Lực lượng vũ trang Hà Nam trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945
Những ngày tháng Tám lịch sử, hòa cùng không khí náo nức hướng về kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) các cơ quan, đơn vị LLVT Hà Nam càng thêm tự hào khi ôn lại những chiến công của quân và dân tỉnh nhà trong Tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền và đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc. 78 năm đã trôi qua, song những dấu ấn về những ngày vừa xây dựng, phát triển, vừa tham gia đấu tranh giành, giữ chính quyền cách mạng vẫn luôn sâu đậm, động lực thôi thúc CBCS các cơ quan, đơn vị LLVT hôm nay thêm quyết tâm, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những ngày tháng Tám lịch sử, hòa cùng không khí náo nức hướng về kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) các cơ quan, đơn vị LLVT Hà Nam càng thêm tự hào khi ôn lại những chiến công của quân và dân tỉnh nhà trong Tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền và đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc. 78 năm đã trôi qua, song những dấu ấn về những ngày vừa xây dựng, phát triển, vừa tham gia đấu tranh giành, giữ chính quyền cách mạng vẫn luôn sâu đậm, động lực thôi thúc CBCS các cơ quan, đơn vị LLVT hôm nay thêm quyết tâm, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong Cách mạng Tháng Tám, Đảng bộ, quân và dân Hà Nam đã có những đóng góp xứng đáng cùng quân và dân cả nước đứng lên giành, giữ chính quyền. Trước năm 1945, cũng như mọi miền quê khác, nhân dân các địa phương trong tỉnh sống trong cảnh lầm than, cơ cực dưới ách thống trị hà khắc của thực dân, phong kiến, nạn đói, thất học diễn ra khắp nơi. Không chịu chấp nhận cuộc sống lầm than, cơ cực đó, bằng tình yêu quê hương, đất nước tha thiết, chí căm thù giặc sâu sắc, những người con quê hương Hà Nam đã đứng lên cùng nhân dân cả nước đồng tâm chống giặc ngoại xâm, viết nên trang sử hào hùng của dân tộc. Ngay từ những năm 1922 - 1924, phong trào đấu tranh của công nhân các nhà máy, xí nghiệp ở Hà Nam chống sự hà khắc của giới chủ diễn ra vô cùng sôi nổi. Đầu năm 1927, một số thanh niên Hà Nam gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Sau khi ra đời và trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng (3/2/1930), Đảng Cộng sản Việt Nam ngay lập tức đẩy mạnh phát triển các hình thức đấu tranh và tập hợp, chuẩn bị lực lượng để tiến lên giành chính quyền về tay nhân dân.
LLVT tỉnh ra quân huấn luyện năm 2023 với quyết tâm giành kết quả cao. Ảnh: Hương Giang
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, cuối năm 1939, Tỉnh ủy Hà Nam ra nghị quyết củng cố cơ sở đảng, thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế tỉnh Hà Nam. Đầu năm 1940, Đoàn Thanh niên phản đế tỉnh Hà Nam được thành lập, nhiều cơ sở đảng được củng cố, đề ra phương thức hoạt động chặt chẽ, bám sát cơ sở cách mạng và quần chúng nhân dân để gây dựng, phát triển phong trào. Khí thế cách mạng trong các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ngày càng dâng cao. Bất chấp các hoạt động lùng sục, tăng cường chiếm đóng, đàn áp phong trào của bọn thực dân phong kiến, mạng lưới cơ sở cách mạng cùng đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng cũng như những tổ chức vũ trang cách mạng của tỉnh càng được tôi luyện, trưởng thành và ngày càng phát triển rộng khắp. Nhiều nơi trong tỉnh thành lập các “Đội tự vệ cứu quốc”, tổ chức luyện tập, mua sắm, sử dụng vũ khí, tổ chức phục kích, tiêu hao sinh lực địch và chuẩn bị lực lượng sẵn sàng tiến lên giành chính quyền.
Đầu tháng 5/1945, tại Cao Mật (Lê Hồ, Kim Bảng), Ban Cán sự lâm thời Tỉnh ủy Hà Nam tổ chức hội nghị mở rộng quyết định lãnh đạo tiến hành các cuộc mít tinh, biểu tình, phá kho thóc của Nhật, ra tờ báo “Quyết chiến” để tuyên truyền, cổ vũ, hướng dẫn phong trào đấu tranh cách mạng, phát triển, củng cố các đội tự vệ cứu quốc. Hội nghị Cao Mật đánh dấu bước trưởng thành quan trọng của lực lượng và phong trào cách mạng Hà Nam, khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng trong xây dựng, phát triển LLVT cách mạng ở địa phương. Đối với LLVT tỉnh, thời gian trước Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, các đơn vị LLVT, bán vũ trang, nhất là lực lượng tự vệ, du kích địa phương được xây dựng, phát triển nhanh, mạnh cả về số lượng người tham gia, cả về vũ khí trang bị, sẵn sàng làm nòng cốt cùng toàn dân tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Tháng 8 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bác Hồ, các đơn vị LLVT và nhân dân Hà Nam sát cánh cùng LLVT và nhân dân cả nước đứng lên khởi nghĩa, giành chính quyền. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, chính thức xóa bỏ chế độ thống trị của thực dân, phong kiến, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Thực tế cuộc Tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ở Hà Nam cũng như ở nhiều miền quê khác đã thêm một lần cho thấy rõ hơn vai trò quan trọng và sức mạnh to lớn của LLVT và nhân dân trong sự nghiệp cách mạng. Sau tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, quân và dân ta gặp muôn vàn khó khăn, thử thách. Đối mặt với thù trong, giặc ngoài, với nạn đói, nạn thất học, dưới sự lãnh đạo của Đảng, LLVT tỉnh Hà Nam ở các địa phương tiếp tục được củng cố, kiện toàn, từng bước trưởng thành. Các đại đội, trung đội tự vệ được bổ sung nhân lực, vũ khí và được biên chế lại cho phù hợp với nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Màn biểu diễn võ thuật của Đại đội Trinh sát. Ảnh: Giang Dung
Từ tháng 8/1945, Chi đội giải phóng quân tỉnh Hà Nam được thành lập (gồm 3 đại đội với 1.200 chiến sĩ được tuyển chọn), chính thức đi vào hoạt động và ngày càng phát triển. Ở nhiều địa phương trong tỉnh còn có một số “Đội cảm tử quân” thực hiện nhiệm vụ thường trực, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chính quyền non trẻ và thành quả cách mạng. Ở mỗi huyện, thị xã thuộc tỉnh Hà Nam lúc đó đều tổ chức một phân đội 45 người sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ các mục tiêu chính trị, kinh tế quan trọng. Tại mỗi làng, xã, các đơn vị tự vệ chiến đấu, tự vệ cứu quốc được tiếp tục củng cố, phát triển mạnh mẽ. Hầu như làng nào cũng có từ 1 tiểu đội đến 1 trung đội tự vệ chiến đấu, được trang bị đao, giáo, mác và nhiều loại vũ khí tự tạo, duy trì nhiệm vụ tuần tra hằng ngày, giữ gìn an ninh trật tự, tham gia giải thích, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Mặt trận Việt minh, nghiêm trị những phần tử phản động, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân. Lúc này LLVT từ tỉnh tới cơ sở đều đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ huy toàn diện, trực tiếp của cấp ủy, chính quyền địa phương, từng bước phát triển mạnh mẽ, khối đại đoàn kết toàn dân được mở rộng, tạo sức mạnh to lớn trong đấu tranh giành và giữ chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng.
78 năm đã qua kể từ sau thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, quân và dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, anh dũng chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù. Cùng với quân và dân cả nước, lớp lớp thế hệ người con quê hương Hà Nam đã nối tiếp nhau lên đường chiến đấu, phục vụ chiến đấu và lập bao chiến công hiển hách. Hàng vạn chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã hy sinh trên khắp các chiến trường với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Tự hào, trân quý những đóng góp hy sinh to lớn của thế hệ cha ông đi trước, thấu hiểu giá trị to lớn của nền độc lập dân tộc, của cuộc sống hòa bình, hạnh phúc, lớp CBCS các cơ quan, đơn vị LLVT hôm nay nguyện tiếp tục tiếp nối truyền thống cha ông, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, góp sức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.