LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI): TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, tại kỳ họp thứ 5, dự kiến Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Đóng góp ý kiến đối với dự luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến nhấn mạnh, việc ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) là cần thiết để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã bộc lộ nhiều bất cập cần sửa đổi để phù hợp với thực tiễn hoạt động. Do vậy, việc Quốc hội lấy ý kiến đồng đảo nhân dân về Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm hoàn thiện hơn, giúp kinh tế tập thể, hợp tác xã ngày phát triển nhanh, bền vững.

Dẫn lại lời Bác Hồ về kinh tế tập thể, hợp tác xã, đại biểu Phạm Thị Hồng Yến - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, vấn đề hợp tác xã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập một cách có hệ thống, từ những ý tưởng mang tính chất lý luận đến những bài nói, bài viết sau này tuy mang tính chất chỉ đạo thực tiễn nhiều hơn nhưng đều chứa đựng quan điểm nhất quán về vai trò to lớn của hợp tác xã đối với đồng bào ta, nhất là vùng nông thôn, nông nghiệp. Hợp tác xã là “góp gạo thổi cơm chung” cho khỏi “hao của, tốn công, lại có nhiều phần vui vẻ”; và vận dụng tục ngữ Việt Nam “Nhóm lại thành giàu, chia nhau thành khó” và “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” để rút ra kết luận “lý luận hợp tác xã đều ở trong những điều ấy. Ngoài ra, hợp tác xã còn là tên gọi thân thuộc của người dân từ nhiều năm nay.

Theo đánh giá của đại biểu, hợp tác xã là tổ chức hợp tác tự nguyện giữa những người dân với nhau và đã được định trong Luật. Khái niệm hợp tác xã được sử dụng thường xuyên trong công tác truyền thông, tuyên truyền, kể cả pháp luật dẫn chiếu đều thuận lợi và gần gũi với người dân. Do vậy, việc giữ nguyên tên Luật là Luật Hợp tác xã một mặt vẫn bảo đảm bao quát mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với các loại hình hợp tác xã, mặt khác tránh việc thay đổi tên gọi dẫn đến các chi phí xã hội và hệ lụy phát sinh liên quan chưa đánh giá tác động hết được.

Về một số nội dung cụ thể, đại biểu cho biết, Điều 19 dự thảo Luật quy định chính sách của Nhà nước về phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác, với hàng loạt chính sách hỗ trợ về phát triển nguồn nhân lực, thông tin tư vấn; tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh; thuế, phí và lệ phí; tín dụng, bảo hiểm; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và đầu tư; xây dựng kết cấu hạ tầng, trang thiết bị…

Cơ bản đồng tình về sự cần thiết phải có các chính sách để hỗ trợ phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác, song đại biểu cũng cho rằng, nội dung các chính sách này cần được cân nhắc cho phù hợp với các chính sách hỗ trợ dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, và cũng phù hợp với quy định tại khoản 5, Điều 16 của dự luật này là các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với tổ chức kinh tế hợp tác không thấp hơn chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đại biểu đề nghị cần có những quy định cụ thể về tiêu chí lựa chọn đối tượng được Nhà nước cơ động hỗ trợ, tránh tình trạng hỗ trợ dàn trải và thiếu hiệu quả, thậm chí trong quá trình thực hiện cũng sẽ phát sinh tình trạng thành lập hợp tác xã mang tính trá hình để trục lợi các chính sách.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khoản 2 Điều 17 quy định về những đối tượng tổ chức kinh tế hợp tác được ưu tiên hưởng chính sách hỗ trợ như có nhiều thành viên là người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số hơn; có phụ nữ làm quản lý, có nhiều thành viên là nữ hoặc sử dụng nhiều lao động nữ hơn; hoạt động thuộc địa bàn kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định của Nhà nước… Theo đại biểu, quy định như trong dự thảo Luật còn mang tính chung chung, để có cơ chế, chính sách hỗ trợ thì phải có định lượng cụ thể, nếu không sẽ dễ phát sinh khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, Điều 15 dự thảo Luật quy định về việc phân loại hợp tác xã, theo đó hợp tác xã được phân loại siêu nhỏ, nhỏ vừa và lớn dựa trên 2 tiêu chí: số lượng thành viên chính thức; doanh thu hoặc tổng nguồn vốn. Đại biểu đề nghị phân loại hợp tác xã theo 3 tiêu chí, gồm: số lượng thành viên, tổng số vốn và doanh thu, tương tự như quy định áp dụng đối với phân loại doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bản thân hợp tác xã là một tổ chức kinh tế thì phải có cả nguồn vốn và doanh thu, như vậy mới thỏa đáng. Đồng thời, cũng đề xuất ngoài phân loại hợp tác xã dựa trên quy mô hoạt động, số lượng thành viên, tổng nguồn vốn, lợi nhuận thì cần nghiên cứu phân loại theo hai tiêu chí: Hợp tác xã nông nghiệp và hợp tác xã phi nông nghiệp (trong đó có hợp tác xã tín dụng, hợp tác xã giao thông, hợp tác xã xây dựng…). Đại biểu cho rằng, việc phân loại theo lĩnh vực kinh doanh như trên bảo đảm tính khoa học và thuận tiện cho việc thiết kế chính sách đối với từng loại hình hợp tác xã.

Mặt khác, dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) mở rộng quy định thành viên hợp tác xã, Tổ hợp tác là cá nhân từ đủ 15 tuổi trở lên đến dưới 18 tuổi. Việc hạ độ tuổi nhằm góp phần tăng cường sự tham gia làm thành viên hợp tác xã, Tổ hợp tác. Đại biểu cũng cho rằng không nên quy định cứng việc thành viên chính thức của hợp tác xã phải sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, mà chỉ nên quy định khuyến khích thành viên hợp tác xã sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã./.

Vũ Hà

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=75855