Lương của lao động ngành dệt may tăng nhưng chưa bền vững
Ngành dệt may Việt Nam cán đích năm 2024 với doanh số 44 tỷ USD, tăng trưởng 11%. Nhờ sức bật này, tiền lương và việc làm cho lao động ngành may mặc với phần lớn là lao động nữ, cũng có được một năm 'ấm áp' hơn với mức lương tăng đáng kể.
Khan hiếm lao động ngành dệt may dịp cuối năm
Tại hội nghị tổng kết mới đây, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), cho biết: Với kim ngạch 44 tỷ USD năm 2024, tăng 11% so với năm 2023, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu hàng dệt may, sau Trung Quốc và vượt lên trên Bangladesh.
Theo dự báo, tiếp đà của thị trường tốt lên trong năm qua, thời điểm cận Tết Nguyên đán này, nhiều doanh nghiệp đã có thêm đơn hàng mới đến hết quý I/2025, lác đác doanh nghiệp có đơn hàng đến tháng 4 và 5/2025.
Tuy nhiên, theo ông Cao Hữu Hiếu, năm qua, ngành dệt may phải đối mặt với biến động lớn về lao động lớn, một số đơn vị trong tập đoàn có mức biến động tới 20% và "dự báo biến động lao động, sự thiếu hụt còn tiếp tục trong năm 2025 ở cả ngành dệt may và ngành sợi. Theo ông Hiếu, nguyên nhân là một lượng lao động dệt may đã lựa chọn đi xuất khẩu lao động. Đồng thời, các thị trường xuất khẩu chính của ngành là Mỹ và EU phục hồi kinh tế, tạo ra triển vọng xuất khẩu tốt hơn cho ngành trong nửa đầu năm 2025.
Sự thiếu hụt lao động ngành may mặc không chỉ diễn ra ở các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, mà doanh nghiệp tư nhân, cơ sở sản xuất, xưởng may nhỏ lẻ cũng loay hoay với bài toán thuê mướn lao động dịp cuối năm. Chị Đồng Thị Quỳnh, phụ trách tuyển dụng của Công ty TNHH M.U Việt Nam (tại huyện Nam Sách, Hải Dương), cho biết: Công ty có nhu cầu tuyển gấp 300 công nhân may, 10 công nhân phụ, 5 tổ trưởng chuyền may. Tuy nhiên, treo thông báo tuyển dụng trước khu công nghiệp cả tháng nay mà chưa nhận đủ người. Với tình trạng "khát" lao động như hiện tại, chị Quỳnh phải lướt qua các diễn đàn, trang mạng xã hội để đăng tuyển dụng, gấp rút hoàn thành đơn hàng dịp cuối năm.
Với cơ sở sản xuất nhỏ, chị Thu Hồng, chủ xưởng may mặc ở đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết, cả tháng nay xưởng muốn tuyển thêm 40 người, mà không đặt ra yêu cầu tuyển dụng khắt khe. Thậm chí còn giảm bớt tiêu chí, như vị trí thợ may 1 kim, biết may vắt sổ và chỉ cần trên 18 tuổi, kể cả người lao động tới 60 tuổi, cũng nhận. Tiền công hưởng theo sản phẩm, trung bình là 10 triệu đồng/tháng, có hỗ trợ tiền cơm trưa, tối. Với vị trí phụ may không giới hạn tuổi, không cần kinh nghiệm, lương cứng 200 ngàn đồng/ngày nhưng vẫn chưa có đủ người nhận việc.
Cần hướng tới mức lương tăng bền vững cho người lao động
Qua 9 năm làm việc, chị Lê Thị Xuân, công nhân may của Công ty May MAKL (tại thành phố Vinh, Nghệ An), cho biết: chị được công ty vinh danh là công nhân có mức thu nhập cao nhất tháng 7/2024 với 17,7 triệu đồng/tháng. Tại đây, mức thu nhập trung bình của công nhân may khoảng 10 triệu đồng/tháng. Chị Xuân chia sẻ, đây là mức lương đáng mơ ước của nhiều công nhân và của chính bản thân chị. Những năm trước, mức lương theo sản phẩm không đạt được cao như vậy. Năm vừa qua, doanh nghiệp có nhiều đơn hàng hơn, chị tranh thủ khi tuổi còn trẻ, sức lực còn nhiều, nên nhận tăng ca liên tục. Chị Xuân chia sẻ: "Mức lương như vậy là xứng đáng với công sức bỏ bản thân bỏ ra" và thấy vui vẻ hơn nhiều khi nghĩ đến Tết sẽ có thêm tiền để biếu bố mẹ, lì xì cho con cháu và phần tiền để đóng học cho con.
Tuy nhiên, theo chị Xuân, điều băn khoăn nhất với phần lớn công nhân là, mức chi tiêu ở thành phố đắt đỏ, mọi thứ đều tăng giá rất cao, nhất là chi phí thuê nhà, tiền chi cho lương thực thực phẩm cũng tăng hơn các năm trước, nên phần tiền tích lũy được cũng không còn là bao.
Theo Kết quả khảo sát tiêu dùng tại Việt Nam năm 2023 - 2024 và công bố mức lương đủ sống năm 2024 của Liên minh Sàn lương châu Á (AFWA) cho biết: Ngành may mặc Việt Nam có hơn 2,7 triệu người. Trong đó, lao động nữ chiếm phần đông trong ngành may mặc, với hơn 4/5 người tham gia khảo sát, chiếm 90% là công nhân nữ.
Về mức thu nhập của lao động ngành may mặc, 50% các hộ gia đình tham gia khảo sát có mức thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng, khoảng 29% số hộ gia đình ở mức 5 - 10 triệu đồng/tháng (và thường đến từ gia đình có 2 người đi làm). Cũng có một số đảng kể số hộ gia đình chỉ có một người đi làm có thu nhập. Mức thu nhập trung bình của mỗi gia đình ở mức 250.000 đồng/ngày với một người đi làm, và ở mức giao động từ 500.000 đồng đến 600.000 đồng/ngày với gia đình có hai người đi làm. Mức thu nhập trung bình của gia đình này ở mức thấp. Vì các số liệu khác cho thấy thu nhập của hộ gia đình mức 11 triệu đồng/tháng là mức thấp khi đã bao gồm cả các khoản làm thêm, trợ cấp...
Khoảng 33% công nhân tham gia khảo sát cho biết họ nhận được thu nhập ít hơn 4 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập trung bình của công nhân là 6 triệu đồng/tháng. Khoản thu nhập này thường đã bao gồm các khoản trợ cấp làm thêm, và thưởng thành tích sản xuất. Theo AFWA, điều đó cho thấy mức lương cơ sở (lương cơ bản, lương đóng bảo hiểm) mà công nhân được trả thấp hơn mức 6 triệu đồng. Mức lương này thấp bởi hiện nay mức lương tối thiểu theo vùng được quy định tại Việt Nam còn thấp. Theo tính toán của AFWA, "mức lương đủ sống cho công nhân ngành may mặc năm 2024 tại khu vực châu Á cần đạt mức khoảng 12,4 triệu đồng/người/tháng".
Như vậy còn khoảng cách tương đối lớn giữa mức lương hiện tại so với mức lương đủ sống theo AFWA. Một mức lương đủ sống không chỉ đáp ứng các nhu cầu cơ bản như ăn, ở, mặc, mà còn giúp họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn, được tôn trọng và có cơ hội phát triển bản thân và gia đình. Theo các chuyên gia, lương của lao động ngành dệt may Việt Nam có tăng lên là tín hiệu đáng mừng, giúp cuộc sống của người lao động, đặc biệt là lao động nữ ngành này "dễ thở" hơn, để rộng tay chi tiêu hơn cho gia đình và bản thân.
Tuy nhiên, mức thu nhập này chỉ tăng hơn từ nửa cuối năm 2024 do có nhiều đơn hàng và tăng ca kíp nhiều hơn trước. Thực tế cho thấy, mức thu nhập này chưa thật bền vững, việc tăng ca kíp để tăng thu nhập lại trồi sụt phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu. Mặt khác, mức lương tối thiểu theo vùng còn rất thấp và còn rất xa để đáp ứng được mức sống đầy đủ cho người lao động.