Lùi thời gian trình Quốc hội thông qua Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Kết luận tại cuộc họp cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu, Bộ Tài chính hoàn thiện Dự án Luật, trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trước ngày 16/02/2025, bảo đảm tiến độ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9.
![Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho ý kiến cụ thể về các nội dung liên quan tại cuộc họp ngày 07/02.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_579_51467402/ffd69828a96640381977.jpg)
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho ý kiến cụ thể về các nội dung liên quan tại cuộc họp ngày 07/02.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Tài chính, ý kiến của Văn phòng Chính phủ và các đại biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc kết luận, việc hoàn thiện dự án Luật phải bảo đảm yêu cầu, các nội dung quy định tại Dự thảo Luật phải thể hiện đúng, đầy đủ, chính xác toàn diện các nội dung, quan điểm tại Tờ trình Chính phủ, Tờ trình Quốc hội. Luật mới không được làm phát sinh thêm vướng mắc so với Luật 69; chỉ quy định những nội dung đã chín, có nhiều ý kiến đồng thuận và phân cấp, phân quyền mạnh, tăng chủ động cho doanh nghiệp, sử dụng vốn có hiệu quả nhưng phải kiểm soát được, không để ách tắc.
Phó Thủ tướng nêu rõ, kế thừa Luật 69 đối với những nội dung còn giá trị, không có vướng mắc, đã được sử dụng ổn định trong hơn 10 năm qua của Luật về: kết cấu các chương, điểu, khoản của Luật. Nhất là các thuật ngữ, từ ngữ trong Luật như:cơ quan đại diện chủ sở hữu, đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vốn của doanh nghiệp, người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp, đầu tư ra ngoài doanh nghiệp... Việc điều chỉnh, thay đổi các thuật ngữ trong dự án Luật so với dự án Luật 69 phải thuyết minh rõ lý do, sự cần thiết, và phải bảo đảm cách hiểu đơn nghĩa, thống nhất, không được phát sinh vướng mắc khi thi hành luật.
“Luật mới phải tháo gỡ được các vấn đề vướng mắc pháp lý đã phát sinh trong thực tiễn thời gian qua chưa có quy định tại Luật 69 như: sáp nhập công ty cấp 1 vào công ty cấp 2; xử lý tài chính khi hợp nhất, sáp nhập các DNNN trong đó có 1 trong 2 công ty đã CPH hoặc thua lỗ; chuyển giao doanh nghiệp giữa các UBND tỉnh với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; xác định rõ các doanh nghiệp do SCIC nhận chuyển giao được xác định là DNNN hay là DN trực thuộc SCIC để có căn cứ áp dụng các điều chỉnh về thực hiện quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu cho phù hợp; xử lý lỗ lũy kế, chi phi đầu tư thất bại...” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đối với nội dung quản lý đối với các công ty cấp 1 công ty cấp 2, công ty cấp 3, Phó Thủ tướng nêu rõ, Nhà nước thực hiện quản lý theo các hình thức phù hợp và có việc thanh tra, kiểm toán theo quy định của pháp luật. Báo cáo xin ý kiến Chính phủ cả hai phương án về đối tượng điều chỉnh: (1) Phương án 1 (được đa số ý kiến đồng thuận), chỉ áp dụng đối với Công ty cấp 1 và kế thừa quy định của Luật 69 đối với quản lý Công ty cấp 2 và (1) Phương án 2: đối tượng điều chỉnh là công ty cấp 1 và công ty cấp 2 theo đề xuất của Bộ Tài chính.
"Các doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 50% vốn điều lệ thực hiện theo Luật doanh nghiệp và cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện quản lý theo quy định pháp luật" - Phó Thủ tướng nói.
Liên quan đến phân cấp thực hiện quyền của đại diện chủ sở hữu, Phó Thủ tướng khẳng định, cần quy định cụ thể nội dung này đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu, Hội đồng thành viên và người đại diện phần vốn. Trong đó: Chính phủ ban hành quy định pháp luật, quy định cơ chế, chính sách và nội dung phân cấp cụ thể thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về các vấn đề tổ chức, nhân sự, chiến lược, kế hoạch 5 năm và hàng năm.
Để bảo đảm chất lượng, tiến độ dự án Luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV, Phó Thủ tướng phân công Bộ trưởng Bộ Tài chính trực tiếp chỉ đạo quá trình hoàn thiện Dự án Luật, trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trước ngày 16/02/2025 cho ý kiến, trước khi gửi Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội theo quy định; đồng thời rà soát, kiện toàn Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật, bảo đảm thực sự có chuyên môn sâu, hiểu biết thực tiễn về doanh nghiệp.
Trước đó, tại cuộc họp với các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp chiều ngày 7/2, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị ban soạn thảo hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gửi Chính phủ trước ngày 13/2 trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để doanh nghiệp được tự chủ, linh hoạt, nâng cao năng lực hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng phải kiểm soát được.