Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 13/02, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Tây Ninh, Long An, Sơn La (Tổ 11) đã thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
![Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ số 11 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, Tây Ninh, Long An và Sơn La](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_440_51469060/af0d39aa08e4e1bab8f5.jpg)
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ số 11 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, Tây Ninh, Long An và Sơn La
Tham gia đóng góp đối với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện dự án luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương tại Kết luận số 121-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kết luận số 50-KL/TW, ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và nhiệm vụ tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Đóng góp vào các nội dung cụ thể của dự thảo luật, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho rằng tại điểm b, khoản 1, Điều 19 dự thảo Luật quy định HĐND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn quyết định chính sách để phát triển KT-XH, các ngành, lĩnh vực và an sinh xã hội trên địa bàn bảo đảm phù hợp với các quy định của cơ quan nhà nước cấp trên. Tuy nhiên, theo đại biểu Dung, việc ban hành các chính sách để phát triển KT-XH là nhiệm vụ khó, chưa bảo đảm tính khả thi, điều kiện về nguồn lực do HĐND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa chủ động được các nguồn lực, kinh phí, vẫn còn phụ thuộc vào ngân sách do tỉnh phân bổ.
Đồng thời, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, HĐND cấp huyện chỉ có thẩm quyền ban hành nghị quyết để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao hoặc để thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Do đó, đề nghị điều chỉnh quy định sao cho phù hợp.
![Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh - Lê Thị Song An phát biểu tại kỳ họp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_440_51469060/161688b1b9ff50a109ee.jpg)
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh - Lê Thị Song An phát biểu tại kỳ họp
Ngoài ra, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cũng đề nghị, xem xét lại quy định thẩm quyền của HĐND trong việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch UBND cùng cấp tại Điều 16 và Điều 19 dự thảo luật, vì thực tế thời gian qua chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào của UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp bị HĐND cùng cấp bãi bỏ và thẩm quyền theo quy định của pháp luật hiện hành được thực hiện khá tốt. Từ đó, đại biểu cho rằng nên bỏ hình thức thu hồi văn bản vì không phù hợp với các hình thức xử lý văn bản theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, đại biểu Lê Thị Song An - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, cho rằng, việc ban hành Nghị quyết là rất cần thiết, nhằm thể chế hóa đầy đủ, toàn diện chủ trương quan trọng của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Kết luận số 121-KL/TW của Hội nghị Trung ương khóa XIII, tháng 01/2025 và các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội.
![Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, phát biểu tại phiên thảo luận](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_440_51469060/5ba7fd00cc4e25107c5f.jpg)
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, phát biểu tại phiên thảo luận
Tuy nhiên, đại biểu Lê Thị Song An cho rằng, trật tự, vị trí của các điều trong nghị quyết chưa thực sự hợp lý, cần sắp xếp lại cho đúng về vị trí, tên gọi của Nghị quyết. Bên cạnh đó, Điều 11 về rà soát văn bản, không nên đứng riêng, cần nghiên cứu “gom” vào cùng với điều tổ chức thực hiện. Một số nội hàm trong các điều cũng chưa hợp lý, chưa đầy đủ; chủ thể cũng chưa thể hiện rõ ràng tại các Điều 10, 11, 13, đại biểu Song An đề nghị cần quy định rõ để tạo thuận lợi cho quá trình thực thi khi được Quốc hội thông qua./.