Luật Thủ đô sửa đổi sắp thông qua được kỳ vọng mở ra 'kỷ nguyên mới' cho Hà Nội
Bên lề nghị trường, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ kỳ vọng Hà Nội sẽ sớm bước sang 'kỷ nguyên mới' sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV này.
Trong đợt 2 của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dự kiến Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được thông qua vào ngày 27/6. Đây là dự án Luật đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô nói riêng cũng như sự phát triển chung của cả nước.
Dự án luật này được đánh giá là khó khi vừa mang tính đặc thù, vừa mang tính đa ngành, có nhiều nội dung quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, khác với quy định pháp luật chung hiện hành; được xây dựng nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện để xây dựng, phát triển Thủ đô thật sự xứng tầm “trái tim” của cả nước...
Bên lề nghị trường, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ kỳ vọng Thủ đô Hà Nội sẽ sớm bước sang “kỷ nguyên mới” sau khi Luật sửa đổi được thông qua.
Nên có quy định thu nhập tăng thêm linh hoạt hơn
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) kỳ này, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho biết nên có quy định về thu nhập tăng thêm cho cán bộ, viên chức Thủ đô nhưng không phải quy định một cách áp đặt.
“Thậm chí, có nhiều đại biểu băn khoăn khi chúng ta đã đưa ra Nghị quyết 27 về cơ chế tiền lương mới không thực hiện các cơ chế phụ cấp đặc thù thì Hà Nội sẽ phải dùng cơ chế nào để vẫn có thể trả tiền lương cho công chức, viên chức Thủ đô ở mức thỏa đáng so với đóng góp của họ,” ông nói.
Bởi theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trong quy định về biên chế công chức, viên chức chung của quốc gia, hiện nay Hà Nội đang có tỷ lệ biên chế thấp nhất. Nếu so với quỹ chung thì Hà Nội mới sử dụng 1/2 cơ số biên chế. Điều đó có nghĩa mỗi cán bộ công chức, viên chức phải làm việc với cường độ, công suất lớn hơn so với các địa phương khác.
“Vậy thì cơ chế trả lương cho cán bộ công chức, viên chức đang phải làm việc với cường độ cao như thế là phải dựa vào tổng quỹ lương. Nếu sử dụng hết biên chế theo các địa phương thì tổng quỹ lương sẽ tăng lên. Phần chênh lệch giữa tổng quỹ lương đáng ra phải trả nếu sử dụng hết biên chế với quỹ lương chỉ trả cho số cán bộ hiện có tôi cho rằng đó chính là phần có thể xem xét để trả lương tăng thêm cho cán bộ, công chức,” ông Cường nêu quan điểm.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng đây là cơ chế khuyến khích để tăng năng suất lao động, khuyến khích sử dụng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cao, qua đó nâng cao được vai trò, trách nhiệm của họ để họ làm việc với cường độ, công suất, thái độ phục vụ tốt nhất, xứng đáng với hiệu quả công việc.
Kỳ vọng vào “kỷ nguyên mới”
Đánh giá về ý nghĩa của dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được thông qua và sớm đi vào cuộc sống, đại biểu Trương Xuân Cừ, Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội cho rằng đây sẽ là cơ sở pháp lý cho Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.
“Chúng ta đều biết Thủ đô là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, là duy nhất. Xét về mặt hành chính, Thủ đô mang tính chất đặc thù đồng thời cũng mang tính chất đặc biệt. Vì Thủ đô không phải riêng của Hà Nội dự án Luật sửa đổi lần này sẽ tạo đột phá để Hà Nội phát triển nhanh, cũng như tạo động lực phát triển cho cả nước,” đại biểu nói.
Theo đại biểu Trương Xuân Cừ, để đạt được mục tiêu này thì “các chính sách phải mang tính chất đột phá, đặc thù, khi đó Thủ đô phát triển sẽ không gặp phải rào cản về thủ tục hành chính. Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa giúp đảm bảo Hà Nội phát triển đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn mang tính chất đặc thù riêng.”
Đại biểu nhận định dự án Luật đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, các đại biểu Quốc hội đã tham gia đóng góp ý kiến rất trách nhiệm. “Tôi hy vọng sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, khi đó cơ hội để Thủ đô phát triển nhanh, bền vững là rất khả thi,” ông Cừ bày tỏ.
Bên lề nghị trường, một số đại biểu cũng cho rằng mặc dù Luật Thủ đô đã có trước đó nhưng vẫn ở một tầm, cấp khác. Tới đây, khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ tạo ra một kỷ nguyên mới cho Thủ đô của đất nước có trên 100 triệu dân.
Các đại biểu nhận định dự án Luật sửa đổi lần này có rất nhiều đột phá ở các khía cạnh khác nhau về quy mô, nội dung, đầu tư, chính sách thu hút nhằm nâng cấp, phát triển Hà Nội… Bên cạnh đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) còn mang tính lan tỏa cho cả vùng xung quanh thủ đô./.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 07 chương và 54 điều (giảm 05 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6), trong đó đã tiếp thu, chỉnh lý toàn bộ 54 điều, bỏ 07 điều, bổ sung mới 02 điều (bổ sung Điều 14 về phân cấp, ủy quyền; Điều 36 về đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước).
Nếu Luật Thủ đô hiện hành chủ yếu mang tính chất khung, thì dự thảo Luật sửa đổi lần này đã đi vào những nội hàm cụ thể liên quan đến phân cấp, phân quyền.