Lương hưu không đủ tiêu: 3 nguy cơ đe dọa cuộc sống khi đến tuổi 'về vườn'

Thế hệ 'hậu chiến' bắt đầu bước vào độ tuổi từ 50-55 chuẩn bị nghỉ hưu, trong khi quỹ hưu trí của BHXH chỉ đáp ứng được những nhu cầu cơ bản, cộng với tình hình giá cả leo thang, lạm phát cao. Đó là những nguy cơ hiện ra trước mắt khiến chúng ta cần phải quan tâm đến một kế hoạch hưu trí toàn diện

Thế hệ về hưu đồng loạt

Đây là thế hệ được sinh ra vào khoảng thời gian những năm 1975 trở về trước, thế hệ này đang dần đi vào giai đoạn nghỉ hưu, nghỉ ngơi, nhường chỗ cho sự phát triển của thế hệ mới, thế hệ Gen Y, Z, gen Alpha.

Việt Nam được dự báo sẽ bắt đầu thời kỳ dân số già từ năm 2036, khi tỉ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đạt 14,2%. Thời kỳ dân số già của nước ta sẽ kéo dài 20 năm, từ năm 2036 - 2055. Sau giai đoạn này, từ năm 2056 - 2069 sẽ có cơ cấu dân số "siêu già", tương ứng với tỉ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm trên 21%”.

Theo thống kê, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cũng đã tăng từ 68,6 tuổi (năm 1999) lên 73,2 tuổi (năm 2014), tăng dần lên 74,5 tuổi (năm 2019), dự báo tăng lên 78 tuổi (năm 2030) và đạt 80,4 tuổi (năm 2050).

Xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam Nguồn: Báo cáo Hướng tới chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam

Xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam Nguồn: Báo cáo Hướng tới chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam

Hiện nay, phần đông dân số cao tuổi không được đảm bảo thu nhập khi về già. Họ thường phải tham gia những công việc không ổn định và mức thu nhập thấp. Ở Việt Nam, trong số khoảng 60% người cao tuổi vẫn đang làm việc thì hầu hết là trong các hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.

Người cao tuổi ở nông thôn tham gia hoạt động kinh tế nhiều hơn đáng kể so với người cao tuổi ở thành thị. Điều này đặt ra thách thức đối với chính sách an sinh xã hội và tài chính dành cho người cao tuổi.

Quỹ Bảo hiểm xã hội không thể đáp ứng đủ nhu cầu

Khảo sát về mức thu nhập hưu trí tương ứng mức sống sau khi nghỉ hưu của Ngân hàng HSBC tại Việt Nam cho thấy: ở mức cơ bản, mỗi người cần 4,8 triệu đồng/tháng để chi trả những nhu cầu thiết yếu nhất trong cuộc sống; cần 8,8 triệu đồng/tháng nếu muốn sống thoải mái và sẽ cần đến 14,4 triệu đồng/tháng -ở mức độ khá giả có thể ăn hàng, hay đi du lịch.

Hiện nay, ngành BHXH Việt Nam đang thực hiện chi trả cho khoảng 2,7 triệu người hưởng lương hưu. Trong tổng số người hưởng này, phần lớn có mức hưởng từ 3 triệu đồng/tháng đến dưới 7 triệu đồng/tháng với gần 1,9 triệu người (chiếm 68,3% tổng số người hưởng lương hưu trên cả nước).

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đa phần với người lao động tham gia BHXH, với tình hình mức sống và giá cả leo thang như hiện nay, mức lương hưu bảo hiểm xã hội cũng chỉ đáp ứng được như nhu cầu cơ bản của cuộc sống.

Rất nhiều người lớn tuổi tranh thủ đi làm thêm giúp việc, trông trẻ… để có thêm thu nhập cho tuổi già. Ảnh: Xuân Thạch

Rất nhiều người lớn tuổi tranh thủ đi làm thêm giúp việc, trông trẻ… để có thêm thu nhập cho tuổi già. Ảnh: Xuân Thạch

Bác Nguyễn Mai Hương, 65 tuổi ở Hà Nội cho biết, bản thân có tham gia BHXH khi đi làm ở Công ty thương mại Tổng hợp Hà Nội. Năm 2005 bác nghỉ hưu sau hơn 21 năm công tác, và nhận gần 3 triệu đồng lương hưu. Thời điểm đó mức lương hưu này không đủ sống vì bản thân còn nuôi 3 con ăn học. Hiện nay sau 19 năm mức lương hưu nhận hàng tháng là hơn 4,2 triệu đồng.

“4,2 triệu đồng ở Hà Nội thời điểm này cũng chỉ đủ gạo, mắm muối, điện nước và những nhu cầu cơ bản cho cuộc sống. Hiện tại tôi vẫn phải tranh thủ đi làm thêm một số công việc như giúp việc, nấu ăn, trông trẻ, việc bán thời gian để có thêm thu nhập”, bác Hương nói thêm.

Lạm phát

Điều này có thể nhiều người không để ý đến, nhưng thực sự lạm phát là một vấn đề lớn với người cao tuổi. Thứ nhất khi cán mốc tuổi nghỉ hưu, người lớn tuổi sẽ không còn tạo được ra thu nhập như trước đây, khả năng tăng trưởng thu nhập cũng giảm đi nhiều so với độ tuổi trẻ.

Thứ hai, người cao tuổi cũng thường có tâm lý chọn các kênh đầu tư an toàn, bảo toàn tài sản hơn là chọn các kênh có mức độ rủi ro cao, đồng nghĩa với nó là tỷ suất sinh lời cũng thấp hơn. Chưa kể thời gian nghỉ hưu thường kéo dài, 20 năm thậm chí 30,40 năm, thời gian càng dài mà tỷ suất sinh lời của đồng tiền lúc hưu trí không đủ để chống lại được lạm phát sẽ khiến tài sản của người già bị hao mòn ở những năm về sau.

Rất nhiều người lớn tuổi tranh thủ đi làm thêm giúp việc, trông trẻ… để có thêm thu nhập cho tuổi già. Ảnh: Xuân Thạch

Rất nhiều người lớn tuổi tranh thủ đi làm thêm giúp việc, trông trẻ… để có thêm thu nhập cho tuổi già. Ảnh: Xuân Thạch

Theo bà Nguyễn Thu Giang, chuyên gia Hoạch định Tài chính cá nhân, CTCP FIDT, hiện nay thế hệ “bánh mỳ kẹp” đang là áp lực rất lớn đối với an sinh xã hội trong tương lai, vì hiện tại họ vừa phải trách nhiệm chăm sóc cho cha mẹ, vừa phải lo cho các con, và tương lai chỉ khoảng 15-20 năm nữa lo cho chính bản thân họ. Đây cũng là thế hệ chuyển giao nên quan điểm sống và nhu cầu cũng thay đổi, đặc biệt là mục tiêu về hưu trí khi phần lớn được hỏi sẽ xác định về già sẽ tự lo cho bản thân, sẽ ít đi những quan điểm của thế hệ cha ông trước đây là “ trẻ cậy cha, già cậy con”.

Cũng theo bà Giang, khi về hưu thì nhu cầu đảm bảo an toàn tài chính là yếu tố rất quan trọng. Tuổi thọ bình quân của người Việt hiện nay khoảng 75, có thể cao hơn trong tương lai, người già có thể sống đến 90 tuổi hoặc hơn. Như vậy, cần chuẩn bị một kế hoạch hưu trí để có thể an hưởng tuổi già sung túc trong ít nhất 25-30 năm nữa.

“Khi hiểu biết rõ những nguy cơ có thể xảy ra với tương lai tuổi già và từ đó có một bức tranh toàn diện về tình hình tài chính cho giai đoạn nghỉ hưu, người về hưu sẽ vững tâm, an hưởng tuổi nghỉ hưu một cách trọn vẹn nhất”, chị Thu Giang nhấn mạnh thêm.

Xuân Thạch

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/luong-huu-khong-du-tieu-ba-nguy-co-de-doa-cuoc-song-khi-den-tuoi-ve-vuon-d112132.html