Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần cơ chế, chính sách phù hợp với người có tài năng xuất sắc trong bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể

Nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch được các đại biểu Quốc hội đề cập khi thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Các đại biểu đều bày tỏ hy vọng luật sẽ thông qua đúng tiến độ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Hà Nội phát triển lên tầm cao mới, xứng đáng là thủ đô văn hiến, văn hóa và văn minh của đất nước.

Quang cảnh phiên thảo luận

Quang cảnh phiên thảo luận

Chiều 28/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Cần những cơ chế, chính sách phù hợp với người có tài năng xuất sắc trong bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) quan tâm đến phát triển văn hóa được quy định ở khoản 1 Điều 21. Theo đại biểu, việc dự thảo luật xác định yêu cầu xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh tiêu biểu cho văn hóa lương tri và phẩm giá con người Việt Nam là thể chế hóa đúng tinh thần nghị quyết của Đảng và pháp luật Nhà nước.

Tuy nhiên, cần đưa ra những cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp đối với người có tài năng xuất sắc trong bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, vật thể để khuyến khích, tạo điều kiện cho họ hành nghề và truyền nghề hiệu quả, mang lại giá trị cuộc sống thiết thực.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế)

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế)

Tán thành quy định về khu thương mại và văn hóa tại khoản 7 Điều 21, tuy nhiên, đại biểu cho rằng ở đây chỉ mới quy định việc thành lập, tổ chức hoạt động và quản lý đối với thương mại. Theo đại biểu, tại điểm b có nêu về chi cho hoạt động văn hóa, điểm d có nêu về việc đảm bảo các điều kiện về văn hóa, kinh doanh, phát huy giá trị văn hóa.

Trong khi đó, yêu cầu của quy định này là phát triển khu thương mại văn hóa là chuỗi, làm sao phát triển thương mại gắn với văn hóa và cần định hình được văn hóa thương mại trong phát triển. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung, hoàn chỉnh.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cho rằng, Hà Nội không chỉ là trung tâm của các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục mà còn là biểu tượng của sự phát triển đoàn kết và thịnh vượng của đất nước và được ví như trái tim của cả nước.

Góp ý về biểu tượng của Thủ đô quy định tại Điều 6, đại biểu đề nghị bổ sung khoản 2 Điều 6 theo hướng biểu tượng của Thủ đô phải được bảo vệ, tôn tạo và duy trì theo quy định của pháp luật. Quy định này nhằm bảo vệ và duy trì biểu tượng là cần thiết để giữ gìn giá trị văn hóa và lịch sử, đảm bảo biểu tượng không bị xâm phạm hoặc xuống cấp theo thời gian.

Cho ý kiến thảo luận, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) quan tâm đến biện pháp bảo đảm và thực hiện các quy hoạch, Điều 17, 18 trong dự thảo Luật. Theo đại biểu, Hà Nội để lại trong lòng các khách du lịch trên thế giới với nhiều công trình kiến trúc truyền thống và cổ điển. Tuy nhiên, để Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung thì chưa có một công trình kiến trúc đương đại hiện đại nào mang tầm vóc quốc tế.

"Đi một số nước, chúng tôi thấy có rất nhiều điểm nhấn. Ví dụ về văn hóa, thư viện, bảo tàng quốc gia, nhà hát lớn sẽ tạo ra những điểm nhấn, những không gian rất lớn, để lại dấu ấn trở thành những điểm nhấn trong thủ đô đó" - dẫn câu chuyện này, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị Luật Thủ đô (sửa đổi) phải quy định cụ thể, rõ ràng để làm sao mang tính chiến lược quy hoạch, ưu tiên đầu tư, quỹ đất, về vốn, chính sách, v.v.. Thậm chí thu hút được các kiến trúc sư tầm cỡ quốc tế để giúp cho Hà Nội có những quy hoạch, có những công trình mang điểm nhấn, dấu ấn nổi tiếng của khu vực và toàn cầu.

Làm rõ hơn căn cứ để xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng

Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) quan tâm đến Điều 21 khoản 6 cho phép xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi bồi, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí địa lý, không gian văn hóa phù hợp quy hoạch. Đại biểu đề nghị Hà Nội cân nhắc đối với bãi sông, bãi bồi và bãi nổi sông Hồng bởi khi có việc ảnh hưởng tới dòng chảy thì khó giải tỏa được, mặc dù nằm trong quy hoạch.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp)

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp)

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đề nghị làm rõ hơn các căn cứ để chỉ định cụ thể tại khoản 6 Điều 21 việc thành phố Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng.

Phát biểu thêm về lĩnh vực văn hóa, đại biểu Nguyễn Hải Anh cũng đề nghị làm rõ hơn quy định về khu phát triển thương mại và văn hóa quy định tại khoản 7, Điều 21. Theo dự thảo luật, khu phát triển thương mại và văn hóa là tổ chức được thành lập, tổ chức hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản.

Tuy nhiên, trong dự thảo luật lại giao quyền cho khu phát triển thương mại văn hóa được thành lập hội đồng quản lý nhằm quản lý, điều hành hoạt động của khu. Hơn nữa, còn được quyết định các khoản thu để thực hiện nhiều nội dung chi trả như nêu trong dự thảo luật.

Đại biểu đề nghị cần làm rõ quy định này bởi việc quy định các khoản thu, danh mục, nguyên tắc căn cứ xác định mức thu, việc miễn giảm, việc thu nộp, quản lý và sử dụng các khoản thu trên địa bàn thành phố thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân Thành phố.

Đồng thời, đề nghị quy định rõ hơn phạm vi và đối tượng áp dụng các khoản thu này cho phù hợp và khuyến khích sự phát triển. Cơ quan soạn thảo cũng cần rà soát kỹ các nội dung chi đảm bảo đúng mục đích.

Vị đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng đề nghị bổ sung quy định trong trường hợp khu phát triển thương mại và văn hóa có phạm vi trải rộng trên địa bàn của 2 hoặc 3 xã, phường hoặc có thể trải rộng ở nhiều xã giáp ranh giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận./.

Thế Công - Xuân Trường

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/luat-thu-do-sua-doi-can-co-che-chinh-sach-phu-hop-voi-nguoi-co-tai-nang-xuat-sac-trong-bao-ve-va-phat-huy-cac-gia-tri-van-hoa-vat-the-phi-vat-the-20240528221020224.htm