Lực đẩy để phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô
Để đạt được tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh, Hà Nội cần phát huy tối đa các tiềm năng sẵn có. Việc thành lập Trung tâm công nghiệp văn hóa và các khu phát triển thương mại-văn hóa góp phần tạo lực đẩy quan trọng để Thủ đô vừa phát triển kinh tế vừa giữ gìn bản sắc văn hóa.
Chiến lược phát triển dựa trên bản sắc văn hóa
Luật Thủ đô (sửa đổi) có các nội dung thúc đẩy phát triển văn hóa, khơi dậy khát vọng “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”; khai thác hiệu quả lợi thế chính trị, kinh tế, điều kiện tự nhiên và nguồn lực phát triển; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Thăng Long-Hà Nội. Luật Thủ đô cũng cho phép Hà Nội phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa (CNVH) tại các bãi giữa, bãi nổi sông Hồng; chú trọng 5 loại hình không gian, trong đó có: Không gian văn hóa – sáng tạo (mở rộng không gian di tích lịch sử, không gian sáng tạo theo định hướng thành phố sáng tạo của UNESCO); không gian công cộng (đặc biệt là không gian xanh, bảo vệ không gian sông hồ, cảnh quan mặt nước).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, hiện Hà Nội đang lấy ý kiến cho các dự thảo xây dựng CNVH và khu phát triển thương mại-văn hóa để triển khai Luật Thủ đô (2024). Theo kế hoạch, tại kỳ họp thứ 4 của HĐND TP, thành phố sẽ xem xét ban hành 2 nghị quyết này để tạo động lực phát triển Thủ đô trên nền tảng lấy văn hóa làm động lực phát triển kinh tế-xã hội. Để đạt được tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh, Hà Nội cần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế văn hóa trên tinh thần giữ gìn bản sắc và đổi mới sáng tạo. “Hy vọng Hà Nội sẽ có nhiều trung tâm CNVH để thu hút các tầng lớp, nhất là giới trẻ, tham gia vào các hoạt động sáng tạo ở nhiều lĩnh vực…”, ông Lê Hồng Sơn chia sẻ.

Không gian văn hóa tại phố đi bộ Phùng Hưng được nhiều du khách yêu thích. Ảnh Lê Khánh
Phát biểu tại Hội thảo “Giải pháp tổ chức và hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hóa và khu phát triển thương mại và văn hóa” diễn ra ngày 18/4, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh cũng khẳng định, phát triển trung tâm CNVH là bước đi quan trọng trong việc xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm văn hóa sáng tạo của cả nước và khu vực. Trong khi đó, khu vực phát triển thương mại và văn hóa là một chiến lược quan trọng để kết nối phát triển kinh tế và văn hóa, tạo ra không gian sáng tạo, tăng cường giao lưu văn hóa, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế đô thị bền vững.
Theo ông Lê Ngọc Anh, với bề dày lịch sử và nền tảng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, nơi hội tụ, kết tinh, tỏa sáng, nơi nuôi dưỡng, thúc đẩy sự sáng tạo văn hóa. TP Hà Nội có tiềm năng lớn cho phát triển các ngành CNVH, nơi tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa chất lượng để vừa phát triển kinh tế vừa gìn giữ bản sắc văn hóa, đồng thời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của công chúng.
Nhiều chính sách ưu đãi
Theo dự thảo Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm CNVH (thực hiện khoản 7, Điều 21 Luật Thủ đô), lĩnh vực hoạt động của trung tâm CNVH bao gồm: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa. Một trong những điểm nhấn quan trọng trong dự thảo Nghị quyết là các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để phát triển CNVH. Cụ thể, TP. Hà Nội ưu tiên lập quy hoạch và bố trí quỹ đất; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng CNVH; huy động nguồn lực thực hiện các dự án phát triển CNVH để giao hoặc cho trung tâm CNVH thuê; ưu tiên xem xét chuyển đổi công năng của công trình tài sản công thành các không gian sáng tạo văn hóa mới để phát triển trung tâm CNVH; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong trung tâm CNVH được hưởng chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư mới vào các ngành CNVH; miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành CNVH…
Theo ông Lê Ngọc Anh, thời gian qua, TP Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển văn hóa nói chung, phát triển CNVH nói riêng, đây là bước đi quan trọng để phát triển CNVH. Ông Lê Ngọc Anh cũng khuyến nghị, khi xây dựng các mô hình trung tâm CNVH và các khu thương mại và văn hóa cần được quy hoạch hợp lý ở những khu vực có lợi thế về hạ tầng, điều kiện văn hóa-xã hội, đặc biệt phải có diện tích đủ lớn vì trung tâm này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các yếu tố văn hóa truyền thống và hiện đại, giúp thúc đẩy sáng tạo trong các ngành CNVH, tạo ra các sản phẩm văn hóa có giá trị.

Biểu diễn các tiết mục nghệ thuật đường phố trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024. Ảnh: T.Q
TS. Bùi Thị Kim Chi-Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cũng nhận định, với tầm nhìn chiến lược về sự phát triển kinh tế-xã hội, Hà Nội đã nhanh chóng thống nhất quan điểm, đường lối, chính sách phát triển CNVH giúp Hà Nội đón bắt được những thời cơ về tiềm năng thị trường, văn hóa dân tộc, khoa học công nghệ, kinh nghiệm phát triển CNVH của các nước trên thế giới...để phát triển các ngành CNVH. Cùng với đó TS. Bùi Kim Chi cũng lưu ý tới vấn đề tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực phát triển CNVH.
Liên quan đến chính sách ưu đãi, bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề truyền thống Hà Nội cho biết, nhà nước cần tạo ra cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo mặt bằng sạch, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, cùng tháo gỡ những rào cản, nút thắt để cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp yên tâm, tự tin đóng góp nguồn lực đầu tư các công trình phục vụ CNVH.
Cần có chính sách hỗ trợ như miễn thuế trong 8 năm đầu, giảm 50% thuế trong 5 năm tiếp theo…Đây sẽ là những “bệ đỡ, cú hích” quan trọng khích lệ cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp tham gia mô hình CNVH, thực hiện được mục tiêu thu hút, phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống, góp phần cải thiện đời sống của người dân.