Luật Mẫu của Liên Hợp Quốc về thương mại điện tử và chữ ký điện tử
Nhằm tạo ra một khung pháp lý đầu tiên cho thương mại điện tử, năm 1996, Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc (UNCITRAL) đã soạn thảo một luật mẫu thừa nhận giá trị pháp lý của các thông điệp dữ liệu điện tử nhằm bảo vệ cho những tổ chức, cá nhân muốn tham gia thương mại điện tử. Luật mẫu này được sử dụng như một tài liệu tham khảo cho các nước trong quá trình xây dựng pháp luật về thương mại điện tử. Tinh thần của Luật mẫu là bảo đảm những giao dịch của thương mại điện tử được thừa nhận giá trị pháp lý và nếu cần thiết sẽ có những hành động thích hợp để tăng cường khả năng thi hành cho những giao dịch bằng phương tiện điện tử.
Luật Chữ ký điện tử của Trung Quốc
Luật hóa chữ ký điện tử - xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên kinh tế số
Đạo luật E-Sign mang lại tiện ích hiện đại
Luật mẫu về Thương mại điện tử
Luật mẫu về Thương mại điện tử của UNCITRAL (Model Law on Electronic Commerce) được UNCITRAL thông qua ngày 12.6.1996 và được chính thức công bố trong báo cáo của Hội nghị lần thứ 6 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 12.12.1996. Đạo luật này có hiệu lực áp dụng đối với những mối quan hệ phát sinh khi áp dụng phương thức kinh doanh thương mại điện tử. Mục tiêu của luật này là đưa ra một hệ thống các quy tắc được thừa nhận trên phạm vi quốc tế về việc loại bỏ các trở ngại trong việc công nhận giá trị pháp lý của thông điệp được lưu chuyển bằng phương tiện điện tử, tạo sự bình đẳng giữa những người sử dụng tài liệu trên cơ sở giấy tờ và những người sử dụng thông tin trên cơ sở các dữ liệu điện tử trên phạm vi quốc tế. Luật mẫu này là cơ sở định hướng giúp các nước thành viên của Liên Hợp Quốc tham khảo khi xây dựng một đạo luật với ý nghĩa là khung pháp lý cơ bản cho thương mại điện tử.
Kết cấu của luật mẫu được chia làm hai phần với 17 điều, khoản:
Phần I: Giới thiệu khái quát về thương mại điện tử, gồm 3 chương. Chương I đề cập đến các quy định chung bao gồm 4 điều khoản về phạm vi điều chỉnh, giải thích các từ ngữ có liên quan, giải thích luật và các trường hợp ngoại lệ theo thỏa thuận giữa các bên. Chương II quy định các điều kiện luật định đối với các thông tin số hóa, gồm 6 điều khoản (Điều 5 đến Điều 10) công nhận giá trị pháp lý của các thông tin số hóa, về văn bản viết, chữ ký, bản gốc, tính xác thực và khả năng được chấp nhận của thông tin số, việc lưu giữ thông tin số. Chương III nói đến thông tin liên lạc bằng thông tin số hóa, bao gồm 5 điều khoản (Điều 11 đến Điều 15) quy định về hình thức của hợp đồng và giá trị pháp lý của hợp đồng, các bên ký kết hợp đồng phải công nhận giá trị pháp lý của các thông tin số hóa, xuất xứ của thông tin số hóa, việc xác nhận đã nhận được thông tin, thời gian, địa điểm gửi và nhận thông tin số hóa.
Phần II: Quy định các giao dịch thương mại điện tử trong một số lĩnh vực hoạt động gồm 2 điều khoản liên quan đến vận tải hàng hóa. Điều 16 quy định các hành vi liên quan đến hợp đồng vận tải hàng hóa. Điều 17 quy định về hồ sơ vận tải hàng hóa.
Việc UNCITRAL thông qua đạo luật mẫu về thương mại điện tử đã tạo điều kiện giúp đỡ tất cả các quốc gia trên thế giới hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình về sử dụng các phương tiện truyền và lưu giữ thông tin mới thay thế cho các tài liệu bằng giấy và ban hành các đạo luật còn thiếu trong lĩnh vực thương mại điện tử. UNCITRAL cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn việc chuyển hóa các quy định của Đạo luật mẫu vào hệ thống nội dung luật của các quốc gia.
Tất cả các quốc gia cần xem xét chi tiết các quy định của đạo luật mẫu trước khi ban hành các đạo luật mới hoặc sửa đổi các quy định hiện hành, phải tính đến sự cần thiết phải bảo đảm sự thống nhất các quy định của pháp luật về sử dụng các phương tiện truyền và lưu giữ thông tin mới thay thế cho các tài liệu bằng giấy.
Luật mẫu về chữ ký điện tử
Luật mẫu về chữ ký điện tử chính thức được thông qua vào ngày 29.9.2000. Mục đích của luật này là hướng dẫn các quốc gia thành viên trong việc xây dựng khung pháp lý thống nhất và công bằng để giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề về chữ ký điện tử - yếu tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong các giao dịch thương mại điện tử.
Đạo luật này nêu lên những vấn đề cơ bản của chữ ký điện tử, chữ ký số hóa và các vấn đề về người ký, bên thứ ba và chứng nhận chữ ký số. Đặc biệt, nhằm đưa ra các hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng luật này, UNCITRAL đã đưa ra một bản hướng dẫn thi hành chi tiết, trong đó có phân tích và hướng dẫn cho từng điều khoản của luật mẫu. Luật mẫu đã góp phần loại bỏ những cản trở trong việc sử dụng chữ ký điện tử trong các giao dịch thương mại điện tử ở phạm vi quốc tế.
Công ước của Liên Hợp Quốc về sử dụng chứng từ điện tử trong hợp đồng thương mại quốc tế
Công ước Liên Hợp Quốc về Sử dụng Chứng từ điện tử trong Hợp đồng thương mại quốc tế (UN Convention on the Use of Electronic Communications in International Contracts) đã được phiên họp lần thứ 60 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 9.11.2005. Về nội dung chuyên môn, Công ước này do UNCITRAL xây dựng, nhằm đưa ra một khung quy định chung cho những vấn đề cơ bản nhất của giao kết và thực hiện hợp đồng thông qua phương tiện điện tử.
Công ước khẳng định các tiêu chuẩn để bảo đảm giá trị pháp lý ngang nhau giữa văn bản giấy và văn bản điện tử trong các giao dịch quốc tế sao cho các hợp đồng được thương lượng và ký kết thông qua thông tin điện tử đều có giá trị và hiệu lực thi hành tương đương với các hợp đồng thương lượng truyền thống. Dựa trên nền tảng đó, công ước được đánh giá là một công cụ pháp lý quan trọng nhằm tăng cường buôn bán quốc tế trên cơ sở tận dụng ưu thế mạng Internet toàn cầu.
Việc áp dụng rộng rãi và đồng nhất những quy định này giữa các quốc gia sẽ góp phần xóa bỏ trở ngại đối với việc sử dụng chứng từ điện tử trong giao dịch thương mại quốc tế, nâng cao tính chắc chắn về phương diện pháp lý cũng như tính ổn định về phương diện thương mại của hợp đồng điện tử, và giúp doanh nghiệp tiếp cận được những phương thức tiến hành thương mại hiện đại, hiệu quả nhất.
Một năm sau, tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, đã diễn ra lễ ký kết chính thức Công ước này với sự tham gia của 60 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, hơn 10 nước quan sát viên, trong đó Việt Nam tham gia với tư cách quan sát viên.