Luật Nhà giáo được ban hành sẽ 'giữ chân' giáo viên ở vùng khó

Tình trạng 'chảy máu nhân lực' ngành Giáo dục ở Điện Biên vẫn đang diễn ra. Luật Nhà giáo được ban hành sẽ là 'phao cứu sinh' giải quyết vấn đề này.

Luật Nhà giáo được ban hành được kỳ vọng sẽ giữ chân giáo viên với giáo dục vùng cao.

Luật Nhà giáo được ban hành được kỳ vọng sẽ giữ chân giáo viên với giáo dục vùng cao.

Khắc phục tình trạng giáo viên xin thôi việc, chuyển vùng

Cùng với việc thực hiện chủ trương cắt giảm công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, thực trạng “chảy máu nhân lực” trong ngành Giáo dục ở vùng khó Điện Biên vẫn đang diễn ra.

Mường Nhé là huyện biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên. Đây cũng là địa phương ghi nhận tình trạng “chảy máu” nhân lực ngành Giáo dục lớn nhất thời gian qua trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé cho biết: “Từ năm 2021 đến nay, toàn ngành ghi nhận 108 giáo viên xin thôi việc và chuyển công tác. Trong đó, có 14 giáo viên xin thôi việc theo nguyện vọng và 94 người đã chuyển vùng”.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Phạm Thiết Chùy chia sẻ: Hiện chế độ tiền lương chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của giáo viên ở vùng cao. Một bộ phận thầy cô ở miền xuôi lên công tác ít có điều kiện về thăm gia đình do giao thông đi lại khó khăn, cách trở. Địa phương cũng chưa có chính sách đặc thù hỗ trợ đời sống nhà giáo. Trong khi đó, nhu cầu ở các tỉnh miền xuôi, đặc biệt là môn chuyên biệt, giáo viên có trình độ cao ngày càng nhiều.

So với định mức, năm học này, ngành GD&ĐT huyện Mường Nhé còn thiếu 330 người. Trong đó, thiếu 15 cán bộ quản lý và 261 giáo viên. Hiện toàn ngành chỉ có 942 giáo viên. Trong khi đó, tình trạng giáo viên có ý định chuyển vùng hoặc đang làm hồ sơ xin chuyển vẫn đang hiện hữu.

Theo ông Phạm Thiết Chùy, Luật Nhà giáo chính là sự thể chế hóa hệ thống chính sách về nhà giáo như: Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo...

“Luật Nhà giáo ra đời với những quy định, điều luật cụ thể sẽ tạo ra hành lang pháp lý, là cơ sở để nhà giáo thực hiện các nhiệm vụ. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để ngành Giáo dục nói chung, đội ngũ giáo và cán bộ quản lý giáo dục nói riêng yên tâm gắn bó với nghề. Đồng thời, “giữ chân” giáo viên gắn bó với sự nghiệp giáo dục vùng cao” - ông Phạm Thiết Chùy chia sẻ.

Còn ông Đỗ Văn Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo cho biết: “Mong muốn của nhà giáo đang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn là Luật Nhà giáo sớm được ban hành. Khi đó sẽ khắc phục được tình trạng giáo viên xin thôi việc, xin chuyển vùng. Thu nhập đảm bảo cuộc sống sẽ giúp đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác, định cư, gắn bó lâu dài với vùng cao”.

Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lếch, huyện Mường Nhé hướng dẫn học sinh luyện chữ.

Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Lếch, huyện Mường Nhé hướng dẫn học sinh luyện chữ.

Nâng tầm vị thế nhà giáo

Thầy Ngô Sơn Ngân, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Trung Thu, huyện Tủa Chùa cho biết: “Nghề nhà giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Nhưng hiện nay, chưa có luật mà mới chỉ có những văn bản dưới luật quy định. Vì thế Luật Nhà giáo ra đời sẽ là một cơ sở pháp lý quan trọng đối với đội ngũ nhà giáo. Đây là điều giáo viên chúng tôi rất mong chờ. Khi Luật được xây dựng và ban hành, vị thế nhà giáo được nâng lên, việc tuyển dụng, sắp xếp đội ngũ nhà giáo sẽ có những thay đổi tích cực”.

Cũng theo thầy Ngân, Luật Nhà giáo được ban hành sẽ thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước với nhà giáo. Từ đó, có cơ chế, chính sách, đào tạo, tôn vinh các nhà giáo. Đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục về trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy. Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nhằm hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản GD&ĐT theo tinh thần của Nghị quyết 29 đã đề ra.

Công tác vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn lâu năm, thầy Ngô Sơn Ngân bày tỏ mong muốn Luật Nhà giáo có chính sách cụ thể để địa phương tuyển dụng đủ giáo viên tổ chức thực hiện nhiệm vụ giảng dạy theo quy định của Bộ GD&ĐT. Cùng với đó, cần có chính sách về đãi ngộ, tiền lương và các chế độ đặc thù đối với giáo viên công tác ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

“Những thầy cô công tác tại vùng khó khăn như Trung Thu hiện tại chỉ đủ sống, tích góp chẳng được bao nhiêu. Trong khi giao thông đi lại cách trở, mua sắm đắt đỏ là “trở ngại” để giáo viên có thể cống hiến, gắn bó với vùng cao lâu dài” – thầy Ngân chia sẻ.

Bên cạnh việc bày tỏ sự cần thiết phải ban hành Luật Nhà giáo, thầy Ngân cũng mong muốn Đảng và Nhà nước quan tâm hơn nữa đến phát triển kinh tế - xã hội vùng cao để người dân có cơ hội để làm giàu trên mảnh đất quê hương. Từ đó, tạo điều kiện cho giáo dục và đào tạo phát triển toàn diện.

“Dân có đủ ăn, tích lũy thì mới quan tâm đến văn hóa, giáo dục. Dân nghèo thì cũng không thể quan tâm đến các con, thầy cô. “Nước lên thì thuyền lên”, dân có ấm no thì “con thuyền giáo dục” mới nổi và tiến lên được” – thầy Ngô Sơn Ngân chia sẻ.

Hà Thuận

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/luat-nha-giao-duoc-ban-hanh-se-giu-chan-giao-vien-o-vung-kho-post662606.html