Lương cơ sở tăng, mừng nhưng cũng lo
Từ ngày 1-7, công chức, viên chức đã được tăng lương do mức lương cơ sở tăng, thế nhưng chưa kịp mừng thì có người đã phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
Từ ngày 1-7, mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng tăng lên 1,8 triệu đồng, tăng thêm 20,8%. Theo đó, lương hằng tháng của những người làm việc hưởng lương theo bậc lương, hệ số lương nhà nước sẽ được tăng lên.
Mới đây, một số cán bộ, công chức, viên chức đã nhận lương của kỳ lương tháng 7 khá bất ngờ với mức thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Lương tăng không bao nhiêu đã bị chịu thuế
Anh NTT (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết anh làm việc tại một đơn vị sự nghiệp, lương hằng tháng của anh được tính theo bậc lương nhà nước. Ngoài lương cơ bản tính theo mức lương cơ sở, anh còn được nhận thêm các khoản tiền phụ cấp khác với tổng thu nhập là 10.340.000 đồng/tháng.
Anh T chia sẻ: “Tôi đang hưởng bậc lương với hệ số lương là 3.66 và lương căn bản của tôi những tháng trước là 5.453.400 đồng/tháng. Tháng 7, lương cơ sở tăng, mức lương cơ bản của tôi tăng lên 6.588.000 đồng. Nếu tính như trên thì lương tháng 7 của tôi nhận được sẽ là 11.475.000 đồng. Tuy nhiên, ngày 10-7, thay vì tôi được nhận số tiền như trên thì khi tăng lương cơ sở, tôi lại bị trừ khoản 30.000 đồng tiền thuế TNCN do thu nhập vượt quá 11 triệu đồng/tháng”.
Anh T băn khoăn: “Dù số tiền đóng thuế không nhiều, thế nhưng việc tăng lương người dân chưa hết mừng đã thấy lo, lo vì hàng hóa thấy lương tăng thì sẽ tăng theo, lo vì tăng được vài trăm ngàn lại phải chịu thêm thuế”.
Chị Hồng Nhung (ngụ quận 12, TP.HCM) cho biết chị là viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp. Lương của chị hằng tháng nhận là 7,7 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ để lo tiền trọ và ăn uống cho bản thân chứ không tiết kiệm được bao nhiêu. Lương tháng 7 chị được tăng thêm gần 700.000 đồng.
“Được tăng lương tôi mừng lắm bởi với số tiền này, tôi để dành lập gia đình, lo cho con cái sau này. Tôi cũng mong khi tăng lương, số tiền cho nhu cầu sinh hoạt thiết yếu sẽ không tăng. Vì như những lần tăng lương trước, lương vừa được tăng thì giá gas, thực phẩm cũng rục rịch tăng theo, nhu cầu chi tiêu theo đó cũng phải tăng” - chị Nhung mong muốn.
Lo mất cơ hội mua nhà ở xã hội
Mức lương cơ sở tăng, lương hằng tháng của công chức, viên chức sẽ tăng theo. Một số trường hợp trước đây không phải chịu thuế TNCN nhưng từ tháng 7, họ phải chịu thuế TNCN vì lương trên mức 11 triệu đồng/tháng.
Anh LMC (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết anh quê ở Bình Định, vào TP.HCM lập nghiệp đã hơn 10 năm nay. Hiện anh là một viên chức làm việc cho một đơn vị sự nghiệp với mức lương hằng tháng là 15 triệu đồng. Anh đã có gia đình và một con nhỏ năm nay sáu tuổi.
Với mức lương trên, sau khi giảm trừ gia cảnh thì anh không phải nộp thuế TNCN. Tuy nhiên, từ tháng 7, lương cơ sở tăng, theo đó lương của anh tăng lên gần 2 triệu đồng và anh phải chịu thuế.
Anh C cho biết anh hiện tại đang ở nhà thuê và với mức thu nhập hiện tại, anh cũng không đủ tiền để mua nhà bởi giá căn hộ hiện nay rẻ nhất cũng gần 2 tỉ đồng. Vì thế, anh luôn trông chờ vào suất mua nhà ở xã hội để được an cư lạc nghiệp.
“Theo tôi tìm hiểu thì Luật Nhà ở có quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức muốn mua nhà ở xã hội thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế TNCN. Nhưng giờ vì được tăng lương mà tôi rơi vào diện đóng thuế, mà như vậy thì cơ hội mua nhà ở xã hội của tôi không còn. Điều này quá thiệt thòi cho công chức, viên chức như chúng tôi. Vì thế, tôi đề nghị nếu đã tăng lương cơ sở thì phải tăng mức thu nhập chịu thuế TNCN lên. Có như thế mới hợp lý và quyền lợi của người dân mới được đảm bảo” - anh C đề nghị.
Bạn đọc có góp ý về nội dung bài viết trên xin gửi về địa chỉ
Email: baophapluat@phapluattp.vn.
Chín đối tượng được tăng lương từngày 1-7
Tại Điều 2 Nghị định 24/2023 thay thế Nghị định 38/2019 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Theo đó, từ ngày 1-7-2023, áp dụng mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng cho chín nhóm đối tượng gồm: Thứ nhất, cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).
Thứ hai, cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).
Thứ ba, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).
Thứ tư, người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định 111/2022 về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trường hợp được áp dụng hoặc có thỏa thuận trong hợp đồng lao động áp dụng xếp lương theo Nghị định 204/2004.
Thứ năm, người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo quy định tại Nghị định 45/2010 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 33/2012).
Thứ sáu, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thứ bảy, sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.
Thứ tám, người làm việc trong tổ chức cơ yếu.
Thứ chín, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố. PV
Nguồn PLO: https://plo.vn/luong-co-so-tang-mung-nhung-cung-lo-post742043.html