Luật sư: Hoàng Văn Hưng xin xét xử vắng mặt, nhưng vẫn có thể bị tòa triệu tập
Theo luật sư, tòa phúc thẩm có cho phép bị cáo vắng mặt hay không phụ thuộc vào đánh giá của hội đồng xét xử về tầm quan trọng của bị cáo tại phiên tòa.
Ngày 25/12, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa phúc phẩm xem xét đơn kháng cáo của 21 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu”.
Trước ngày phiên tòa diễn ra, bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng Chính trị hậu cần, Cục An ninh điều tra, Bộ Công an) bất ngờ ngờ nhận tội và đã khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án với số tiền 18,8 tỷ đồng. Cùng với đó, cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng cũng có đơn xin được xét xử vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm.
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) - cho hay, trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, bị cáo Hưng kêu oan và tranh luận gay gắt với viện kiểm sát và một số bị cáo khác tại phiên tòa để chứng minh mình không phạm tội. Việc bị cáo thay đổi nội dung kháng cáo, thừa nhận hành vi phạm tội là tình tiết mới, bất ngờ trong vụ án này.
Nếu bị cáo có mặt tại phiên tòa phúc thẩm thì tòa án sẽ thuận lợi hơn trong việc làm rõ lý do thay đổi nội dung kháng cáo để xác định nhận thức của bị cáo, thái độ của bị cáo đối với hành vi của mình.
Tuy nhiên, bị cáo Hưng lại xin xét xử vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm, việc xét xử vắng mặt này có thể sẽ không làm rõ được thái độ của bị cáo và lý do bị cáo thay đổi lời khai, một số tình tiết liên quan bị cáo khác cũng có thể gặp trở ngại.
"Chính vì vậy rất có thể mặc dù bị cáo xin xét xử vắng mặt nhưng tòa án vẫn triệu tập bị cáo tham gia phiên tòa để làm rõ hành vi của các bị cáo khác cũng như làm rõ thái độ nhận thức của bị cáo tại giai đoạn phúc thẩm để xem xét có chấp nhận hay không chấp nhận kháng cáo của bị cáo", luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.
Theo quy định của pháp luật, bị cáo cũng có thể vắng mặt tại phiên tòa và tòa án có thể xét xử vắng mặt bị cáo. Việc bị cáo xin xét xử vắng mặt là quyền của bị cáo, tuy nhiên tòa án cấp phúc thẩm có cho phép bị cáo vắng mặt hay không sẽ phụ thuộc vào đánh giá của hội đồng xét xử về tầm quan trọng của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm.
Luật sư Cường cho rằng, đây là vụ án phức tạp, liên quan nhiều bị cáo, nhiều cơ quan tổ chức, hành vi của các bị cáo diễn biến phức tạp, việc đánh giá chứng cứ còn nhiều quan điểm khác nhau.
Thái độ khai báo của một số bị cáo được đánh giá là chưa thành khẩn, cấp phúc thẩm có thêm một số diễn biến mới, bởi vậy hội đồng xét xử cấp phúc thẩm sẽ thận trọng trong việc xem xét đánh giá nội dung kháng cáo của từng bị cáo.
Trường hợp bị cáo thực sự thành khẩn khai báo, thực sự ăn năn hối cải, đã nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật và tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả... thì cơ hội giảm hình phạt cho bị cáo tại cấp phúc thẩm là hoàn toàn có thể xảy ra.
Trước đó, trong suốt quá trình xét xử sơ thẩm, Hưng luôn phủ nhận cáo trạng truy tố bị cáo khi cho rằng mình không nhận khoản tiền đặc biệt lớn từ những bị cáo liên quan đến vụ án.
Kết thúc phiên tòa phúc thẩm, TAND TP Hà Nội khẳng định, dù bị cáo Hưng không nhận tội nhưng có đủ căn cứ xác định, bị cáo Hưng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 800.000 USD (tương đương 18,8 tỷ đồng) và quyết định tuyên phạt bị cáo Hưng tù chung thân theo đúng tội danh bị truy tố.
Sau phiên sơ thẩm, bị cáo Hưng kháng cáo kêu oan khi cho rằng, bị cáo không phạm tội. Nhưng trước ngày phiên tòa phúc thẩm diễn ra, bị cáo Hưng đã bất ngờ nhận tội và đã khắc phục toàn bộ hậu quả với số tiền 18,8 tỷ đồng.