Luật Nhà giáo phải kiến tạo môi trường pháp lý để phát triển đội ngũ nhà giáo

Luật Nhà giáo phải kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo. Điều chỉnh các vấn đề về nhà giáo nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề.

Đây là nội dung được trao đổi tại Tọa đàm về đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo diễn ra sáng nay (30/5) tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Toàn cảnh tọa đàm

Toàn cảnh tọa đàm

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định, cần thiết ban hành Luật Nhà giáo bởi những tư tưởng về chính sách đối với nhà giáo cần được thể chế hóa, cụ thể hóa thành các quy tắc, luật: “Chúng ta đi từ tư tưởng, nhận thức, thái độ đến hành động cụ thể. Khi có luật sẽ chi phối hành động cụ thể. Vì vậy, việc cho ra đời một đạo luật về nhà giáo có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội không chỉ với hiện tại mà với cả tương lai”.

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Hiệu Trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng, dự thảo Luật Nhà giáo hướng tới điều chỉnh đối tượng là nhà giáo, mà trong đời sống xã hội nhà giáo có muôn vàn các mối quan hệ xã hội khác nhau. Bởi vậy, Luật không chỉ điều chỉnh hoạt động nghề nghiệp nhà giáo, mà còn chạm đến nhiều mối quan hệ xã hội khác.

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho hay, dự thảo luật được xây dựng với quan điểm tiếp tục luật hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà giáo. Đặc biệt là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo "giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục". Qua đó, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục; trong đó có nhà giáo. Luật Nhà giáo phải kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo. Điều chỉnh các vấn đề về nhà giáo nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề. Ngoài ra, luật sẽ quy định một số chính sách mới để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực quan trọng và đặc thù của nhà giáo.

Cục trưởng Cục Nhà giáo cho rằng, Luật Nhà giáo sẽ đảm bảo sự bình đẳng giữa nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập. Xây dựng chính sách bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp, an sinh và môi trường làm việc. Phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế phát triển giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa, xã hội hóa; đồng thời đảm bảo xây dựng theo hướng cụ thể, chi tiết, hạn chế tối đa việc phải ban hành các văn bản hướng dẫn để Luật có thể nhanh chóng, dễ dàng đi vào cuộc sống.

Luật cũng hướng đến mục tiêu chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, sự phát triển của giáo dục, khoa học, công nghệ trên thế giới (nhất là trí tuệ nhân tạo) để thực hiện một trong ba đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - những công dân toàn cầu, phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/luat-nha-giao-phai-kien-tao-moi-truong-phap-ly-de-phat-trien-doi-ngu-nha-giao-post1098412.vov