Luật Nhà giáo sẽ nâng cao vị thế người thầy
Vào những ngày hướng tới kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, dự án Luật Nhà giáo được trình và thảo luận tại nghị trường Quốc hội càng thể hiện rõ cách nhìn nhận của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và toàn xã hội về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Mỗi đại biểu càng nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn trong đóng góp ý kiến của mình.
Với đội ngũ hơn 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cả trong và ngoài công lập, với hơn 900 ngàn nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục đóng góp ở các góc độ khác nhau cho sự nghiệp giáo dục nước nhà, đội ngũ nhà giáo là lực lượng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức của tất cả ngành, lĩnh vực và có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước. Bởi thế, việc ban hành Luật Nhà giáo là một yêu cầu khách quan mà thực tiễn cuộc sống đặt ra. Có người nói, chúng ta đã có Luật Giáo dục thì không cần xây dựng Luật Nhà giáo. Tuy nhiên, Luật Giáo dục chỉ là luật khung cho lĩnh vực giáo dục, không thể điều chỉnh, giải quyết hết các vấn đề liên quan đến đội ngũ nhà giáo. Trong thực tế, có rất nhiều vấn đề liên quan đến giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, nếu chỉ dừng lại ở các thông tư, nghị định cùng những văn bản khác thì chưa thể giải quyết hết được các vấn đề nảy sinh. Ví như giáo viên miền núi, dù dạy ở vùng I nhưng điều kiện vẫn rất nhiều khó khăn, chẳng khác gì ở vùng khó nhưng lại không được hưởng các chính sách ưu đãi như vùng khó; hiện có nhiều người làm trong ngành giáo dục, nhưng không được hưởng các chế độ, chính sách của nhà giáo như phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp. Bên cạnh đó, người làm giáo dục phải tâm huyết và trách nhiệm cao, nhất là với giáo viên mầm non và phổ thông, nhưng chế độ, chính sách chưa tương xứng… Những vấn đề này được người trong cuộc và báo chí phản ánh từ lâu, nhưng chưa được tháo gỡ nên nhiều địa phương phải giải quyết theo hướng vận dụng linh hoạt. Có địa phương giải quyết được thì lại xảy ra tình trạng chồng chéo giữa các văn bản.
Từ những vấn đề bất cập nêu trên, Luật Nhà giáo khi được ban hành sẽ thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo. Theo đó, Luật Nhà giáo sẽ là hành lang pháp lý để giải quyết nhiều vấn đề như: thống nhất khái niệm thế nào là nhà giáo và đối tượng nào được gọi là nhà giáo; thống nhất tiêu chuẩn, tiêu chí, chuẩn mực đối với nhà giáo; chế độ, chính sách, vấn đề biên chế và cả những chế tài đủ mạnh để xử lý nếu giáo viên vi phạm pháp luật… Qua đó, đội ngũ nhà giáo sẽ yên tâm công tác và cống hiến.
Thời nào cũng thế, lĩnh vực giáo dục và đào tạo luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng và người thầy luôn đóng vai trò trung tâm, bởi có thầy giỏi mới có trò hay! Bên cạnh thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ nhà giáo, việc ban hành Luật Nhà giáo sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đột phá cho việc phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như định hướng chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Và như ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm khi góp ý về Luật Nhà giáo trong vai trò của một đại biểu Quốc hội: Luật Nhà giáo không chỉ là quy định những nội dung trước đây chưa quy định, mà cần vươn lên tầm cao mới, xác định vai trò quan trọng của người thầy, là bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức của đất nước.