Luật hóa học tập suốt đời: Đòi hỏi bức thiết

Trước yêu cầu của thực tiễn, việc xây dựng bộ Luật Học tập suốt đời trở thành nhu cầu bức thiết và đã đến lúc phải làm.

Học sinh Trường THPT Chi Lăng (Lạng Sơn) đọc sách tại thư viện xanh. Ảnh: Sỹ Điền

Học sinh Trường THPT Chi Lăng (Lạng Sơn) đọc sách tại thư viện xanh. Ảnh: Sỹ Điền

Bảo đảm bình đẳng giáo dục

Nghiên cứu định hướng xây dựng Luật Học tập suốt đời, bà Bùi Thanh Xuân – Phó Trưởng ban Ban Nghiên cứu giáo dục thường xuyên (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) nhận thấy, học tập suốt đời ngày càng trở thành xu thế phát triển tất yếu đối với các nền giáo dục, cộng đồng và quốc gia hiện nay. Trong vài thập niên gần đây, vấn đề này được thảo luận rộng rãi ở các diễn đàn giáo dục quốc tế.

Ý niệm về học tập suốt đời được đề cập chính thức tại Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII, năm 1993), bà Bùi Thanh Xuân cho hay. Hơn 30 năm, vấn đề này được nhắc đến với tư cách một trong những quan điểm chỉ đạo của Trung ương về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục, đào tạo:

Thực hiện nền giáo dục thường xuyên (GDTX) cho mọi người cần xác định học tập suốt đời là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi công dân. Đây là tiền đề quan trọng cho nhiều quyết sách thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng một xã hội học tập ở Việt Nam.

Theo GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, để thể chế hóa chủ trương xây dựng xã hội học tập, từ năm 2005 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định liên quan.

“Tuy nhiên, những quyết định trên là văn kiện dưới luật. Để khẳng định xã hội học tập là sự nghiệp lớn của quốc gia thì vấn đề cần làm và cũng đến lúc phải làm là xây dựng bộ Luật Học tập suốt đời”, GS.TS Phạm Tất Dong nhìn nhận.

Nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam viện dẫn, năm 1999, Hàn Quốc thông qua Luật Giáo dục suốt đời trên cơ sở Luật Giáo dục xã hội năm 1982. Luật này hướng vào mục tiêu: Mọi người dân đều được bảo đảm cơ hội bình đẳng trong giáo dục suốt đời.

Giáo dục suốt đời dựa trên sự học tập tự nguyện của người học. Giáo dục suốt đời không chấp nhận mọi định kiến xã hội và chính trị trong học tập của người dân. Kết quả học tập của bất cứ công dân nào cũng được công nhận và cấp bằng tương ứng.

Ở Đan Mạch, học tập suốt đời được định nghĩa là “nguyên tắc mọi công dân phải có để có cơ hội giáo dục trong suốt cuộc đời”, bà Nguyễn Hoài Thu - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho hay. Ở nước này, học tập suốt đời được xem như nhiệm vụ để đảm bảo cơ hội học tập phù hợp cho mọi người dân, từ mầm non tới đại học và giáo dục cho người lớn ngoài nhà trường.

Học tập suốt đời được thực hiện ở mọi nơi, miễn ở đó mọi người được tiếp thu kiến thức mới và học các kỹ năng cần thiết. Học tập suốt đời có thể diễn ra tại các cơ sở giáo dục, nơi làm việc và trong các hoạt động hợp tác và giải trí, đồng thời là trách nhiệm chung của mọi người.

Học tập suốt đời là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi công dân. Ảnh: Sỹ Điền

Học tập suốt đời là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi công dân. Ảnh: Sỹ Điền

Cần một khế ước xã hội mới về giáo dục

Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, xây dựng và ban hành Luật Học tập suốt đời chính là thể chế hóa một quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp đã được quy định tại Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam.

Đó là “Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập” trong bối cảnh mới khi trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi quan trọng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Vì thế, cần xây dựng một khế ước xã hội mới về giáo dục, trong đó gồm nguyên tắc nền tảng giáo dục có chất lượng suốt đời là một trong những quyền cơ bản của con người.

Ghi nhận những thành tựu về thể chế học tập suốt đời thời gian qua, nhưng TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến nhận thấy, ở Việt Nam, học tập suốt đời chưa được quan niệm là một giai đoạn phát triển mới về chất của giáo dục và thường được đánh đồng với giáo dục không chính quy, giáo dục dành cho người lớn, ngoài nhà trường.

“Dù học tập suốt đời được nói tới nhiều, nhưng khái niệm này chưa được chính thức làm rõ ngay trên các văn bản pháp quy. Đây là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến những bất cập khác”, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến nêu vấn đề, đồng thời viện dẫn, tư tưởng chủ đạo trong xây dựng thể chế học tập suốt đời vẫn theo mô hình học tập truyền thống. Tâm lý học để thi, thay vì học tập suốt đời vẫn chi phối trong tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục.

Hệ quả là GDTX, dù rằng được xếp ngang hàng trong luật với giáo dục chính quy, nhưng trong thực tế bị coi nhẹ, thậm chí bị ngấm ngầm coi như giáo dục hạng hai, dành cho người mù chữ, trẻ em thiệt thòi, học sinh yếu kém. Về cơ bản, hệ thống giáo dục quốc dân chưa được tái cơ cấu để các phân hệ giáo dục chính quy và GDTX được coi trọng như nhau và liên thông với nhau.

Xuất phát từ thực tiễn khách quan, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến nhận thấy cần thiết ban hành Luật Học tập suốt đời trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Khi đó, Luật Học tập suốt đời sẽ là cấu phần mới cần thiết và tất yếu của thể chế giáo dục.

“Với thực tế ban hành các văn bản pháp quy và tổ chức thực hiện học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập suốt gần 40 năm qua, cùng các kinh nghiệm và khuyến nghị phong phú trên thế giới về học tập suốt đời, chúng ta đã có cơ sở dữ liệu đầy đủ và tin cậy cho việc xây dựng Luật Học tập suốt đời”, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến khẳng định.

Từ nghiên cứu của mình, bà Bùi Thanh Xuân và các cộng sự đề xuất 8 nhóm chính sách cần được thể chế hóa trong dự thảo Luật Học tập suốt đời, gồm: Xây dựng hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, có khả năng chuyển đổi cao; phát huy vai trò của các thiết chế văn hóa và giáo dục bên ngoài hệ thống giáo dục quốc dân; xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, khai thác tối đa tiềm năng của các mô hình học tập trong cộng đồng và tại nơi làm việc.

Xây dựng cơ chế đánh giá và ghi nhận, xác nhận, công nhận các trình độ học tập; bảo đảm chất lượng giáo dục trong học tập suốt đời; tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ giáo dục phục vụ cho học tập suốt đời; hoàn thiện cơ chế quản lý hệ thống học tập suốt đời; xây dựng cơ chế bảo đảm sự tham gia chủ động, tích cực của chính quyền các cấp trong quản lý, chỉ đạo và thực thi các hoạt động học tập suốt đời; thành lập chuyên ngành giáo dục người lớn trong các trường đại học nhằm thể chế hóa văn bằng, chứng chỉ cho đội ngũ dạy các chương trình học tập suốt đời.

Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, học tập suốt đời vẫn là khái niệm chưa rõ ràng. Ngay trong giới nghiên cứu khoa học giáo dục, hiện vẫn chưa đi đến hiểu thống nhất và chính thức về các khái niệm học tập suốt đời, học chính quy, học không chính quy, học phi chính quy.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/luat-hoa-hoc-tap-suot-doi-doi-hoi-buc-thiet-post675381.html