Lung 'trời cho'

Lần đầu tiên tôi nghe nói về lung Ngọc Hoàng cách nay hơn chục năm, từ các cựu binh Xưởng Quân giới Cà Mau. Các bác kể rằng, những năm xưởng đóng ở rừng tràm U Minh Hạ (1960-1964), nhờ sản vật nơi này đã giúp đơn vị cải thiện tốt đời sống, có sức khỏe để sản xuất vũ khí phục vụ chiến trường. Riêng con lung Ngọc Hoàng, hầu như cung cấp cá cho đơn vị xuyên suốt. Mà không phải chỉ có Xưởng Quân giới Cà Mau, hồi ấy còn nhiều cơ quan của tỉnh, Quân khu đóng trong rừng tràm, cũng sống nhờ vào nguồn cá vô tận này.

“Rốn cá” U Minh

“Hồi đó đơn vị có nhiều phân xưởng, đóng ở vồ Ba Tỉnh, Vồ Dơi, kênh Ba Tỉnh, Kênh Chùa, Mũi Tràm... gần lung Ngọc Hoàng. Mùa hạn, trên lung cỏ, sậy, rau muống, lục bình... chết tạo thành lớp “bổi” dày cả thước, bước đi nghe ột ẹc. Những hôm “khổ ăn”, chỉ cần tranh thủ ra lung khoét một lỗ bằng cái giần gạo, vài người từ các phía giậm dồn lại là cá lóc từ dưới cứ thế vọt lên, bắt không xuể. Cá lưu niên dưới kênh nên con nào con nấy đen thui, mập ú”, cựu binh Nguyễn Thành Phát, nguyên Phó giám đốc Xưởng, hào hứng kể.

“Mùa mưa, ra lung làm cái nò, mỗi lần xúc, cá lóc, trê, rô, sặt bổi... mấy trăm ký. Cứ vài ngày xúc một lần, vậy mà lần nào cũng đầy cá”, cựu binh Ðào Hồng Hải, nguyên Trưởng ban Kỹ thuật Xưởng, kể thêm.

Các cựu binh giải thích, trong rừng tràm U Minh hồi đó cá nhiều vô kể, riêng lung Ngọc Hoàng như cái rốn trũng sâu, nên mùa hạn cá từ đồng ruộng, kênh mương cứ dồn xuống lung trú ẩn.

Không chỉ thế, con lung còn là một trong những tuyến giao thông huyết mạch trong rừng tràm, giúp vận chuyển hàng hóa, vũ khí, đưa người đi công tác...

Sau giải phóng, cá rừng U Minh vẫn còn rất nhiều và lung Ngọc Hoàng thì theo một số người, cá vẫn còn “dữ dội”.

Lão nông Trịnh Thành Thân (Ba Thân, 75 tuổi), Ấp 2, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, được cho là người hiểu biết nhiều về đất đai, xứ sở này, khái quát: “Lung Ngọc Hoàng rất dài, chạy qua hai huyện Trần Văn Thời và U Minh. Một đầu đổ ra cửa biển khỏi Nhà Thiếc, cặp Khánh Hội; một đầu đổ ra cửa sông Ông Ðốc. Tùy theo đặc điểm từng đoạn mà người ta gọi nhiều tên khác nhau, như đoạn có nhiều phân khối nổi lên vào mùa mưa thì gọi Lung Nổi, hay đoạn nhiều bèo lại gọi Lung Bèo...”.

Lão nông Trịnh Thành Thân (người ngồi giữa) kể về lung Ngọc Hoàng.

Lão nông Trịnh Thành Thân (người ngồi giữa) kể về lung Ngọc Hoàng.

Năm 1991, vì mê cá, ông Ba Thân từ xã Trần Hợi đến Ấp 2, xã Khánh Bình Tây Bắc này sang 3 ha đất định cư. “Trên đất tôi có đoạn lung Ngọc Hoàng đi ngang qua, dài chỉ 84 m, mà năm đó tôi chụp lưới gần 4 tấn cá”, ông Ba Thân nhớ lại.

Lão nông Ba Thân trước đây có thêm nghề phụ là chụp đìa. Ông bảo, trên địa bàn có cái đìa thường gọi là đìa 5 tấn, của Lâm Ngư trường U Minh I. Ðìa dài 5 công, ngang mười mấy thước. Mỗi lần chụp đìa, khi dọn, quản lý không cho dùng phảng chặt cỏ vì sợ trúng cá. Gọi là đìa 5 tấn vì cá trong đìa rất nhiều, mỗi lần chụp đìa, chỉ thu độ 5 tấn cá, còn lại chừa cá giống.

Sau này giải tán các lâm ngư trường, đất đai giao cho người dân canh tác, người ta lấp những phần lung Ngọc Hoàng đi qua đất mình để sản xuất, con lung bị đứt khúc và dần dần mất dạng.

Tôi xuýt xoa tiếc nuối vì chuyện lấp lung, mất đi trữ lượng cá, lão nông Ba Thân phân trần: “Ðất hẹp, người đông, người ta lặn ngụp bắt ngày đêm, cá nào mà còn. Ngay cả phần lung của gia đình tôi cũng không giữ được bởi nạn bắt trộm cá, nên tôi cũng san lấp con lung để làm ruộng”.

Ông “mách bảo”: “Hiện nay, theo tôi được biết, chỉ còn duy nhất đoạn lung trên đất rừng của cha con ông Mười Ngọt là được bảo tồn”.

Còn rất nhiều câu chuyện về cá ở rừng U Minh và tại lung Ngọc Hoàng tôi được nghe, nhưng không kể ra đây hết được. Chẳng hạn, mùa khô năm 1983, Tiểu đoàn Thanh niên xung phong huyện Cái Nước được phân công tận thu lâm sản và trồng lại rừng (sau trận cháy rừng lịch sử, gần 50.000 ha rừng tràm U Minh Hạ bị thiêu rụi). Ðơn vị đóng ở Tuyến 21 (gần lung Ngọc Hoàng), có lần vào ban đêm, chỉ đậu xuồng ngang con lạch nhỏ độ 2 tiếng mà cá nhảy vào gần đầy xuồng. Ðơn vị có khoảng 10 cái lọp đặt theo các kênh mương mà mỗi lần dỡ, rùa bò lểnh nghểnh cả nửa xuồng be tám. Những chuyện này các ông: Châu Nam Thắng (nguyên Chính trị viên đơn vị), Nguyễn Tiến Lên (nguyên Tiểu đoàn trưởng, đã mất), Nguyễn Thanh Tần (nguyên Tiểu đoàn phó) rất ấn tượng và hay kể. Hay chuyện Xưởng Quân giới Cà Mau đào khẩu đìa dài độ hơn 30 m, mỗi lần chụp lưới là cả tấn cá. Cứ chụp xong, ít lâu sau là cá lại đầy...

Riêng phần lung còn lại tại phần đất gia đình ông Mười Ngọt (Phạm Văn Ngọt, Ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc) có chiều dài 800 m, ngang từ 15-20 m. Gia đình kể, hồi mới về sang phần đất này, có năm mùa hạn dài, mưa xuống xì phèn, lươn chết nổi lên tính bằng tấn. Còn cá thì rất nhiều, cũng giống như lão nông Ba Thân, vì mê cá mà ông Mười Ngọt từ huyện Cái Nước qua đây sang 60 ha đất rừng này. Nhờ khai thác kết hợp bảo tồn nên giờ đây, mỗi năm gia đình ông Mười Ngọt thu về cả chục tấn cá đồng. Hiện nay, gia đình ông còn đưa hoạt động chụp đìa vào làm du lịch, thu hút khá nhiều khách tham quan.

Ðoạn lung Ngọc Hoàng trên phần đất ông Mười Ngọt vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, mỗi năm cho thu nhập cả chục tấn cá đồng.

Ðoạn lung Ngọc Hoàng trên phần đất ông Mười Ngọt vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, mỗi năm cho thu nhập cả chục tấn cá đồng.

Dấu tích thời gian

Anh Phạm Duy Khanh (40 tuổi, con ông Mười Ngọt), cũng là người thích tìm hiểu chuyện đất, chuyện người, bảo: “Các cụ lớn tuổi trước đây lý giải, gọi tên lung Ngọc Hoàng là ý chỉ lung trời cho, lung có tự nhiên”. Anh cũng cho biết, các cụ kể, nghe những thế hệ trước truyền lại rằng, hồi xa xưa, nơi này là những biền lá dừa nước. Có lẽ do hạn hán, thời tiết biến đổi khắc nghiệt của thời điểm nào đó mà lá chết đi, tạo thành hố sâu trũng dài theo biền, hình thành con lung. Khanh nói, giả thuyết này có lý, bởi giờ trong đoạn lung nhà anh, thỉnh thoảng vẫn còn trái dừa nước nổi lên.

Khanh cũng cho biết, đây đó trên lung, người ta cũng phát hiện được cả thuyền buồm. Dưới con lung, vẫn còn rất nhiều vỏ sò, vỏ ốc. Không chỉ vậy, cách đây mấy năm, khi sên vét lòng lung, Khanh còn phát hiện được nhiều xương đầu cá sấu (hiện còn 1 đầu anh đang thờ trong miếu Thần Rừng).

Phần xương đầu cá sấu (dài khoảng 70 cm, dự đoán trọng lượng cá gần 300 kg) được thờ tại miếu Thần Rừng của gia đình ông Mười Ngọt.

Phần xương đầu cá sấu (dài khoảng 70 cm, dự đoán trọng lượng cá gần 300 kg) được thờ tại miếu Thần Rừng của gia đình ông Mười Ngọt.

Lão nông Ba Thân kể, phần lung trên đất ông cũng phát hiện 2 đầu cá sấu. Hàng xóm ông cũng phát hiện 1 đầu.

Qua những dấu tích và thu thập thêm thông tin từ lớp người lớn tuổi, cùng với vị trí phần lung Ngọc Hoàng ở đất nhà Khanh chỉ cách biển độ 4 cây số, Khanh suy đoán (và nhiều người cũng suy đoán), lung này trước là những biền lá mé biển. Theo thời gian, phù sa cứ bồi lấp dần thành con lung trong rừng.

Khi chưa có nhà khoa học, nhà nghiên cứu nào tìm hiểu, kết luận, thì dự đoán này có thể coi là khá phù hợp.

Một dấu tích gần hơn, đó là trên địa bàn xã Khánh Bình Tây Bắc, nhất là trên Tuyến 21, người dân thỉnh thoảng phát hiện vỏ bom mìn.

Từ 4 năm trở lại đây, riêng ông Nguyễn Văn Bình (73 tuổi, Ấp 2) phát hiện trên mé kênh của Tuyến 21 đến 12 trái bom. “Lần thứ nhất 5 trái, trong đó 2 vỏ và 3 trái còn thuốc. Lần thứ 2 phát hiện 7 trái, có 2 trái còn thuốc. Do đất bờ kênh múc lên, lâu ngày bị mưa nó lở, tôi hay đi đốn chuối, để ý và phát hiện. Những lần đó mình đều báo cho ngành chức năng xử lý”, ông Bình cho biết.

Dấu tích này được người dân phán đoán bom của “cánh Ba Lò Rèn” (Xưởng Quân giới Cà Mau). Ðem chuyện này hỏi các cựu binh Nguyễn Tấn Phát và Ðào Hồng Hải, những cán bộ có mặt từ buổi đầu thành lập Xưởng Quân giới Cà Mau, các ông thừa nhận đúng. Hồi ấy do điều kiện khó khăn, phải đi sưu tầm bom về cưa lấy thuốc nổ và lấy vỏ để sản xuất vũ khí. Năm 1964, khi dời xưởng xuống Năm Căn, chỉ vận chuyển được máy móc, những nguyên liệu này phải nằm lại...

Cùng với câu chuyện “Bắt sấu rừng U Minh Hạ”, của Nhà văn Sơn Nam, những câu chuyện Bác Ba Phi, những câu chuyện về sản vật rừng U Minh... khiến có thêm cơ sở về sự giàu có được mệnh danh “vựa cá U Minh” của lung Ngọc Hoàng. Tuy vậy, chen lẫn niềm tự hào, là sự nuối tiếc! Nuối tiếc về con lung mang trên mình nhiều dấu tích lịch sử đã lùi dần vào quá khứ do tác động thiếu tích cực của con người./.

Huyền Anh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/lung-troi-cho--a33872.html