Lực lượng đối lập ở Myanmar nổi dậy
Ngày 7/9, chính phủ bóng tối, tức lực lượng đối lập ở Myanmar, kêu gọi tiến hành cuộc 'chiến tranh tự vệ của nhân dân' chống lại chính quyền quân sự, hiệu triệu người dân trên cả nước nổi dậy.
Người biểu tình giương khẩu hiệu ủng hộ NUG, phản đối đảo chính quân sự Ảnh: Getty
Kêu gọi dân sự hóa
Trong thông điệp bằng video được đưa lên mạng, Chính quyền Thống nhất Quốc gia (NUG) khuyến cáo các công chức không đến văn phòng, thúc giục người dân tránh đi lại không cần thiết và dự trữ thuốc men cũng như đồ dùng thiết yếu.
“Với trách nhiệm bảo vệ mạng sống và tài sản của người dân, Chính quyền Thống nhất Quốc gia phát động cuộc chiến tự vệ nhân dân chống lại chính quyền quân sự”, ông Duwa Lashi La, Chủ tịch NUG, nêu rõ. Người đứng đầu NUG kêu gọi các nhóm kháng chiến đứng lên chống lại chính quyền quân sự ở địa phương của họ, đồng thời thúc giục các tổ chức vũ trang của người dân tộc thiểu số “ngay lập tức tấn công” quân đội thông qua nhiều hình thức khác nhau. “Tôi tin rằng các quốc gia láng giềng, ASEAN, Mỹ và các quốc gia khắp thế giới sẽ hiểu điều chúng ta làm là cần thiết”, ông nói. Trong một tuyên bố khác, NUG tuyên bố tình trạng khẩn cấp và tình trạng này chỉ kết thúc khi chính phủ dân sự khôi phục quyền lực.
Quân đội Myanmar lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi ngày 1/2/2021, gây ra làn sóng phản đối của những người ủng hộ dân chủ. Hàng trăm người đã thiệt mạng khi lực lượng an ninh cố gắng dập tắt các cuộc biểu tình. Những đại biểu dân cử, những người đáng ra nhậm chức vào ngày 1/2, đã tập hợp lại, từ đó bầu lên NUG.
NUG bao gồm các nghị sĩ bị phế truất sau cuộc đảo chính ngày 1/2, các nhà hoạt động xã hội dân sự, trí thức và đại diện các nhóm sắc tộc. Tổ chức này hoạt động bí mật hoặc thông qua các thành viên ở nước ngoài. NUG và quân đội Myanmar đều gọi nhau là khủng bố. “Vì đây là cuộc cách mạng của nhân dân nên tất cả công dân trên toàn Myanmar nổi dậy chống lại sự cai trị của những kẻ khủng bố ở mọi ngõ ngách của đất nước”, ông Duwa Lashi La nói.
Ông Min Aung Hlaing là Tổng tư lệnh quân đội Myanmar khi cuộc đảo chính diễn ra, lật đổ chính phủ dân cử do đảng Liên minh dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đứng đầu. Tháng trước, vị thống tướng này trở thành thủ tướng tạm quyền Myanmar, lập ra chính phủ mới và cam kết sẽ tổ chức các cuộc bầu cử vào năm 2023.
Nhiều nhóm nổi dậy được thành lập ở địa phương để bảo vệ làng xã và tiến hành các cuộc tấn công kiểu du kích nhằm vào quân đội. Hàng ngàn người dân phải rời bỏ nhà cửa vì những cuộc giao tranh giữa binh lính và các nhóm dân quân, nhất là ở các vùng dân tộc thiểu số. Trong bài phát biểu, ông Duwa Lashi La cũng kêu gọi cảnh sát, binh lính và nhân viên làm việc cho chính phủ quân sự tham gia cuộc nổi dậy.
Phát ngôn viên quân đội Myanmar Zaw Min Tun nói rằng NUG đang cố gây bất ổn đất nước, làm gián đoạn chương trình tiêm chủng vắc-xin COVID-19. “Họ đang cố thu hút sự chú ý của quốc tế một lần nữa”, kênh truyền hình Myawaddy dẫn lời ông Zaw Min Tun.
Nerdah Bo Mya, thủ lĩnh Tổ chức phòng vệ quốc gia của người dân tộc thiểu số Karen, tuyên bố ủng hộ NUG. “Tất cả các nhóm vũ trang thiểu số nên phối hợp với nhau để chiến đấu”, ông Bo Mya nói với CNN.
Chưa rõ lời kêu gọi của NUG hôm 7/9 có dẫn đến các cuộc xung đột vũ trang lớn hay không. Hiện có hơn 170 nhóm vũ trang bán tự trị địa phương đang thực hiện các hoạt động tấn công du kích nhằm vào quân đội và cảnh sát Myanmar.
Gây chú ý
Lời hiệu triệu dẫn đến tình trạng người dân Myanmar đổ xô đi mua gạo, dầu ăn, thực phẩm khô, thuốc và xăng dầu để dự trữ.
Tuyên bố của NUG được đưa ra chỉ 1 tuần trước khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) họp tại New York, nơi người của lực lượng này đang cạnh tranh với quân đội để được công nhận là đại diện hợp pháp của Myanmar.
“NUG hy vọng đợt huy động này sẽ thể hiện rằng chính quyền quân sự không kiểm soát hiệu quả Myanmar, từ đó làm giảm cơ hội có ghế đại diện ở LHQ. Phong trào nổi dậy vũ trang để phản đối đảo chính đã diễn ra căng thẳng trong một thời gian, và NUG đang nỗ lực tạo dấu ấn và thúc đẩy hơn nữa nỗ lực đó”, ông Richard Horsey, cố vấn cấp cao về Myanmar của Nhóm khủng hoảng quốc tế (tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách tại Bỉ) đánh giá.
Các chính phủ phương Tây, trong đó có Mỹ, Anh và EU, đều đã có biện pháp trừng phạt chính quyền quân sự Myanmar, còn ASEAN cử đặc phái viên đến quốc gia này để dàn xếp đối thoại.
ASEAN đang cung cấp viện trợ nhân đạo cho Myanmar sau khi bổ nhiệm thứ trưởng ngoại giao Brunei Erywan Yusof làm đặc phái viên đến Myanmar để dàn xếp đối thoại. Cuối tuần qua, ông Yusof nêu đề xuất ngừng bắn 4 tháng để bảo đảm các nhân viên cứu trợ phân phát hàng nhân đạo an toàn. Ông cho biết chính quyền quân sự không phản đối kế hoạch này, và ông cũng đang liên lạc gián tiếp với các bên khác.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/luc-luong-doi-lap-o-myanmar-noi-day-post1374189.tpo