Luật Thủ đô tạo cơ chế để Hà Nội triển khai hiệu quả sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Theo PGS.TS Bùi Thị An, Luật Thủ đô (sửa đổi) được triển khai, tức là Hà Nội đã được trao thêm 'cờ' vào tay rồi, đây là điều kiện quan trọng để Hà Nội thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đạt hiệu quả cao theo chỉ đạo, định hướng của T.Ư.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội cho rằng, với Thủ đô Hà Nội, thực hiện cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong hệ thống tổ chức chính trị theo các định hướng của T.Ư là một vấn đề không hề dễ dàng, đòi hỏi giải pháp đồng bộ, quyết tâm rất cao.

Những định hướng, yêu cầu về thực hiện cuộc cách mạng trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã được Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra có ý nghĩa rất quan trọng trong thời điểm hiện nay, qua thực tế, bà nhận định về vấn đề này thế nào?

PGS. TS Bùi Thị An: Trong thời gian qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu khẩn trương thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, đặc biệt áp dụng trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cần thiết, khi chúng ta xác định đất nước đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tôi cho rằng nếu làm được, sẽ rất tốt, nhưng phải bảo đảm được mục tiêu vừa tinh, gọn vừa phải hiệu lực, hiệu lực. Trước đây, chúng ta cũng đã đặt ra yêu cầu “tinh” và “gọn” nhưng chưa đề cao yêu cầu “hiệu lực, hiệu quả”, nhưng trong bối cảnh hiện nay, “tinh, gọn” và “hiệu lực, hiệu quả” là hai yếu tố không thể tách rời.

PGS. TS Bùi Thị An

PGS. TS Bùi Thị An

Đặt ra mục tiêu bộ máy vừa tinh, gọn vừa hiệu lực, hiệu quả tức phải giảm đúng người, không còn là giảm cơ học nữa. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp.

Yếu tố quyết định nhất đối với bộ máy vẫn luôn là con người, nên việc chọn ai, giữ ai ở lại là quan trọng nhất. Công tác cán bộ làm sao chọn được, giữ được và bổ nhiệm được đúng người - giải quyết được vấn đề đó là rất khó, nên muốn làm được thì phải thật quyết liệt.

Riêng với Thủ đô Hà Nội, bà cho rằng việc thực hiện cuộc cách mạng này có những yêu cầu đặt ra thế nào?

PGS. TS Bùi Thị An: Với Thủ đô Hà Nội, thực hiện cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị, ngoài những thuận lợi, khó khăn chung như các tỉnh, thành trong cả nước, còn có những vấn đề đặc thù riêng, khi Hà Nội là đơn vị hành chính lớn, đặc biệt, yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ cán bộ công chức cũng phải cao hơn. Do đó, việc sắp xếp tổ chức bộ máy sao cho hợp lý, giải quyết được tất cả các yếu tố và đúng mục tiêu T.Ư đã đã ra "tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế nhưng bộ máy phải hiệu lực, hiệu quả', đó là một vấn đề không hề dễ dàng, đòi hỏi sự quyết tâm rất cao.

Theo PGS. TS Bùi Thị An, thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, yêu cầu tinh gọn bộ máy đối với Hà Nội nghiên cứu kỹ để cán bộ được trao trách nhiệm quản lý xã, phường mới nhận thức rõ đơn vị mình phụ trách sẽ có quy mô, tính chất phức tạp hơn

Theo PGS. TS Bùi Thị An, thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, yêu cầu tinh gọn bộ máy đối với Hà Nội nghiên cứu kỹ để cán bộ được trao trách nhiệm quản lý xã, phường mới nhận thức rõ đơn vị mình phụ trách sẽ có quy mô, tính chất phức tạp hơn

Hà Nội hiện đang là một địa phương đi đầu trong cả nước về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đây là tiền đề rất quan trọng để TP tiếp tục lộ trình theo đúng tinh thần chỉ đạo của T.Ư, để tinh giản, thu gọn bộ máy nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu, đó là bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay; không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân...

Theo tôi, thời điểm này, Luật Thủ đô năm 2024 đã được ban hành và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới, tức là Thủ đô đã được trao thêm “cờ” vào tay, đây là điều kiện thuận lợi để Hà Nội tiếp tục thực hiện được tốt nhất yêu cầu về sắp xếp, tinh gọn bộ máy như yêu cầu T.Ư đặt ra.

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 1286/NQ-UBTVQH15 ngày 14/11/2024 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của TP Hà Nội giai đoạn 2023-2025, theo đó sẽ thực hiện ngay từ 1/1/2025. Điều này đòi hỏi TP phải lưu ý những vấn đề ra sao trong thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, thưa bà?

PGS. TS Bùi Thị An: Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Hà Nội đã triển khai và các đơn vị đang tiến hành theo lộ trình. Theo tôi, vấn đề cần quan tâm là cán bộ được trao trách nhiệm quản lý đơn vị hành chính xã, phường mới phải nhận thức được rõ đơn vị mình sẽ phụ trách sẽ có quy mô lớn, tính chất phức tạp hơn, trong khi đội ngũ ngày càng phải tinh gọn đi. Thấy được thực trạng, yêu cầu cao hơn như vậy, sẽ thấy được trách nhiệm đặt ra khi nhận nhiệm vụ mới.

Công tác sắp xếp bộ máy lần này đúng là có lộ trình, yêu cầu, tiến độ cụ thể, rõ ràng, song muốn bộ máy có hiệu lực hiệu quả, tôi nghĩ, trước hết nên đặt hết những khó khăn lên “trên bàn” với những người sẽ được trao trách nhiệm quản lý. Trước khi quyết định nhận nhiệm vụ, người đó cần hiểu hết thực trạng, lường hết được thách thức sẽ phải đối mặt khi thực hiện tinh gọn bộ máy rồi, xem có đảm đương được chức trách được giao không, thì hãy nhận nhiệm vụ.

Xin cảm ơn bà!

Linh Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/luat-thu-do-tao-co-che-de-ha-noi-trien-khai-hieu-qua-sap-xep-tinh-gon-bo-may.html