Luật Thủ đô 2024: tạo cơ chế để hiện thực hóa trục cảnh quan sông Hồng
Trong Luật Thủ đô 2024, Hà Nội được trao quyền tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô.
Mở đường cho phát triển không gian công cộng
Điều 17 Luật Thủ đô 2024 về quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô quy định: việc xây dựng và phát triển Thủ đô phải thực hiện theo Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô.

Sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, môi trường sống trong lành, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của TP; bảo đảm quốc phòng, an ninh, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Thủ đô với các địa phương có hoạt động liên kết, phát triển vùng với Thủ đô và cả nước.
Trích dẫn
Trích dẫn 1
"Việc tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống được phân cấp cho Hà Nội chủ động thực hiện sẽ bảo đảm được tính chặt chẽ, tạo điều kiện về mặt thời gian và quy trình để Hà Nội giải quyết được nhu cầu của người dân về không gian văn hóa cộng đồng, về không gian cảnh quan xanh - sạch - đẹp với sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm và phát triển hài hòa ở đô thị hai bên sông, phù hợp với định hướng Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị" - Đại biểu Quốc hội Đào Chí Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ).
Cùng với đó, tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô. Trong đó, cho phép xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều và quy hoạch khác có liên quan để khai thác hiệu quả quỹ đất.
Trên bãi sông được phép tồn tại một số khu vực dân cư hiện hữu và được phép xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp theo quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và quy hoạch khác có liên quan; các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng các công trình dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng nhưng không tôn cao bãi sông, bãi nổi để đảm bảo yêu cầu không làm cản trở dòng chảy.
UBND TP quyết định điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trường trong Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của TP đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
HĐND TP quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trường, điều chỉnh cục bộ quy hoạch quy định tại khoản này.
Đối với khu vực đã có quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng vùng huyện được phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị thì không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện mà căn cứ vào quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng vùng huyện và chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ từ Quy hoạch chung Thủ đô và các chỉ tiêu sử dụng đất của địa phương để lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện.
Trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, sông Hồng là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là không gian văn hóa di sản, du lịch và dịch vụ, kết nối Vùng Thủ đô và Vùng Đồng bằng sông Hồng. Để hiện thực hóa được định hướng lớn này, TP Hà Nội đang tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ công tác quy hoạch khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng, sông Đuống.
Định hướng phát triển hai bên bờ sông Hồng
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, khu vực hai bên bờ sông Hồng đã được chú trọng từ thời phong kiến đến nay. Ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng phát triển Thủ đô đến năm 2030. Tại Nghị quyết này đã xác định sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm phát triển đô thị hài hòa hai bên sông.

Luật Thủ đô 2024 sẽ mở đường cho phát triển không gian công cộng, cây xanh, mặt nước
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, Luật Thủ đô 2012 đã đề cập quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị, đã định hướng bảo tồn, tôn tạo, phát huy hình thái kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử, tạo không gian xanh của Thủ đô, không gian cảnh quan khu vực hai bên bờ sông Hồng. Đến Luật Thủ đô 2024 đã có nhiều quy định đột phá tại Điều 17, Điều 21, Điều 32.
Năm 2022, TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch phân khu sông Hồng, đây là cơ sở pháp lý định hướng cho phát triển TP đến năm 2030. Theo đó, quy hoạch phân khu này tập trung trong 40km sông Hồng ở trung tâm Hà Nội (từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), với phạm vi nghiên cứu 11.000 ha ngoài diện tích mặt nước 3.600ha, đất bãi khoảng 5.000ha, còn lại là đất ở, đất dân dụng, cây xanh, an ninh quốc phòng, làng nghề, hạ tầng kỹ thuật và di tích. Đây là khu vực có quy mô đất lớn, tiềm năng, với diện tích gần gấp 2 lần diện tích khu nội đô lịch sử.
Các khu dân cư trong quy hoạch có đột phá mới, gia tăng khả năng dung nạp tới 300.000 người. Trong đó, cải tạo, chỉnh trang khoảng 215.000 người và nhóm nhà xây dựng mới với 85.000 người, vừa để phát triển dân cư vừa để di dời các khu dân cư có nguy cơ bị sạt lở, ngập lụt và hạ tầng xã hội.
Trong điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô và quy hoạch Thủ đô đã đề cập các vấn đề như: trục không gian cảnh quan trung tâm TP hình thành hệ thống công viên, công trình mang tính biểu tượng, tính thời đại, phục vụ lễ hội, du lịch; ổn định nâng cao cuộc sống người dân hai bên bờ sông; xây dựng an toàn với lũ, chính trị ven sông có kế thừa truyền thống văn hóa, lịch sử,...
Trong quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, cùng với định hướng phát triển có tính đột phá cho từng ngành, lĩnh vực có đề cập đến việc khai thác lợi thế, cảnh quan sông Hồng. Để giải quyết những thách thức trong triển khai, thực hiện, Luật Thủ đô 2024 đã có những chính sách đặc thù liên quan đến khu vực sông Hồng như: UBND TP được phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP; cho phép TP xây dựng các tuyến đê mới, phù hợp với quy hoạch phòng chống lũ. Các khu vực bãi sông, bãi nổi được phép xây dựng các công trình không gian công cộng, nhưng không tôn cao để bảo đảm không cản trở dòng chảy; UBND TP được quyền phê duyệt dự án đầu tư xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi, chính sách đặc thù về huy động nguồn lực về khoa học, công nghệ.
Những chính sách đặc thù nêu trên, nhất là về tài chính, ứng dụng thí điểm khoa học, công nghệ sẽ là động lực để hoàn thiện quy hoạch phân khu sông Hồng, tạo điều kiện triển khai trục trung tâm phát triển Thủ đô, hài hòa không gian xanh sinh thái, văn hóa, lịch sử, dịch vụ du lịch, thể thao giải trí, đô thị hiện đại xứng tầm là biểu tượng mới trong phát triển Thủ đô.
"Để khu vực hai bên sông Hồng là trục trung tâm, Hà Nội không chỉ quan tâm đến không gian giữa 2 đê tả hữu sông mà còn cần được nghiên cứu gắn kết với không gian trung chuyển tiếp giáp để tạo lập "diện mạo" đô thị hiện đại" - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS.KTS Trương Văn Quảng - Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho hay, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng chỉ rõ quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần nghiên cứu xây dựng mô hình TP trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân – Nội Bài.
Cấu trúc đô thị Hà Nội với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội. Nghiên cứu tăng tỉ lệ đất phát triển đô thị, tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống, quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý đô thị, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững.
Luật Thủ đô 2024 đã trở thành công cụ, phương tiện quan trọng để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị. Cùng với Luật Thủ đô 2024, quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065... rất cần có những bước đi cụ thể.
"Trong 3 khâu đột phát cơ chế, chính sách; hạ tầng; nguồn lực, Luật Thủ đô 2024 được coi là khâu đột phá quan trọng về cơ chế, chính sách. Tất cả dường như đã hội tụ đủ cho một Thủ đô phát triển nhanh, bền vững. Với quyết tâm chính trị của toàn hệ thống "chỉ bàn tiến, không bàn lùi", xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến – Văn minh – Hiện đại"; trở thành TP quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, và Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước như lời Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo và khẳng định" - TS.KTS Trương Văn Quảng nhấn mạnh.