Lười hoạt động thể lực và vòng luẩn quẩn
Tình trạng thanh thiếu niên Việt Nam thiếu hoạt động thể lực đang là một vấn đề đáng lo ngại bởi những hệ lụy về sức khỏe thể chất và tâm lý. 'Có nhiều yếu tố khiến trẻ em ít vận động. Muốn trẻ tăng cường hoạt động thể lực, sự tác động từ gia đình là rất quan trọng', PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhấn mạnh.
Thiếu hoạt động thể lực và những hệ lụy
Chị V.T.M.H ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội than thở: “Tôi có hai con đang ở độ tuổi thiếu niên, nhưng cả hai đều rất lười hoạt động. Chưa nói đến tập thể dục thể thao, mà ngay cả làm chút việc nhà hoặc đi bộ một quãng đường ngắn chúng cũng ngại. Trường của con lớn cách nhà chưa đầy 1km, thế nhưng con không đi bộ, cũng không chịu đạp xe đến trường mà nhất định đi xe máy. Ngoài đi học ở trường, về nhà, con không động chân động tay vào việc gì. Mỗi lần bảo con làm việc nhà, con ngại ngần và có làm cũng chỉ gọi là cho có”.
Trường hợp con của chị V.T.M.H không phải là cá biệt. Hiện nay, rất nhiều phụ huynh phàn nàn về việc con cái lười hoạt động thể lực. Tình trạng trẻ làm bài tập vào ban đêm, còn ban ngày nếu không phải đến trường thì sẽ ngủ triền miên, trong ngày gần như không có hoạt động về thể chất đang tồn tại ở nhiều gia đình. Các phụ huynh bày tỏ rằng “đã làm mọi cách mà không thay đổi được lối sống này ở trẻ, nhất là với trẻ ở độ tuổi thiếu niên”.

Phần lớn thanh thiếu niên Việt Nam không đáp ứng đủ lượng hoạt động thể lực được khuyến nghị, từ 30 - 60 phút/ngày
Tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia, rất nhiều gia đình đưa con đến khám vì chứng thừa cân béo phì. Thực tế này càng cho thấy tình trạng thanh thiếu niên ít hoạt động thể lực đang là một vấn đề đáng lo ngại. Theo nghiên cứu do Viện Dinh dưỡng Quốc gia thực hiện, tại Việt Nam có khoảng 86,3% thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 11 - 17 thiếu hoạt động thể lực. Nghiên cứu cho thấy, phần lớn thanh thiếu niên Việt Nam không đáp ứng đủ lượng hoạt động thể lực được khuyến nghị, từ 30 - 60 phút/ngày.
PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia - cho rằng, nhiều thanh thiếu niên hiện nay không dành đủ thời gian cho vận động thể chất, dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, các vấn đề về tâm lý và ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện. Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Hiện nay, trẻ em chịu áp lực lớn từ việc học tập. Đi học thêm quá nhiều, phải đối mặt với khối lượng bài tập, thi cử lớn, dẫn đến ít thời gian cho các hoạt động thể thao và vui chơi. Bên cạnh đó là sự thay đổi về lối sống. Các hoạt động giải trí, vui chơi ngoài trời dần bị thay thế bởi các hoạt động trong nhà, ít vận động thể chất hơn. Sự phát triển của công nghệ và mạng internet khiến thanh thiếu niên dành nhiều thời gian cho điện thoại, máy tính và chơi game trên các thiết bị điện tử,… nên càng xao nhãng hoạt động thể lực. Ngoài ra, ở thành thị thiếu không gian công cộng phù hợp cho hoạt động thể lực.
“Không ít thanh thiếu niên chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của vận động thể chất đối với sức khỏe. Từ phía gia đình, bố mẹ bận rộn hoặc cũng mải mê với chiếc điện thoại, ít vận động nên không đồng hành được với con, từ đó không tạo được thói quen hoạt động thể chất cho con cái. Nhiều phụ huynh không để con làm việc nhà, không tổ chức hoạt động vui chơi trong gia đình nên trẻ càng ít vận động thể lực. Chưa kể giờ đây trẻ em sống trong điều kiện khá đầy đủ, không phải chịu khổ nên đi tập thể dục thể thao hoặc các hoạt động ngoài trời phải chịu thời tiết nóng bức hoặc rét mướt, trẻ sẽ không hào hứng tham gia”, bác sĩ Hưng nêu thực tế.
Nói về hệ lụy từ việc lười vận động, PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hưng cho biết, thiếu hoạt động thể chất sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sức bền bị kém đi. Kèm theo đó là chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý, không điều độ sẽ gây mất cân bằng năng lượng, tích tụ mỡ thừa, dẫn đến thừa cân béo phì. Đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch, các vấn đề về tuần hoàn máu, xương khớp và nhiều bệnh lý khác; làm giảm khả năng vận động, dễ mệt mỏi. Ngoài ra, còn làm chậm phát triển chiều cao, nhất là ở giai đoạn dậy thì. Về sức khỏe tinh thần, việc thiếu hoạt động thể chất có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tâm thần như trầm cảm, lo âu, căng thẳng, trầm cảm, ảnh hưởng đến khả năng tập trung, ghi nhớ và hiệu suất học tập. “Khi mắc các vấn đề về sức khỏe như vậy sẽ khiến trẻ ngại tham gia hoạt động thể chất, vì thế, nguy cơ bị bệnh lại càng tăng, cứ thế thành một vòng luẩn quẩn. Cuối cùng, trẻ bị mất tự tin khi tham gia các hoạt động, khó hòa đồng với mọi người”, BS Nguyễn Trọng Hưng nhấn mạnh.
Tạo thói quen hoạt động thể lực từ thuở nhỏ
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, để thúc đẩy hoạt động thể chất thường xuyên cho nhóm này, phải tăng cường nhận thức bằng cách tuyên truyền, giáo dục về lợi ích của hoạt động thể chất cho thanh thiếu niên và gia đình. Xây dựng thêm các sân chơi, công viên, khu thể thao, không gian công cộng. Thay đổi thói quen sinh hoạt, tạo thói quen vận động, khuyến khích thanh thiếu niên tham gia các hoạt động thể thao, vui chơi ngoài trời và thiết lập thời gian biểu khoa học cho các hoạt động này. Hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử và khuyến khích các hoạt động khác.

Bố mẹ phải làm gương, dành thời gian cho hoạt động thể chất, từ đó tạo cho trẻ động lực và thói quen hoạt động thể lực từ nhỏ
Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, cùng nhau tạo ra một môi trường thuận lợi để thúc đẩy thanh thiếu niên rèn luyện sức khỏe. Ở trường có các hoạt động thể dục. Ở nhà thì trẻ giúp bố mẹ làm việc nhà. “Các hoạt động thể lực cũng không cần quá cầu kỳ, nên chọn những giải pháp nhẹ nhàng, đơn giản, chỉ cần tập tại nhà, có thể nhảy dây, mua xe đạp hoặc máy chạy bộ tại chỗ,...”, bác sĩ Hưng khuyến cáo.
Điều quan trọng nữa là bố mẹ phải làm gương, dành thời gian cho hoạt động thể chất, từ đó tạo hứng thú và lôi kéo trẻ theo, cho trẻ có thói quen hoạt động thể lực từ nhỏ. Muốn trẻ em tích cực hoạt động thể lực thì phải hình thành thói quen này cho trẻ em từ thuở nhỏ. Và hãy bắt đầu từ chính gia đình mình. Với những trẻ lớn và quá cá tính, nên phối hợp đa chiều từ gia đình nhà trường, đến bác sĩ khám và tư vấn để nhiều người nói, tác động giúp trẻ thay đổi.
Với cuộc sống hiện đại bận rộn, cần biết sắp xếp công việc để dành được thời gian đều đặn mỗi ngày cho hoạt động thể lực, nếu không được như khuyến nghị là 30 - 60 phút thì chỉ cần 10 phút mỗi ngày cũng tốt. Theo bác sĩ Hưng, nếu trường không quá xa thì để trẻ đạp xe đến trường, hoặc đi bộ đến bến xe buýt, giúp bố mẹ làm việc nhà,… Đó cũng là những hình thức hoạt động thể chất hữu ích. “Ở trường học, chúng ta phải tạo ra các sân chơi thể dục thể thao dành cho lứa tuổi học đường, huy động được các bạn tham gia, vừa giúp học sinh rèn luyện sức khỏe, vừa không bị quá căng thẳng bởi các môn văn hóa. Gia đình cần phối hợp với nhà trường để khuyến khích con tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, thể dục thể thao… Điều quan trọng nhất để tăng cường hoạt động thể lực vẫn là từ ý thức của mỗi cá nhân và mỗi gia đình”, PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hưng khẳng định./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/luoi-hoat-dong-the-luc-va-vong-luan-quan-post1212144.vov