nam, là đất đai.

Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho thấy Đảng, Nhà nước đánh giá rất cao tầm quan trọng của đạo luật này. Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là phù hợp vai trò làm chủ của Nhân dân, được ghi nhận trong các Văn kiện của Đảng cũng như các văn bản pháp luật. Ngay tại Điều 2 Hiến pháp năm 2013 cũng đã ghi nhận: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân...” Hiến pháp cũng quy định “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân” (Điều 8); “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” (Điều 28).

Ths.Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý đầu tư, bất động sản

Ths.Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý đầu tư, bất động sản

Ths.Nguyễn Văn Đỉnh cho biết, hiện nay trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật được quy định chặt chẽ tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Luật quy định trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Luật cũng quy định trách nhiệm lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản.

Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật được xem xét, thông qua theo quy trình ba kỳ họp Quốc hội. Trường hợp này, Điều 76 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo luật theo quyết định của Ủy ban thường vụ Quốc hội (nếu có). Cơ quan trình dự án luật (trường hợp này là Chính phủ) phải có báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án luật. Như vậy, Đảng và Nhà nước đã nhận thức rất rõ tầm quan trọng của việc lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

10 năm trước, việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân đã không được tiến hành khi xây dựng Luật Đất đai năm 2013. Sự đổi mới trong công tác xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay là điểm rất đáng mừng.

Bên cạnh đó, Ths.Luật sư Phan Công Tiến - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Equity Law chỉ ra rằng, trong thời gian thực hiện Luật Đất đai năm 2013 vừa qua, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; các tranh chấp liên quan đến đất đai đang diễn ra ngày càng nhiều; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; hàng loạt các vấn đề nhức nhối như “sốt đất”, các dự án đầu tư xây dựng chưa đạt tiêu chuẩn xuất hiện tràn lan khiến cho quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thực trạng trên đã thúc đẩy việc phải nhanh chóng sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 để khắc phục những bất cập trong quy định pháp luật, cũng như bổ sung thêm những quy định mới để phù hợp hơn với điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại.

ThS.Luật sư Phan Công Tiến - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Equity Law

ThS.Luật sư Phan Công Tiến - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Equity Law

Mặt khác, Luật Đất đai là một đạo luật khó, phức tạp, tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội, do đó, việc lấy ý kiến của toàn thể Nhân dân là điều vô cùng quan trọng, bởi chính người dân là chủ thể chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những khó khăn, bất cập mà Luật Đất đai năm 2013 chưa thể giải quyết được, cũng như là những người trực tiếp thi hành những quy định mới của Luật Đất đai sau khi sửa đổi, bổ sung. Hơn ai hết, người dân nắm rõ nhất những vấn đề còn tồn tại trong suốt 10 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2013.

Luật sư Phan Công Tiến cho rằng, việc lấy ý kiến Nhân dân còn tận dụng được những quan điểm, ý kiến từ những nhà nghiên cứu, chuyên gia, Luật gia, Luật sư, nhà chính sách… quan tâm, liên quan đến lĩnh vực đất đai tham gia góp ý. Đây là nguồn tư liệu quan trọng có giá trị cao, cần được xem xét, đánh giá cẩn trọng, kỹ lưỡng. Do vậy, lấy ý kiến của Nhân dân sẽ giúp Luật Đất đai (sửa đổi) bám sát thực tiễn xã hội, có giá trị duy trì trật tự, ổn định xã hội, phát triển kinh tế cũng như gần gũi, bám sát thực tế hơn.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, đất đai là nguồn lực quan trọng của quốc gia. Luật Đất đai (sửa đổi) không chỉ giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất mà mục tiêu là phải tạo ra đột phá mới, động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua việc lấy ý kiến của người dân, cơ quan hoạch định chính sách sẽ có thông tin về thực tế cuộc sống để đưa ra những quy định phù hợp với các điều kiện xã hội hiện có. Từ đó, bảo đảm văn bản pháp luật ban hành sẽ có tính khả thi cao, tránh được bệnh chủ quan, duy ý chí, áp đặt từ một phía. Bên cạnh đó, đây cũng là một hình thức tuyên truyền tích cực, chủ động để người dân nghiên cứu, thảo luận trước một bước với văn bản pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để văn bản đi vào cuộc sống khi được chính sách ban hành.

Cũng trong lần sửa đổi này, có rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu, cần sự góp ý, giải pháp từ phía người dân, doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, hiệp hội, để đạt mục tiêu cao nhất: Tạo môi trường thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo, làm sao từ chính sách đất đai để phục hồi, phát triển, bảo vệ chất lượng đất, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn văn hóa, lịch sử, bảo đảm an ninh quốc phòng. Đồng thời kỳ vọng, qua tiếp thu ý kiến người dân sẽ gỡ bỏ được những nút thắt chồng chéo, khơi thông nguồn lực đất đai, giúp ổn định đời sống xã hội, tiếp thêm động lực cho thị trường bất động sản./.

Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=73353