'Luật sưởi ấm' - dự án gây tranh cãi nhất sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, chính phủ Đức muốn điều gì?
Ngày 29/9, Hội đồng liên bang Đức đã thông qua Đạo luật năng lượng cho các tòa nhà (GEG) sửa đổi, còn được gọi là 'luật sưởi ấm', một trong những dự án lớn nhất và gây tranh cãi nhất của liên minh cầm quyền kể từ khi chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhậm chức tới nay.
Luật mới này có mục đích chính là thay đổi để hệ thống sưởi ấm thân thiện với khí hậu hơn khi thay thế dần các hệ thống sưởi bằng dầu và khí đốt.
Với luật mới, chính phủ Đức muốn đảm bảo cho việc bảo vệ khí hậu hiệu quả hơn khi sưởi ấm. Ngoài ra, từ năm 2024, mọi hệ thống sưởi ấm lắp đặt mới phải được vận hành với ít nhất 65% năng lượng xanh.
Trước đó, đạo luật đã được Quốc hội Đức thông qua cách đây 3 tuần.
Luật mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 và được kỳ vọng sẽ bảo vệ khí hậu tốt hơn nhờ các quy định mới liên quan tới hoạt động năng lượng trong các tòa nhà. Đạo luật quy định hệ thống sưởi ấm trong các tòa nhà ở Đức sẽ phải thân thiện hơn với môi trường và thay thế dần các hệ thống sưởi ấm bằng dầu và khí đốt hiện nay.
Luật mới quy định rõ mọi hệ thống sưởi ấm lắp đặt mới sẽ phải được vận hành bằng 65% năng lượng tái tạo. Quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra theo lộ trình và phải tuân thủ các quy định liên quan. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này sẽ được hỗ trợ bằng nguồn ngân sách nhà nước.
Chưa có một dự án nào của liên minh cầm quyền ba đảng lại gây nhiều tranh cãi như đạo luật này. Với dự luật mới, chính phủ Ðức muốn bảo đảm cho mục tiêu bảo vệ khí hậu hiệu quả hơn khi sưởi ấm. Bên cạnh các quy định mới, "Luật sưởi ấm" còn vạch ra kế hoạch thực hiện giai đoạn chuyển tiếp về năng lượng, cũng như các quy định nghiêm ngặt liên quan.
Việc chuyển đổi năng lượng sẽ giúp Ðức tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung khí đốt đang ngày càng khan hiếm, đồng thời thực hiện các cam kết đưa ra về chống biến đổi khí hậu.
Kể từ khi bùng phát cuộc xung đột tại Ukraine gây ra cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt, Ðức đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và đặt mục tiêu muộn nhất vào năm 2045 sẽ đạt trung hòa về khí thải. Cùng với việc nỗ lực phát triển các công nghệ mới tiên tiến và xanh hơn, việc chính phủ thúc đẩy ban hành "Luật sưởi ấm” sẽ hỗ trợ hoàn thành mục tiêu của quốc gia đầu tàu châu Âu về chuyển đổi năng lượng nhanh và bền vững.
Theo thống kê của Bộ Kinh tế Đức, gần một nửa trong số khoảng 41 triệu hộ gia đình ở Đức hiện đang sưởi ấm bằng khí đốt tự nhiên; 25% sưởi ấm bằng dầu; còn lại là dùng hệ thống sưởi vùng (hệ thống từ xa, chiếm 14%), sưởi bằng điện hay bơm nhiệt.
Trước đó, việc sửa đổi đạo luật GEG từng gây tranh luận gay gắt trong liên minh cầm quyền giữa đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP).