Lúng túng khi đưa nông sản lên sàn

Vận chuyển, bảo quản vẫn là bài toán khó khi bán hàng nông sản online, đặc biệt là nông sản tươi

Mới đây, dịp khuyến mãi giữa tháng của TikTok Shop vào ngày 15-5, TikToker Thiện Nhân - nhà sáng tạo nội dung quê Đồng Tháp có lượng người dùng theo dõi đông đảo - đã có một phiên livestream lớn (Mega Live) hết sức thành công khi chốt đơn hàng loạt mặt hàng, trong đó "hot" nhất là mặt hàng sầu riêng khi người dùng hỏi mua liên tục vì lượng bán giới hạn - chỉ 1,2 tấn.

Chốt đơn ầm ầm nhưng...

Thế nhưng, chỉ vài ngày sau, TikToker Thiện Nhân đã phải đăng clip xin lỗi và hoàn tiền cho hàng loạt khách hàng vì sầu riêng bị hỏng. Do vậy, với lượng sầu riêng còn lại tại vườn, Thiện Nhân cho biết sẽ bán sỉ tại vườn chứ không bán lẻ online nữa vì gặp khó trong khâu bảo quản sầu riêng chín cây đến tay khách hàng.

Phương Oanh Daily livestream bán nông sản, sản phẩm OCOP TP HCM

Phương Oanh Daily livestream bán nông sản, sản phẩm OCOP TP HCM

Trước đó, trong một hội nghị tại TP HCM, ông Nguyễn Khánh Toàn, phụ trách quan hệ Chính phủ của TikTok Việt Nam, cũng kể về trường hợp livestream bán sầu riêng tươi với sự tham gia của 15 nhà sáng tạo nội dung (KOL, KOC) trong 20 phút mang về doanh số 1,2 tỉ đồng nhưng sau đó shop bị khóa.

Lý do là vì đơn hàng quá nhiều, đơn vị bán hàng đã không giao hàng cho khách đúng như mô tả nên đã nhận nhiều phản hồi tiêu cực. "Vì đây là bán lẻ nên người bán cần chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng, đóng hàng đúng tiêu chuẩn và giao hàng kịp thời cho tất cả khách trong thời gian quy định chứ không đơn giản như bán sỉ" - ông Toàn lưu ý.

Cũng theo ông Toàn, bán nông sản, đặc biệt nông sản tươi, là khó nhất khi kinh doanh online vì biên độ lợi nhuận mỏng, nhiều yêu cầu phức tạp trong giao nhận.

Ngoài ra, theo phản ánh của một số nhà bán là chủ doanh nghiệp nông nghiệp, HTX, việc tuân thủ chính sách của các nền tảng tương đối khó khăn. "Xây kênh bán hàng đã khó, nguy cơ bị "đánh" vi phạm, bị khóa kênh còn khó hơn" - nhiều người phản ánh.

Giải bài toán khó

Anh Khúc Thành Tú (quê Mộc Châu, tỉnh Sơn La) - một "hot" TikToker được biết với tên Tú Nông Sản - thừa nhận kinh doanh nông sản online tuy khó nhưng tiềm năng rất lớn bởi nhu cầu thị trường cao.

Một số HTX nông sản đã thuê nhân sự chuyên về bán lẻ online và đem lại hiệu quả tốt về doanh số lẫn hiệu quả quảng bá. "Nếu dễ, ai làm cũng được thì cạnh tranh sẽ rất khắc nghiệt" - anh Tú thẳng thắn.

Hiện tại, Tú đang bán các loại rau quả tươi có thời gian bảo quản tự nhiên dài như ớt Palermo (ớt ngọt khổng lồ), bưởi, măng khô và một số thực phẩm chế biến khác.

Từ kinh nghiệm bản thân, Tú cho biết để bán hàng nông sản trên sàn thương mại điện tử, livestream đạt hiệu quả cần có sự kết hợp giữa người bán hàng chuyên nghiệp và nhà vườn. "Nhà vườn bán hàng trực tiếp thì quá tốt nhưng họ không quen bán lẻ và hàng hóa không đều vì phụ thuộc mùa vụ" - anh Tú phân tích.

Theo ông Lê Hữu Thiện, Giám đốc HTX Hoa mai vàng Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TP HCM), thời gian qua, một số xã viên đã lập kênh và livestream quảng bá, bán hàng qua mạng xã hội để thúc đẩy tiêu thụ. "Dù vậy, hoạt động này chủ yếu vẫn là tự phát, một số xã viên giỏi về công nghệ, hoạt ngôn, biết chạy quảng cáo mới bán được hàng. Nông dân rất cần được hỗ trợ để đưa hoạt động này trở nên chuyên nghiệp, tiếp cận được nhiều khách hàng mới" - ông Thiện kiến nghị.

Không chỉ chốt đơn là xong

Bà Nguyễn Thị Ánh Lan, Giám đốc HTX Thủy sản Tương Lai (huyện Cần Giờ, TP HCM), cho biết thời gian qua HTX đã nghiên cứu, phát triển được nhiều sản phẩm rất tốt và phù hợp cho kênh bán online. "Đây là lĩnh vực rất tiềm năng nhưng phải đầu tư mới thu được hiệu quả.

Trước đây, chúng tôi cũng đưa sản phẩm lên các chợ mạng nhưng do không đầu tư nhiều nên không đạt mục tiêu doanh số. Đợt này, HTX quyết định thuê nhân sự chuyên về mảng này để đẩy mạnh quảng bá và bán hàng nhằm tăng doanh số" - bà Lan nói.

Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, thông tin hiện nông sản TP HCM tiêu thụ qua sàn chỉ chiếm khoảng 1% tổng sản lượng, nhiều đơn vị sản xuất nông sản còn rất bỡ ngỡ với các hình thức tiêu thụ online.

"Nông sản tiêu thụ qua sàn giúp nông sản địa phương vươn ra toàn quốc, thậm chí toàn cầu. Chúng tôi sẽ phối hợp với những đơn vị liên quan tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu để nông dân, HTX, doanh nghiệp và đặc biệt là các chủ thể OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm), biết cách đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử, cách thức làm video, livestream... " - ông Phú nói.

Theo một chuyên gia về thương mại điện tử, trước khi quyết định đầu tư bán hàng trên một sàn nào đó, người bán cần nghiên cứu xem sàn đó phù hợp với sản phẩm định bán hay không.

Ngoài ra, việc bán hàng qua livestream chỉ là hỗ trợ tiêu thụ, không phải là kênh bán hàng chủ đạo. Khi tham gia livestream cần chuẩn bị kỹ lưỡng về hàng hóa, cách đóng hàng, giao hàng để bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng cao nhất khi đến tay người dùng chứ không chỉ chốt đơn là xong.

Bí quyết của quán quân KOC 2023

Theo nhà sáng tạo nội dung TikTok Phương Oanh Daily - quán quân KOC năm 2023, các sản phẩm OCOP rất có lợi thế khi được bán qua kênh online, đặc biệt qua livestream, vì câu chuyện sản phẩm gắn với văn hóa địa phương. Những sản phẩm này có đầy đủ giấy tờ, pháp lý nên các nhà sáng tạo nội dung rất yên tâm khi bán hàng.

"Người tiêu dùng rất thích nông sản địa phương, đặc sản vùng miền. Các video quay quá trình sinh trưởng của cây trồng, quá trình sản xuất được xem rất nhiều. Các chủ thể OCOP phải tự xây dựng kênh riêng để giới thiệu sản phẩm và tự bán hàng, ghi nhận lượt đánh giá từ người dùng. Trên cơ sở đó, các KOC, KOL sẽ đẩy mạnh thêm doanh số cho sản phẩm này. Còn với những sản phẩm mới, chưa từng bán trên các nền tảng sẽ khó khăn trong việc thuyết phục người dùng" - TikToker này chia sẻ.

Bài và ảnh: VƯƠNG NGỌC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lung-tung-khi-dua-nong-san-len-san-196240524211246941.htm