Lượng phát thải CO2 hóa thạch ở mức cao kỷ lục vào năm 2023
Theo nghiên cứu mới của nhóm khoa học Ngân sách Carbon toàn cầu, lượng khí thải carbon toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch đã tăng trở lại vào năm 2023 và đạt mức kỷ lục từ trước đến nay.
Báo cáo Ngân sách Carbon toàn cầu thường niên dự báo lượng phát thải carbon dioxide (CO2) hóa thạch vào năm 2023 là 36,8 tỷ tấn, tăng 1,1% so với năm 2022. Lượng khí thải CO2 hóa thạch đang giảm ở một số khu vực, bao gồm Châu Âu và Hoa Kỳ, nhưng nhìn chung vẫn tăng trên phạm vi toàn cầu. Các nhà khoa học cho biết, hành động toàn cầu nhằm cắt giảm nhiên liệu hóa thạch diễn ra không đủ nhanh để ngăn chặn biến đổi khí hậu nguy hiểm.
Phát thải từ thay đổi mục đích sử dụng đất như phá rừng được dự đoán sẽ giảm nhẹ, nhưng vẫn còn quá cao để có thể bù đắp bằng mức độ trồng rừng và trồng rừng mới. Báo cáo dự đoán tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu (từ hóa thạch và thay đổi sử dụng đất) vào năm 2023 sẽ là 40,9 tỷ tấn. Con số này tương đương với mức của năm 2022 và là một phần của “bình nguyên” 10 năm, nghĩa là còn lâu mới đạt được mức giảm mạnh lượng khí thải để đáp ứng các mục tiêu khí hậu toàn cầu.
Giáo sư Pierre Friedlingstein - Viện Hệ thống Toàn cầu thuộc Đại học Exeter (Anh), người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết: “Tác động của biến đổi khí hậu là chuyện hiển nhiên, nhưng hành động nhằm giảm lượng khí thải carbon từ nhiên liệu hóa thạch vẫn còn rất chậm. Bây giờ có vẻ như chúng ta sẽ không thể tránh khỏi nguy cơ sẽ vượt quá mục tiêu 1,5°C của Thỏa thuận Paris. Bởi vậy, các nhà lãnh đạo dự họp tại Hội nghị COP28 sẽ phải đồng ý cắt giảm nhanh chóng lượng phát thải từ nhiên liệu hóa thạch để duy trì mục tiêu 2°C”.
Trong khi đó, Giáo sư Corinne Le Quéré - nhà nghiên cứu tại Trường Khoa học Môi trường của UEA cho biết: “Lượng khí thải toàn cầu ở mức đang làm tăng nhanh nồng độ CO2 trong bầu khí quyển của chúng ta, gây thêm biến đổi khí hậu và các tác động ngày càng nghiêm trọng, ngày càng gia tăng. Tất cả các quốc gia cần phải khử carbon trong nền kinh tế của mình nhanh hơn hiện tại để tránh những tác động tồi tệ hơn của biến đổi khí hậu”.
Nhóm nghiên cứu Ngân sách Carbon toàn cầu bao gồm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Exeter, Đại học East Anglia (UEA), Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Quốc tế CICERO, Đại học Ludwig-Maximilian Munich và 90 tổ chức khác trên thế giới.