Luật giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ công nhận giá trị pháp lý của giao dịch điện tử trong môi trường thực

Sáng 25/10, Quốc hội họp phiên toàn thể dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra.

Ra đời năm 2005, khi khái niệm về điện thoại thông minh tại Việt Nam còn rất mơ hồ nhưng Luật Giao dịch điện tử với tầm nhìn xa đã đặt cơ sở pháp lý để hôm nay, sau 17 năm đang có tới hàng triệu giao dịch điện tử diễn ra mỗi ngày.

Luật Giao dịch điện tử 2005 được nhiều đại biểu đánh giá là một trong những Luật có tầm nhìn xa, dự báo và bao quát được xu hướng phát triển của xã hội. Tuy vậy trước những yêu cầu phát triển của thời đại số, Luật cũng đã cho thấy một số hạn chế. Trình bày Tờ trình về Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh về sự cần thiết và mục đích của việc sửa đổi Luật.

Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: "Tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực.."

Dự thảo Luật GDDT sửa đổi có 08 chương và 57 điều, trong đó có các nội dung sửa đổi, bổ sung bám theo 09 chính sách được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152 ngày 3/12/2021 như: Mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật; Bảo đảm các giao dịch điện tử có giá trị pháp lý; Phân tích kỹ tác động của các chính sách về quản lý dữ liệu số, nền tảng số, dịch vụ số trực tuyến; Làm rõ mối quan hệ với các luật có liên quan…

Trình bày báo cáo thẩm tra Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) năm 2005 đồng thời cũng nêu ra 7 vấn đề, đề nghị đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến.

Ông LÊ QUANG HUY, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: "Ủy ban KHCN&MT trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề sau: 1. Sự cần thiết ban hành, phạm vi sửa đổi, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật; 2. Giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; về chứng thư điện tử; 3. Chữ ký điện tử; về dịch vụ tin cậy; 4. Giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; 5. Giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước; 6. Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; 7. Những vấn đề khác mà đại biểu Quốc hội quan tâm"

Hiện nay trên thế giới có 158 quốc gia đã có hành lang pháp lý liên quan đến GDDT. Cơ quan soạn thảo cho biết đã nghiên cứu nghiêm túc, kỹ lưỡng các luật và quy định quốc tế có liên quan để tham khảo trong quá trình xây dựng Luật GDDT sửa đổi.

Thực hiện : Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/luat-giao-dich-dien-tu-sua-doi-se-cong-nhan-gia-tri-phap-ly-cua-giao-dich-dien-tu-trong-moi-truong-thuc