Luồng gió mới trong đời sống văn học - nghệ thuật
Sáng 18-7-2024, dù trời mưa khá lớn và kéo dài gần hết buổi sáng nhưng hơn 30 văn nghệ sĩ thuộc 6 chuyên ngành văn học - nghệ thuật (VHNT) vẫn có mặt tại Hội VHNT tỉnh để dự hội nghị chuyên đề Định hướng sáng tác tác phẩm tham gia cuộc thi VHNT với chủ đề 'Bình Phước - Tình đất, tình người' do Hội VHNT tỉnh phát động. Đáng nói, trong số các văn nghệ sĩ có mặt tại hội nghị, có người hiện sinh sống tại tỉnh Gia Lai, nhiều người đến từ các huyện xa trong tỉnh nhưng hội nghị vẫn được triển khai lúc 8 giờ sáng.
Có thể nói, từ khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, đời sống văn hóa, trong đó có đời sống VHNT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Tại mỗi chuyên ngành VHNT thuộc Hội VHNT tỉnh đều tổ chức các hoạt động trải nghiệm hoặc đôn đốc hội viên tích cực tham gia các cuộc thi do Trung ương, khu vực và tỉnh phát động. Thời điểm này, các cơ quan chuyên môn đang thực hiện việc phản biện xã hội đối với các mẫu thiết kế biểu tượng (logo) tỉnh Bình Phước. Đặc biệt, Công an tỉnh vừa phối hợp với Hội VHNT tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước tổ chức đợt trải nghiệm thực tế về các hoạt động của lực lượng công an trong thời gian 10 ngày trên địa bàn tỉnh. Mục đích của chương trình phối hợp là để hưởng ứng giải báo chí với chủ đề “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” giai đoạn 2023-2025, do Bộ Công an chủ trì, phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Các văn nghệ sĩ trải nghiệm thực tế trên hồ Suối Giai, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú - Ảnh: Quang Hùng
Từ trước tới nay, vì đặc thù công việc và do yếu tố an ninh, an toàn chi phối nên những thông tin, hình ảnh, việc làm của lực lượng công an từ tỉnh đến cơ sở ít đến được với giới báo chí, văn nghệ sĩ. Thông tin, hình ảnh về lực lượng chỉ do các cộng tác viên cơ quan báo, đài là người công tác trong ngành công an cung cấp nên thường khô khan, cứng nhắc, chưa hấp dẫn độc giả, khán - thính giả truyền hình; các tác phẩm VHNT về lực lượng công an lại càng hiếm. Đợt trải nghiệm thực tế lần này được Công an tỉnh triển khai rất khoa học, hiệu quả. Đó là mỗi nhà báo, văn nghệ sĩ tự về cơ sở, với sự quan tâm giúp sức về phương tiện, nơi ăn, nghỉ của lực lượng công an để tìm hiểu, trải nghiệm, chọn đề tài cho mình chứ Công an tỉnh không cung cấp bất cứ thông tin định hướng nào. Đã có 21 văn nghệ sĩ đăng ký tham gia. Có người trải nghiệm hết 10 ngày và tham gia tuần tra đêm cùng các chiến sĩ; có người hiện sống tại TP. Hồ Chí Minh cũng về tham gia đợt trải nghiệm. Kết thúc đợt trải nghiệm, nhận xét chung của nhiều người là có về cơ sở, cùng ăn, ở, cùng tham gia một số hoạt động mới thấy lực lượng công an, nhất là công an cơ sở vất vả thế nào.
Trung úy Điểu Duyên, Công an xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính (hình minh họa về hoạt động của ngành công an trong đợt trải nghiệm thực tế)
Các chiến sĩ Công an thành phố Đồng Xoài chuẩn bị tuần tra ban đêm (hình minh họa về hoạt động của ngành công an trong đợt trải nghiệm thực tế) - Ảnh: Quang Hùng
Hội nghị chuyên đề Định hướng sáng tác tác phẩm tham gia cuộc thi VHNT với chủ đề “Bình Phước - Tình đất, tình người” là hoạt động tiếp theo đợt trải nghiệm thực tế 10 ngày càng thôi thúc tinh thần phấn chấn, đam mê sáng tạo của các văn nghệ sĩ. Có người chưa kết thúc đợt trải nghiệm thực tế đã có tác phẩm gửi về Ban tổ chức, càng “đánh thức” ý thức, tinh thần sáng tạo của các văn nghệ sĩ tham gia trải nghiệm.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cho rằng, từ nay đến dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025), mỗi văn nghệ sĩ cần thể hiện cao nhất ý thức trách nhiệm và tinh thần sáng tạo của mình trước một dấu mốc quan trọng đặc biệt của dân tộc. Ý thức, tinh thần trách nhiệm phải được thể hiện qua các tác phẩm. Bên cạnh các cuộc thi sáng tác do Trung ương phát động, rất nhiều cuộc thi sáng tác VHNT trong tỉnh như “Bình Phước - Tình đất, tình người”; giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2022-2025; cuộc thi sáng tác chủ đề 50 năm Chiến thắng Phước Long… là những cơ hội, sân chơi thú vị, hữu ích để các văn nghệ sĩ biểu đạt tài năng và trách nhiệm của mình. Đó cũng chính là cách thể hiện phong phú và thuyết phục nhất về tình yêu, trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với quê hương Bình Phước anh hùng.