Luật Tài nguyên nước là cơ hội 'làm sống lại các dòng sông chết'

Ngày 21-6, tại Hải Phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật.

Quang cảnh hội nghị: Ảnh: Sơn Tùng

Quang cảnh hội nghị: Ảnh: Sơn Tùng

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh, Luật Tài nguyên nước được Quốc hội thông qua ngày 27-11-2023, đánh dấu bước tiến lớn về tư duy và phương thức quản trị tài nguyên nước. Ngày 16-5-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2024/NĐ-CP và Nghị định số 54/2024/NĐ-CP cùng với 3 thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường để quy định chi tiết thi hành luật. Các văn bản này có hiệu lực từ ngày 1-7-2024.

Luật Tài nguyên nước gồm 86 điều, được chia thành 10 chương, tập trung vào bốn nhóm chính sách chính: Bảo đảm an ninh nguồn nước, xã hội hóa ngành nước, kinh tế tài nguyên nước và bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Sơn Tùng

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Sơn Tùng

Luật được xây dựng theo hướng quy định tất cả các nội dung về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra.

Luật cũng quy định rõ quản cái gì, quản như thế nào và ai quản; đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước, tạo nguồn lực trong được chú trọng trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước còn hạn chế; phục hồi, làm "sống lại các dòng sông chết"; nước dưới đất được quản lý hiệu quả, bảo đảm công bằng, hợp lý giữa các tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng nước.

Bên cạnh những điểm nổi bật nêu trên, Luật Tài nguyên nước còn sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng, như: Quy định về việc bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, ngưỡng khai thác nước dưới đất; quy định về phân vùng chức năng nguồn nước; quy định về phòng, chống sạt, lở lòng bờ, bãi sông, hồ; quy định cụ thể về việc lập, công bố danh mục hồ, ao, đầm phá không được san lấp; quy định về khai thác, sử dụng nước,...

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà, một trong những điểm nhấn quan trọng của Luật Tài nguyên nước mà các địa phương quan tâm là việc tổ chức sử dụng nước phải nộp phí cấp quyền khai thác nước. Trước đây, chỉ có nước phục vụ sinh hoạt phải nộp tiền, trong khi nước phục vụ cho nông nghiệp không phải nộp phí. Tuy nhiên, hiện đã có nhiều quy định mới. Theo đó, nước phục vụ cho nông nghiệp và thủy lợi, phí phục vụ, nông dân chưa phải nộp phí cấp quyền khai thác nước, nhưng các tổ chức và cá nhân sử dụng nước cho nông nghiệp công nghệ cao sẽ phải nộp phí.

Phó Cục trưởng Ngô Mạnh Hà trình bày về nội dung chính của các nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước. Ảnh: Sơn Tùng

Phó Cục trưởng Ngô Mạnh Hà trình bày về nội dung chính của các nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước. Ảnh: Sơn Tùng

Ngoài ra, việc phân cấp và ủy quyền cho các địa phương trong cấp quyền sử dụng nước được thực hiện triệt để, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương thực hiện một cách đơn giản và dễ dàng.

Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai thí điểm Dự án làm “sống lại các dòng sông chết”, bắt đầu với hệ thống sông Bắc Hưng Hải. Thành công của mô hình thí điểm này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các địa phương huy động nguồn lực, phương thức triển khai phục hồi các dòng sông đang bị ô nhiễm nặng.

Các đại biểu tham dự hội nghị đã trao đổi, làm rõ những nội dung có thể có cách hiểu khác nhau để Bộ Tài nguyên và Môi trường giải đáp, qua đó thuận lợi cho việc triển khai thi hành luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước...

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/luat-tai-nguyen-nuoc-la-co-hoi-lam-song-lai-cac-dong-song-chet-669906.html