Lương công chức sau cải cách có thể tăng bứt phá
Hội nghị Trung ương 7 đã nhất trí ban hành Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương. Công chức, viên chức, người lao động kỳ vọng, sau lần cải cách này, tiền lương thực sự trở thành nguồn thu nhập chính và bảo đảm đời sống cho người hưởng lương và gia đình họ.
Theo tờ trình Đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp được hội nghị Trung ương 7 thảo luận, mức lương của cán bộ, công chức thấp nhất (trình độ trung cấp) là 4,14 triệu. Lương chuyên gia cao cấp bậc 3 có thể đạt mức 33,4 triệu đồng.
2 phương án tiền lương
Đổi mới căn bản của chính sách lần này là Nhà nước trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.
Mức lương thấp nhất của khu vực công là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp, được xác định bằng mức lương thấp nhất bình quân của lao động thông qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp. Đề án cải cách tiền lương sẽ bắt đầu được hoàn thiện và triển khai từ năm 2021.
Theo đề án, cơ quan soạn thảo đưa ra 2 phương án cụ thể. Phương án 1, mở rộng quan hệ lương từ 1 – 2,34 – 10 như hiện nay lên 1 – 2,68 – 12 từ năm 2021. Theo đó, mức lương thấp nhất của công viên chức trong bảng lương mới (tương ứng với hệ số 1,86 - trình độ trung cấp trong bảng lương hiện hành) là 4,14 triệu đồng, tăng 11,3% so với năm 2020. Trong khi mức lương tương ứng hiện nay tính theo lương cơ sở được tăng lên 1,39 triệu từ 1-7 tới đây mới đạt gần 2,6 triệu đồng.
Mức lương của chuyên viên bậc 1 (tương ứng hệ số 2,34 - trình độ đại học hiện nay) sẽ đạt 5,96 triệu đồng, tăng 27,4% so với năm 2020. Trong khi đó mức lương tương ứng với hiện nay chỉ hơn 3,25 triệu đồng. Đáng chú ý là mức lương của chuyên gia cao cấp bậc 3 (tương ứng với hệ số 10 hiện hành) đạt 26,7 triệu đồng, tăng 33,5% so với năm 2020. Trong khi, mức lương tương ứng hiện nay chỉ 13,9 triệu.
Phương án 2, mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 – 2,34 – 10 hiện hành lên 1 – 3 – 15 từ năm 2021. Theo đó, mức lương thấp nhất của công viên chức vẫn tăng như phương án 1 là 4,14 triệu nhưng chuyên viên bậc 1 tăng lên 6,68 triệu (tăng 42,7% so với 2020); chuyên gia cao cấp bậc 3 tăng lên 33,4 triệu đồng (tăng 67% so với 2020).
Tăng lương để tăng năng suất lao động
Đề án cải cách chính sách tiền lương được thông qua, thu hút sự quan tâm của dư luận. Đặc biệt, cán bộ, công chức, người lao động kỳ vọng đề án sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản để người lao động có thể sống được bằng lương.
Chị Nguyễn Thị Lan (Thạch Bàn, Long Biên) chia sẻ: “Tôi đã công tác được hơn 7 năm, mà tổng thu nhập tối đa cũng chỉ 5 triệu đồng/tháng. Khi vào cơ quan Nhà nước, chúng tôi luôn xác định đầu tiên phải đề cao trách nhiệm với công việc. Song, mức thu nhập hiện nay là chưa thỏa đáng. Tôi mong đề án cải cách tiền lương lần này, Chính phủ có phương án tăng thu nhập cho cán bộ, công chức cơ sở để khích lệ họ yên tâm công tác, cống hiến lâu dài cho địa phương”.
Bàn về phương án nâng lương khu vực công tiệm cận với khu vực doanh nghiệp, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH phân tích, mức lương thấp nhất giữa khu vực doanh nghiệp và khu vực công hiện nay chênh lệch khá nhiều. Ví dụ, một người tốt nghiệp đại học mới ra trường vào khu vực nhà nước khoảng hơn 3,2 triệu, còn ở khu vực doanh nghiệp, con số phổ biến khoảng 6 triệu. Mức lương này tương đương với việc điều chỉnh lương chuyên viên bậc 1 lên 6,68 triệu mà đề án đưa ra ở phương án 2.
Ông Phạm Minh Huân cho rằng, để đạt được mục tiêu năm 2021 mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp thì lương khu vực công phải tăng lên gấp đôi so với hiện nay. Tuy nhiên, lương khu vực công liên quan đến đối tượng hưởng lương và nguồn trả lương.
Muốn có nguồn tăng lương, chỉ có 2 cách: một là nguồn lực ngân sách tăng lên, 2 là tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. Nếu kết hợp cả 2 điều này thì đề án cải cách chính sách tiền lương có tính khả thi cao.