Lúng túng quy định ghi thông tin khách hàng trên hóa đơn điện tử
Hàng vạn hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ đang lúng túng trước yêu cầu của cơ quan thuế liên quan đến quy định ghi mã số thuế (MST) hoặc căn cước công dân (CCCD) của tất cả người mua trên hóa đơn điện tử. Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thức, Chủ tịch Công ty TNHH Tư vấn Thuế BCTC (TP. Hồ Chí Minh) xung quanh quy định này.

Ông Nguyễn Văn Thức
Thưa ông, sau khi Cục Thuế ban hành Công văn 108 và Chi cục Thuế khu vực I triển khai Công văn 3633, các chủ cửa hàng, hộ kinh doanh còn lúng túng trong thực hiện. Ông nhìn nhận thực trạng này thế nào?
Tôi hoàn toàn chia sẻ với việc này. Việc yêu cầu người bán ghi MST hoặc CCCD của người mua lên hóa đơn điện tử đối với các cá nhân mua hàng, dịch vụ nhưng họ không lấy hóa đơn và không cung cấp thông tin cho người bán là không phù hợp với thực tiễn và gây áp lực ngược trở lại cho người bán.
Nội dung của Công văn 108 và Công văn 3633 đang bị hiểu là áp dụng cho cả hộ kinh doanh và doanh nghiệp, nhưng chưa phân định rõ khi nào áp dụng với người mua là cá nhân, khi nào là tổ chức có pháp nhân. Cách hướng dẫn này vừa chưa rõ ràng, vừa dẫn đến cách hiểu sai lệch khi triển khai thực tế.
Một điểm gây tranh cãi là yêu cầu ghi CCCD/MST cả khi bán hàng cho khách lẻ. Liệu điều này có hợp lý, khi xét đến thực tế như quán ăn, tiệm thuốc, cửa hàng nhỏ… không thể “xin CCCD” từng khách hàng?
Đúng vậy. Những ngành nghề như quán ăn, spa, tiệm bánh trung thu, karaoke, hay tiệm thuốc – họ phục vụ số lượng khách lẻ lớn mỗi ngày. Làm sao có thể đòi hỏi từng khách phải đưa CCCD hay MST khi họ không có nhu cầu lấy hóa đơn… để người bán ghi vào hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền?
Trong Công văn 108, cơ quan thuế ngầm hiểu rằng mọi cá nhân đều có MST, do đó phải cung cấp khi mua hàng. Nhưng trong thực tế, không phải ai cũng nhớ MST cá nhân – nhất là người lớn tuổi, trẻ em, người không thường xuyên giao dịch tài chính.
Chưa kể, có những giao dịch mang tính nhạy cảm, như các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tâm lý, da liễu…, khách hàng không muốn thông tin cá nhân bị lộ ra ngoài, nhất là thời buổi đang có sự lừa đảo bằng công nghệ diễn ra phức tạp hiện nay – đó là quyền riêng tư chính đáng. Ghi CCCD vào hóa đơn khi chưa có sự đồng ý của người mua, thậm chí có thể xung đột với Thông tư 55/2021/TT-BCA của Bộ Công an về bảo vệ thông tin cư trú.
Người bán hàng bị yêu cầu điều chỉnh hóa đơn, thậm chí bị đề xuất xử phạt do hóa đơn thiếu CCCD/MST của người mua – trong khi người mua lại từ chối cung cấp. Ông thấy điều này có thỏa đáng?
Hoàn toàn không. Chúng ta phải đặt ngược lại câu hỏi: Người bán lấy thông tin từ đâu nếu khách hàng không đồng ý cung cấp? Khách hàng không muốn lấy hóa đơn? Nếu người bán tự ý điền CCCD không chính xác, thì lại vi phạm quy định về hóa đơn. Nếu bỏ trống, thì bị xử phạt về hóa đơn. Ngoài ra vì không có thông tin người mua thì doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải xuất hóa đơn như thế nào để không bị vi phạm về hóa đơn, về nghĩa vụ thuế?
Vấn đề ở đây không chỉ là sự bất cập trong logic chính sách, mà còn là rủi ro pháp lý cho người kinh doanh. Tôi cho rằng Công văn 108 và Công văn 3633 đã chưa lường hết những tình huống này. Chính sách thuế muốn đi vào cuộc sống thì không thể áp dụng kiểu “ai cũng phải ghi, mọi lúc mọi nơi”.
Một số ý kiến cho rằng việc áp dụng máy móc quy định này còn tạo ra sự thiếu công bằng – chẳng hạn siêu thị, trung tâm thương mại lại không phải ghi thông tin khách, còn hộ kinh doanh nhỏ thì buộc phải làm. Ông có đồng tình?
Có chứ. Điểm c, Khoản 14, Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP đã cho phép miễn ghi thông tin người mua đối với siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng xăng dầu,... Nhưng cùng là giao dịch với cá nhân, quán bún riêu đầu hẻm hay tiệm bánh đông khách lại phải ghi thông tin CCCD từng người. Đó là một sự thiếu công bằng và không thực tiễn.
Nếu chúng ta bảo hộ doanh nghiệp lớn bằng những ưu đãi hành chính, còn đẩy hộ kinh doanh cá thể vào thế khó, thì mục tiêu chống thất thu thuế chắc chắn sẽ khó đạt. Có khi lại khiến người dân e ngại chuyển sang hóa đơn điện tử vì lộ thông tin cá nhân, đời tư.
Nếu vậy, ông có đề xuất gì cụ thể để điều chỉnh các hướng dẫn hiện hành? Ông có thể chia sẻ rõ hơn?
Tôi kiến nghị cơ quan thuế cần có văn bản hướng dẫn lại, trong đó cần phân biệt rõ giữa người mua là tổ chức có pháp nhân và người mua là cá nhân tiêu dùng cuối. Đối với doanh nghiệp thì bắt buộc phải ghi rõ đầy đủ các thông tin như MST, CCCD người mua hàng hóa, dịch vụ. Đối với cá nhân chỉ ghi đầy đủ thông tin MST/CCCD khi cá nhân này yêu cầu xuất hóa đơn đầy đủ. Còn cá nhân không có nhu cầu lấy hóa đơn, không cung cấp thông tin cho người bán thì không bắt buộc ghi CCCD/MST chỉ cần xuất ghi: “khách lẻ không lấy hóa đơn” hoặc “khách lẻ không cung cấp thông tin” hay “khách lẻ” như các quy định trước đây ở Thông tư số 39/2014/TT-BTC là rất đủ.
Theo tôi, một chính sách tốt giúp cả người thu thuế và người nộp thuế thì quy định phải rõ ràng, phù hợp thực tiễn để cùng thuận lợi như nhau, thậm chí để tạo điều kiện trong một số ngành nghề mà hàng ngày lượng hóa đơn xuất quá lớn chúng ta nên cho xuất cuối ngày một cái hóa đơn đối với khách lẻ, đối với hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ…
Xin cảm ơn ông!
Nhằm tăng cường minh bạch trong quản lý thuế và hạn chế thất thu, Cục Thuế mới đây đã ban hành Công văn số 108/CT-TMĐT (Công văn 108), hướng dẫn Chi cục Thuế khu vực và Đội Thuế tuyên truyền, yêu cầu người nộp thuế khi lập hóa đơn điện tử bán hàng hóa, dịch vụ phải ghi MST hoặc CCCD của người mua – kể cả trong trường hợp khách hàng là cá nhân, hộ tiêu dùng cuối. Tiếp đó, Chi cục Thuế khu vực I ban hành Công văn số 3633/CCTKV01-QLDN03 (Công văn 3633), triển khai nội dung tương tự.
Tuy nhiên, ngay sau khi ban hành các văn bản này đã có những ý kiến khác nhau. Trên hầu hết các diễn đàn, fanpage của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ, cộng đồng kế toán, hàng chục nghìn ý kiến từ các chủ quán quán ăn bình dân, tiệm bánh, spa cho đến hộ kinh doanh nhỏ lẻ đều bày tỏ lúng túng vì không thể yêu cầu mọi khách lẻ phải cung cấp thông tin cá nhân cho từng hóa đơn. Nhiều kế toán doanh nghiệp chưa biết cách phân biệt giữa khách hàng tiêu dùng thông thường và doanh nghiệp mua hàng.