Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ thúc đẩy sự phát triển của Hà Nội

Hiện, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được trình Quốc hội lần hai và đã nhận được nhiều kỳ vọng không chỉ trong hệ thống chính trị mà với Nhân dân Thủ đô và cả nước; mong muốn Luật sớm được ban hành, góp phần khơi thông các nguồn lực của Thủ đô, tạo sự lan tỏa, động lực dẫn dắt cho Vùng Thủ đô và cả nước.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh, Đoàn đại biểu Quốc hội Bắc Giang

Đại biểu Phạm Văn Thịnh, Đoàn đại biểu Quốc hội Bắc Giang

Triển khai nhiều hoạt động trong quá trình xây dựng Luật

Để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị; khắc phục những tồn tại, hạn chế cũng như tạo cơ sở pháp lý vững chắc để quy định và thực hiện các cơ chế vượt trội, đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là rất cần thiết, Bộ Tư pháp và UBND TP Hà Nội đã phối hợp để triển khai các hoạt động như: thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập; xây dựng Đề cương chi tiết dự thảo Luật; tổ chức các phiên họp để cho ý kiến về một số định hướng lớn xây dựng dự án Luật; tổ chức rà soát các quy định của Đảng, Nhà nước, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các chính sách đặc thù của Thủ đô; nghiên cứu, khảo sát Khu công nghệ cao Hòa Lạc; nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài...

Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức các cuộc họp với đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ; các sở, ngành của Hà Nội và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp để góp ý trực tiếp vào từng nội dung/quy định cụ thể của dự thảo Luật. Tổ chức các hội thảo tham vấn các nhà đầu tư, DN về các quy định, biện pháp thu hút đầu tư trong lĩnh vực văn hóa - thể thao, giáo dục đào tạo, y tế; bảo vệ, phát triển văn hóa của Thủ đô; cơ chế khai thác hiệu quả tài sản công; Hội thảo về Phân cấp, phân quyền trong đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)…

Ngoài ra, Ban soạn thảo còn tổ chức các cuộc làm việc tại một số bộ như: Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… để làm rõ một số nội dung tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có liên quan tới chức năng quản lý Nhà nước của từng ngành.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Kỳ vọng của các đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật

Đại biểu Phạm Văn Thịnh, Đoàn đại biểu Quốc hội Bắc Giang: Luật Thủ đô ban hành từ năm 2012, đã tạo động lực phát triển Thủ đô trong hơn 10 năm qua về nguồn lực, cơ chế liên quan xây dựng, quy hoạch hạ tầng, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ... Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển hiện nay, đang bộc lộ những hạn chế về cơ chế chính sách, thẩm quyền triển khai các vấn đề lớn của Thủ đô. Hiện tại, các vấn đề về hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu đi lại, mạng lưới giao thông, đường sắt, môi trường, văn hóa xã hội, khoa học công nghệ cần phát triển để xứng tầm với Thủ đô nghìn năm “Văn hiến- Văn minh-Hiện đại. Do đó, cần có dự thảo Luật mới, với cơ chế chính sách mạnh hơn, khắc phục những bất cập nảy sinh, giúp Thủ đô có cơ chế chính sách đột phá hiện thực được mục tiêu đề ra.

Luật Thủ đô (sửa đổi) nêu các chính sách đề ra bám sát với thực tế và xuất phát từ vướng mắc trong thực tiễn. Nếu thực hiện được triệt để cơ chế chính sách mới đề ra trong dự thảo Luật lần này, Thủ đô sẽ phát triển đột phá toàn diện.

Đại biểu Trần Chí Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng

Đại biểu Trần Chí Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng

Đại biểu Trần Chí Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng: TP Hà Nội có vị trí, vai trò là Thủ đô của cả nước, khối lượng công việc về quản lý đầu tư phát triển rất lớn, phức tạp, yêu cầu ngày càng cao. Ngoài việc đảo đảm nhiệm vụ của một địa phương cấp tỉnh thì Hà Nội còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ chính trị, đặc biệt yêu cầu cao hơn về đô thị, môi trường, trật tự an toàn xã hội, văn hóa, đối ngoại với vai trò là Thủ đô của đất nước. Do đó, quy định việc giao quyền chủ động cho TP trong quyết định chịu trách nhiệm bảo đảm điều kiện thực hiện trong việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc chính quyền TP và cấp huyện để có được tổ chức bộ máy linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn là rất cần thiết.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội: Quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) cho thấy sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ với tinh thần “cả nước vì Hà Nội, cùng Hà Nội”. Đồng thời, các đại biểu Quốc hội đều mong muốn gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của mình, cũng như của Nhân dân cả nước vào những cơ chế cho Thủ đô phát triển, chứ không phải chỉ dành riêng cho Hà Nội. Xây dựng Luật Thủ đô phải tạo ra khả năng để thu hút được những điều kiện, những tinh túy của cả nước về Thủ đô, để tạo ra hình ảnh đại diện cho cả nước. Dự thảo Luật cơ bản đã hoàn thiện tốt. Đặc biệt là tinh thần phân cấp, trao quyền và trao trách nhiệm cho Hà Nội, phải thực hiện các sứ mệnh để tạo ra bước phát triển vượt trội, bứt phá vượt trội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội: Dự thảo Luật đã thể hiện những chính sách tạo cơ sở để chính quyền TP tiếp tục đề xuất và hoàn thiện hệ thống các giải pháp, biện pháp trong lĩnh vực quản lý Nhà nước nói chung cũng như tập trung vào giải pháp về huy động nguồn lực, đầu tư, quy hoạch, các chính sách phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, các lĩnh vực về an sinh xã hội... và đặc biệt có giải pháp mạnh mẽ giúp TP có thể khắc phục các bất cập hiện nay về cảnh quan, kiến thiết đô thị, giao thông, ô nhiễm môi trường…

Mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền TP sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể, thực hiện các chính sách “mở đường” trong Luật Thủ đô.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo đầy đủ giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gửi các vị đại biểu Quốc hội. Trong đó, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chỉ quy định những cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP Hà Nội nhưng đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chính quyền TP trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô.

Nhật Nam - Phương Nguyễn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/luat-thu-do-sua-doi-se-thuc-day-su-phat-trien-cua-ha-noi-384950.html