LUẬT ĐẤU THẦU 2023: THÁO GỠ NHIỀU ĐIỂM NGHẼN,TẠO BƯỚC TIẾN TRONG HOẠT ĐỘNG ĐẤU THẦU

Luật Đấu thầu 2023 được Quốc hội XV thông qua tại kỳ họp thứ 5 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc lựa chọn nhà thầu. Luật có nhiều sửa đổi quan trọng, tháo gỡ điểm nghẽn về đấu thầu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực y tế, đáp ứng mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Giải quyết vướng mắc về đấu thầu trong lĩnh vực y tế

Theo thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Luật đấu thầu 2023 sẽ giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm và thiết bị y tế. Luật đấu thầu 2023 đã dành riêng một Chương quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế là điểm nhấn của Luật Đấu thầu năm 2023, đảm bảo 3 vấn đề lớn tháo gỡ vướng mắc trong đấu thầu thuốc, thiết bị và vật tư y tế hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Theo phân tích của Thứ trưởng Trần Quốc Phương, cụ thể Luật sẽ tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở y tế công lập trong việc quyết định mua sắm thuốc, thiết bị y tế. Giao cho các cơ sở y tế công lập tự quyết định việc mua thuốc ngoài danh mục thuốc chi trả của bảo hiểm y tế, mua vaccine để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ. Luật cho phép cơ sở y tế công lập được quyết định lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu mua sắm từ nguồn vốn vay, trừ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, vốn vay lại từ ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Thứ hai, Luật tạo thuận lợi cho hoạt động mua thuốc, thiết bị y tế có tính đặc thù, phù hợp với hoạt động chuyên môn của ngành y tế. Cụ thể, cho phép chỉ định thầu để mua thuốc, thiết bị y tế trong trường hợp cấp cứu người bệnh hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của người dân. Luật áp dụng mua sắm tập trung đối với các loại thuốc hiếm có số lượng sử dụng ít. Cho phép hồ sơ mời thầu được nêu xuất xứ thiết bị y tế từ một nhóm quốc gia cụ thể để mua được thiết bị có chất lượng tốt. Cho phép áp dụng đàm phán đối với gói thầu mua biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu; gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm chỉ có 1 hoặc 2 hãng sản xuất. Thứ ba, giải quyết những vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, thiết bị, vật tư y tế đã phát sinh trong thời gian qua như: bổ sung quy định nhằm giải quyết triệt để các vướng mắc trong việc mua hóa chất kèm theo yêu cầu nhà thầu phải cung cấp thiết bị y tế để sử dụng hóa chất đó, tức là mô hình “máy đặt, máy mượn”.

Ngoài ra Luật đã hoàn thiện quy định về ưu đãi thuốc sản xuất trong nước theo hướng vừa bảo đảm quyền lợi của người bệnh trong việc tiếp cận thuốc có chất lượng tốt, vừa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dây chuyền công nghệ, nguyên liệu để sản xuất thuốc có chất lượng tốt, đáp ứng tiêu chuẩn tiên tiến. Quy định về thanh toán chi phí mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.

Hạn chế tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Luật đấu thầu 2023 sẽ hạn chế tối đa tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá, bởi luật đã có các quy định nhằm nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình đối với hoạt động mua sắm sử dụng nguồn vốn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, hoạt động lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí, hàng hóa phục vụ hoạt động dầu khí theo hợp đồng dầu khí và một số hoạt động mua sắm có tính đặc thù khác.

Cụ thể, thứ trưởng Trần Quốc Phương chỉ rõ, với hình thức lựa chọn nhà thầu, Luật bổ sung một số trường hợp được áp dụng chỉ định thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án lớn, quan trọng, cấp bách và một số trường hợp mua sắm đặc thù khác. Phân cấp cho Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định đối với gói thầu có yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đồng thời, luật hóa quy định tại Quyết định số 17/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đồng thời luật hóa quy định về hạn mức chỉ định thầu hiện đang quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ – CP của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Luật đã quy định nhằm cải cách, đơn giản hóa quy trình thủ tục đấu thầu theo hướng, đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, ngăn chặn các hành vi thông đồng, gian lận trong đấu thầu. Cắt bỏ một số thủ tục thẩm định, phê duyệt cấp trung gian, bổ sung quy định cho phép triển khai trước một số hoạt động đấu thầu. Chỉ quy định thời gian tối thiểu để nhà thầu, nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ dự thầu, làm rõ hồ sơ dự thầu; quy định thời gian tối đa để người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu đăng tải các thông tin trong đấu thầu; Bổ sung quy định về kết nối, chia sẻ thông tin giữa Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với các Cổng thông tin điện tử, hệ thống khác nhằm rút ngắn thời gian lập hồ sơ dự thầu của nhà thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu của chủ đầu tư.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, để khắc phục tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về công khai thông tin, thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu theo hướng yêu cầu công khai tất cả các thông tin trong đấu thầu nhằm nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các bên có liên quan, hạn chế tình trạng gian lận, làm cơ sở loại bỏ các nhà thầu không có uy tín, hàng hóa không bảo đảm chất lượng hoặc không đáp ứng được nhu cầu sử dụng thực tế. Luật bổ sung quy định về nội dung hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Sửa đổi, bổ sung quy định về cách xác định chi phí cho toàn bộ quá trình sử dụng của hàng hóa, công trình nhằm hạn chế tình trạng nhà thầu bỏ thầu giá rẻ để trúng thầu, dẫn đến việc thực hiện hợp đồng không bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Luật đấu thầu 2023 tạo bước tiến lớn trong hoạt động đấu thầu

Đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cũng đánh giá, Luật Đấu thầu 2023 là một trong đạo luật quan trọng được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Năm vừa qua, cơ bản tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu hiện nay, nâng cao tính cạnh tranh trong đấu thầu

Đại biểu Lê Hoàng Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai

Đại biểu Lê Hoàng Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai

Theo đại biểu Lê Hoàng Anh, điểm mới đáng chú ý nhất được các Đại biểu Quốc hội yên tâm bấm nút là các quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế. Nội dung này được các ĐBQH đặc biệt quan tâm, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo đã làm việc kỹ lưỡng với ngành y tế để thống nhất các quy định trong Luật. Trong đó, quy định cụ thể về các trường hợp được áp dụng hình thức chỉ định thầu; quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, thiết bị y tế; quy định về trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình; quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về ưu đãi trong mua thuốc... Với nhiều quy định rõ ràng, cụ thể như vậy, chắc chắn những điểm mới nêu trên sẽ góp phần quan trọng, tháo gỡ kịp thời những điểm nghẽn trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, hóa chất, thiết bị y tế... hiện nay.

Đại biểu Lê Hoàng Anh cho rằng, Luật đấu thầu 2023 đã nâng cao một bước so với luật cũ tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu. Điều đó thể hiện ở việc các quy định đã giảm các thủ tục, như: thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu; phê duyệt Quyết định mua sắm; phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật; phê duyệt danh sách xếp hạng nhà thầu; thương thảo hợp đồng (trừ gói thầu tư vấn, gói thầu lớn, phức tạp); cắt giảm thời gian trong đấu thầu đối với gói thầu không phức tạp (thời gian trong đấu thầu dự kiến giảm được 24 ngày trong tổng số 103 ngày, tương đương khoảng 23%). Đối với gói thầu phức tạp, thời gian trong đấu thầu dự kiến giảm tối thiểu được 25 ngày trong tổng số 146 ngày (khoảng 17%). Bên cạnh đó, trong lần sửa đổi này đã luật hóa nhiều nội dung được quy định tại các Nghị định được áp dụng ổn định trong thời gian dài; đưa các nội dung về hạn mức cụ thể quy định trong Nghị định vào Luật; quy định cụ thể trong Luật các trường hợp áp dụng chỉ định thầu, áp dụng trường hợp đặc biệt để bảo đảm tính công khai, rõ ràng, minh bạch.

Cũng theo đại biểu Lê Hoàng Anh, trong quá trình triển khai thi hành Luật Đấu thầu 2013 đã phát sinh một số hoạt động mua sắm, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhưng chưa được Luật này quy định hoặc quy định chưa đầy đủ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Ví dụ, Luật hiện hành chưa có quy định cụ thể, đầy đủ về lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật chuyên ngành, lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án có từ hai nhà đầu tư quan tâm...Do đó, việc Luật Đấu thầu 2023 quy định rõ quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu có ý nghĩa quan trọng. Điều này nhằm tăng cường tính cạnh tranh, công khai, minh bạch và tạo môi trường kinh doanh hiệu quả bên cạnh việc đem lại lợi ích, tiết kiệm cho bên mời thầu. Cùng với đó, Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể, chi tiết các hành vi bị cấm nhằm phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong đấu thầu một cách hiệu quả hơn. Đồng thời, bổ sung, sửa đổi các quy định về chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu như: cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với bên dự thầu có hành vi vi phạm từ 6 tháng đến 5 năm ở địa phương hay toàn quốc tùy tính chất, hành vi vi phạm.

Luật đấu thầu ( sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2024. Đối với các gói thầu lựa chọn nhà thầu đã phê duyệt và phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục tổ chức lựa chọn danh sách ngắn, lựa chọn nhà thầu, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Dự án đầu tư kinh doanh đã phê duyệt và phát hành hồ sơ mời thầu trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Chính phủ quy định chi tiết việc áp dụng chuyển tiếp đối với dự án đầu tư kinh doanh.

Trong thời gian kể từ ngày 1.1.2024 đến ngày Luật sửa đổi Luật Đất đai số 45/2013/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 có hiệu lực thi hành, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu năm 2013.

Hợp đồng mà nhà thầu trúng thầu vật tư, hóa chất có trách nhiệm cung cấp trang thiết bị y tế để sử dụng vật tư, hóa chất đó được ký kết trước ngày luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện trong thời hạn quy định tại hợp đồng nhưng không quá 5 năm kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành.

Hải Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=78129