'Luật gây vướng mắc mà không sửa kịp thời là có lỗi với dân, với nước'

Thực tiễn luôn biến động, chất lượng xây dựng pháp luật lúc này, lúc khác chưa cao, những bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn mới sẽ phát sinh, Quốc hội cần tìm thêm những phương thức xây dựng pháp luật phù hợp.

Đại biểu Trần Hữu Hậu phát biểu trong phiên họp chiều 1/11.

Đại biểu Trần Hữu Hậu phát biểu trong phiên họp chiều 1/11.

Dùng quyền tranh luận trong phiên thảo luận của Quốc hội chiều 1/11, đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) nhắc lại một vấn đề ông từng đề cập tại Kỳ họp thứ năm, đó là phải xây dựng pháp luật để cán bộ không phải dám nghĩ, dám làm theo nghĩa là “xé rào”, là vi phạm pháp luật để khắc phục những bất cập của pháp luật.

Trước đó, một số vị đại biểu cho rằng, cần thể chế hóa việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, theo đại biểu Hậu cần xem xét kỹ và nên có cách làm khác.

Ông Hậu nói, Chính phủ mới ban hành Nghị định 73/2023/NĐ-CP về “khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm”. Theo đó, “cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm” là những người “trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ” đã đề xuất và thực hiện những việc “nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật.

Quy định này đã bỏ đi vế thứ hai trong Dự thảo là đã được pháp luật quy định nhưng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn.

“Theo tôi, bỏ như vậy là đúng vì chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, thượng tôn pháp luật, không thể ban hành 1 văn bản quy phạm pháp luật cấp Nghị định để khuyến khích, bảo vệ những người thực thi pháp luật mà vi phạm pháp luật", đại biểu Hậu nêu quan điểm.

Vị đại biểu Tây Ninh nhắc lại vấn đề ông từng nêu tại kỳ họp trước là là phải xây dựng pháp luật để cán bộ không phải dám nghĩ, dám làm theo nghĩa là “xé rào”, là vi phạm pháp luật để khắc phục những bất cập của pháp luật. Làm sao để cán bộ không phải đem cả sinh mệnh chính trị của mình để thực thi chức trách, nhiệm vụ, mà phải tìm cách lách từ cái tên của công việc cho đỡ bị chú ý đến phải trình bày nhỏ to để cơ quan chức năng thông cảm, bỏ qua hoặc “giơ cao, đánh khẽ”.

Việc quyết liệt rà soát hàng trăm văn bản để tìm ra những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc theo Nghị quyết 101 được đại biểu Hậu nhìn nhận, là cơ sở để sửa đổi bổ sung các quy định; xử lý những vướng mắc tồn tại từ nhiều năm, tạo hành lang pháp lý cho cán bộ an tâm hơn, chủ động hơn trong thực thi công vụ; giảm bớt căn bệnh không dám làm những việc cần phải làm do vi phạm các quy định hiện hành.

Tuy nhiên, thực tiễn luôn biến động, chất lượng xây dựng pháp luật lúc này, lúc khác chưa cao, những bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn mới sẽ phát sinh, Quốc hội cần tìm thêm những phương thức xây dựng pháp luật phù hợp, đại biểu Hậu nêu vấn đề.

Nêu thực tế Quốc hội đã có cách làm hay như “thông qua luật trong 1 kỳ họp” hay “1 luật sửa nhiều luật”, ông Hậu đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng cho phép trình, thông qua 1 luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật với chỉ 1 hoặc 1 vài nội dung cụ thể, theo quy trình, thủ tục ngắn gọn trong 1 kỳ họp.

“Có thể có ý kiến cho rằng, Quốc hội không thể sửa luật “lắt nhắt” như thế, mà phải xem xét toàn diện các bất cập để sửa 1 lần. Theo tôi, chúng ta đã nói nhiều về “luật khung”, “luật ống”, đến việc phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn. Nếu có những luật ngắn gọn, cụ thể, kịp thời như trên, luật sẽ đi thẳng vào cuộc sống, phát huy tác dụng ngay”, ông Hậu lập luận.

Theo đại biểu, điều đó cũng đáp ứng một yêu cầu cơ bản trong xây dựng pháp luật là: Luật phải xây dựng từ thực tiễn, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của thực tiễn để phát huy cao nhất các tiềm lực phát triển đất nước.

“Luật gây vướng mắc, góp phần tạo sức ì cho hệ thống công quyền mà không sửa kịp thời là có lỗi với dân, với nước”, đại biểu Hậu nêu quan điểm.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/luat-gay-vuong-mac-ma-khong-sua-kip-thoi-la-co-loi-voi-dan-voi-nuoc-d202176.html