Luật Nhà giáo: Quy định dạy thêm, học thêm còn bỏ ngỏ?

Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 6/5, nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo Luật Nhà giáo dường như vẫn còn 'bỏ ngỏ', chưa có điều khoản cụ thể để quản lý hiệu quả hoạt động dạy thêm, học thêm.

Dự thảo Luật Nhà giáo, được Quốc hội đưa ra thảo luận tại hội trường sáng 6/5, đã nhận được sự quan tâm sâu sắc từ các đại biểu. Bên hành lang Quốc hội, nhiều ý kiến ghi nhận nỗ lực của ban soạn thảo trong việc tiếp thu, hoàn thiện dự luật, giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn của ngành giáo dục. Tuy nhiên, những trăn trở về việc làm sao để luật thực sự tôn vinh vị thế người thầy, xây dựng trên nền tảng triết lý giáo dục vững chắc, và đặc biệt là xử lý hài hòa vấn đề nhạy cảm như dạy thêm, học thêm vẫn là chủ đề thảo luận sôi nổi. Các đại biểu Bế Trung Anh (đoàn Hà Nội), Nguyễn Thị Khánh Thu (đoàn Thái Bình), và Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) đã có những chia sẻ thẳng thắn.

Không vì "cá biệt" dạy thêm mà siết luật phổ quát

Góp ý về định hướng của Luật Nhà giáo, đại biểu Bế Trung Anh (đoàn Hà Nội) cho rằng, tinh thần cốt lõi của luật nên là "tôn vinh nhà giáo", khẳng định rõ "ngôi vị" của người thầy trong xã hội. Khi nhà làm luật hiểu rằng ngôi vị của nhà giáo cần được nhìn nhận đúng như vậy, sẽ không cần thiết phải dùng luật để ép buộc nhà giáo thực hiện công việc của mình. Bởi bản thân nhà giáo đã ý thức được trách nhiệm "dạy thiên hạ" và sẽ biết cách làm cho đúng. Những quy định chi tiết về việc nhà giáo phải làm thế này hay thế kia nên thuộc về các văn bản pháp luật khác.

 Đại biểu Bế Trung Anh (đoàn Hà Nội) trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội.

Đại biểu Bế Trung Anh (đoàn Hà Nội) trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội.

Một điểm nữa, đại biểu Bế Trung Anh mong muốn, đó là cần thể hiện rõ triết lý giáo dục trong luật này, điều mà Luật Giáo dục trước đây chưa làm được. Theo đại biểu, triết lý giáo dục chính là trụ cột, là xương sống để định hướng cho hành vi giáo dục được chuẩn mực.

"Giáo dục không phải chuyện ngày một ngày hai mà là cả một thế hệ dài. Thiếu một cái trụ chắc chắn, ổn định, chúng ta khó có thể đi đúng hướng và đến đích nhanh chóng", đại biểu nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề dạy thêm, học thêm đang gây nhiều tranh cãi, đại biểu Bế Trung Anh cho rằng, việc này xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Nếu nhà giáo có đồng lương đủ sống, họ cũng không cần thiết phải đi dạy thêm. Hơn nữa, không phải ai cũng có thể hoặc cần dạy thêm. Chẳng hạn, có ai đi dạy thêm môn thể dục không? Hay môn đạo đức? Vậy chỉ có một nhóm nhỏ dạy thêm, học thêm.

Câu chuyện dạy thêm thực chất xuất phát từ truyền thống hiếu học của dân tộc Việt. Nếu người học có nhu cầu học thật, thì việc giáo viên đáp ứng nhu cầu đó là chính đáng. Vấn đề là cần "nắn chỉnh" thế nào cho đúng, để việc dạy thêm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của việc "hiếu học", chứ không phải vì "hiếu dạy".

Hiện nay, có một xu hướng chưa tích cực là một số nhà giáo dạy chưa đủ khối lượng trên lớp để dành cho việc dạy thêm bên ngoài. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng đây chỉ là số ít, là trường hợp cá biệt. Ngành nào cũng có những trường hợp như vậy.

“Chúng ta không nên lấy những cá biệt đó để xây dựng một quy định áp dụng chung cho tất cả, bởi luật pháp cần mang tính phổ quát. Vấn đề là cần quản lý thế nào để những chuyện tiêu cực không còn xảy ra”, đại biểu Bế Trung Anh bày tỏ quan điểm.

Theo đại biểu, trước đây, khi đời sống nhà giáo ổn định so với mặt bằng chung, những tiêu cực như vậy rất ít. Nhưng hiện nay, khi các ngành khác phát triển, đời sống vật chất tốt hơn, nhà giáo dường như bị bỏ lại phía sau. Trên lý thuyết thang bậc lương có thể cao, nhưng thực tế, không nhiều người sống hoàn toàn bằng lương, mà phải làm thêm việc khác. Tuy nhiên, nhà giáo thì làm thêm gì ngoài công việc chuyên môn là dạy học?

Vị thế nhà giáo chưa rõ, quy định dạy thêm bỏ ngỏ

Đại biểu Nguyễn Thị Khánh Thu (đoàn Thái Bình) bày tỏ sự băn khoăn về việc thể hiện vị thế của người thầy trong Dự thảo Luật Nhà giáo. Theo đại biểu, xuất phát điểm khi xây dựng, sửa đổi Luật Nhà giáo là chúng ta muốn ghi nhận vị trí và vị thế của nhà giáo trong xã hội hiện nay. Nhưng dự thảo Luật vẫn thiếu, chưa đủ, chưa rõ để thấy được tầm, vị thế, sự quan trọng của nhà giáo. Đại biểu bày tỏ mong muốn ban soạn thảo bổ sung thêm nội dung để vị thế nhà giáo được ghi nhận.

Đại biểu Khánh Thu nêu ý kiến tại buổi thảo luận về Luật Nhà giáo sáng 6/5. Ảnh: QH.

Đại biểu Khánh Thu nêu ý kiến tại buổi thảo luận về Luật Nhà giáo sáng 6/5. Ảnh: QH.

Về vấn đề dạy thêm, học thêm, đại biểu Khánh Thu chỉ rõ một khoảng trống trong dự thảo khi chưa có một điều khoản nào cụ thể về nội dung này. Và như đã biết, khi Thông tư 29 ban hành thời gian qua cũng ít nhiều gây xáo trộn, hoang mang cho chính nhà giáo và Nhân dân.

Một vấn đề nữa, theo đại biểu Khánh Thu, Luật Nhà giáo đã đề cập nhiều chính sách ưu việt, mong muốn mang lại lợi ích cho nhà giáo nói chung và cho nền giáo dục. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ, đặc biệt là tự chủ tài chính, dự thảo cũng chưa đề cập đến việc nguồn lực thực hiện các chính sách này lấy từ đâu để đảm bảo tính thiết thực và hiệu quả.

 Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình). Ảnh: Mai Loan.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình). Ảnh: Mai Loan.

Liên quan vấn đề dạy thêm, học thêm, đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cho biết, vấn đề này đã được rất nhiều cử tri và Nhân dân quan tâm, hiện nay cũng có rất nhiều luồng ý kiến. Tuy nhiên, dự án luật này không thể quy định đầy đủ về vấn đề dạy thêm, học thêm mà tại Thông tư 29 đã quy định rất rõ.

“Thời gian qua, khi tổ chức triển khai thực hiện Thông tư 29, cũng đã có những luồng ý kiến trái chiều. Có thể nói, dạy thêm, học thêm cũng là một nhu cầu thực tế của các bậc phụ huynh”, đại biểu Ngọc nêu thực tế.

Đại biểu Ngọc cho rằng, phải có cơ chế để đội ngũ giáo viên và phụ huynh học sinh có thể tiếp cận được với những thầy cô giáo có trình độ, chuyên môn trong điều kiện giảng dạy tốt nhất, giúp con cái có điều kiện tiếp thu kiến thức. Tuy nhiên, cùng với đó là nhiều vấn đề mà xã hội cũng đang lên án về việc dạy thêm, học thêm.

“Nếu trong dự án luật này, các nội dung rõ hơn một chút và đồng hành với đó là hướng dẫn của Thông tư 29, thì tôi nghĩ vấn đề dạy thêm, học thêm cũng sẽ được giải quyết, và những vấn đề thực tiễn, những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua có thể sẽ được giải quyết một cách thấu đáo”, đại biểu Bích Ngọc cho hay.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/luat-nha-giao-quy-dinh-day-them-hoc-them-con-bo-ngo-2102600.html