Lương Phi và hành trình một chân
Một hành trình dài đầy nỗ lực của Lương Phi (31 tuổi, ở khối phố Xuyên Đông, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Chàng trai xứ Quảng chỉ có một chân vẫn nỗ lực vững bước, chiến thắng bản thân và góp sức cho cộng đồng.
Ký ức kinh hoàng
Vốn sinh ra là đứa trẻ lành lặn, kháu khỉnh, nhưng đến năm 3 tuổi tai họa ập xuống cướp đi một chân của Phi và cuộc sống yên bình của gia đình. Câu chuyện xảy ra đến nay gần 30 năm, nhưng nhắc lại bà Hồ Thị Tuyết (56 tuổi, mẹ Phi) còn ám ảnh. Buổi trưa hôm ấy ba mẹ con đang ngồi trên chiếc chõng tre hóng mát thì bất ngờ người đàn ông tâm thần trong xóm xông tới. Cây rựa bén ngọt trong tay ông ta vung lên liên hồi. Bà Tuyết lúc này đang mang bầu 7 tháng bị kẻ tâm thần chém trúng đỉnh đầu gục tại chỗ. Phi lúc đó là cậu bé 3 tuổi bị chém đứt lìa chân trái. Chị gái của Phi cũng bị chém vào chân. Phát hiện sự việc mọi người khẩn cấp đưa ba mẹ con đi cấp cứu. May mắn tất cả đều giữ được tính mạng. Các bác sĩ nối lại được cái chân suýt bị chém đứt lìa của chị gái, nhưng còn Phi thì vĩnh viễn mất đi chân trái của mình.
Cuộc sống vốn vất vả lại thêm tai ương khiến gia đình khó khăn bội phần. Mẹ Phi mang vết thương với nhiều di chứng, trái gió trở trời lại đau nên gần như một mình ông Lương A (bố Phi) gánh vác gia đình, chị em Phi thì tự chăm sóc nhau.
Với chiếc đòn bằng gỗ, cậu bé Phi cứ lết khắp sân nhà rồi theo bạn ra bãi đá bóng, thả diều, đá cầu. Lớn lên một chút Phi chống nạng tập tễnh đến trường không vắng buổi nào. Bạn bè lúc đầu trêu chọc, nhưng sau lớn dần thấy cảm phục cậu bé một chân. Một chân, Phi vẫn tự mình đến trường, cùng tham gia những cuộc chơi đá bóng, đá cầu thậm chí cậu còn thể hiện nhiều tài lẻ. Học hết cấp 3, Phi theo học ngành Công nghệ thông tin tại một trường ở Đà Nẵng sau đó xin vào làm tại một phòng thu âm ở Hội An.
Cũng thời gian này Phi quen cô sinh viên cùng quê Nguyễn Thế Nguyên Thu cùng tuổi. Lần gặp đầu còn ngại ngần mặc cảm, Phi mang chân giả, đi giày để che khuyết tật bản thân. Tuy nhiên sau lần đó cậu quyết định nói thật với bạn gái. “Không chỉ em mà cả gia đình em đều quý mến, cảm phục nghị lực của ảnh. Dù bị thiệt thòi hơn bạn bè nhưng anh đã nỗ lực để làm được mọi việc như một người bình thường. Làm vợ anh, nhiều người nghĩ em sẽ khổ nhưng em thấy mình chọn đúng người. Suốt những năm bên nhau, có với nhau 2 mặt con em luôn cảm thấy hạnh phúc khi bên cạnh một người đàn ông đầy nghị lực, chỗ dựa vững chắc cho cả gia đình”, Thu tâm sự.
Làm việc tại Hội An được một thời gian, Phi được một mạnh thường quân giúp đỡ, mua sắm thiết bị mở phòng thu riêng tại Đà Nẵng, thu nhập tạm ổn. Tuy nhiên, làm được khoảng 1 năm Phi bắt đầu chuyển hướng. “Em cảm thấy không thích thú với cuộc sống đều đều, không có điểm nhấn nên quyết định thử thách bản thân với một công việc mới”, Phi nói.
Dời phòng thu về quê, Phi bắt đầu chuyển sang làm youtuber. Ban đầu cậu quay những câu chuyện lạ, hoạt động vui chơi của trẻ em, clip về ẩm thực. Suốt một năm ròng làm Youtube nhưng không có thu nhập, nhiều người lời ra tiếng vào. “Thời gian đó mình cũng hơi bị khủng hoảng. Tuy nhiên vợ con và người thân bên cạnh động viên nên cũng lấy lại được tinh thần, tiếp tục chiến đấu, không thể trở thành kẻ thất bại được”. Đầu năm 2019 kênh youtube “Thánh một chân” của Phi chính thức được bật tính năng kiếm tiền.
Chia sẻ yêu thương
Một thời gian sau, Phi quyết định đổi tên kênh của mình thành “Phi một chân”, với nội dung chủ đạo xuyên suốt các video là hoạt động từ thiện. Tài khoản của Phi hiện đang có 170 ngàn lượt theo dõi, kết nối nhiều mạnh thường quân giúp đỡ hàng trăm hoàn cảnh khó khăn.
Phi thực hiện những video về những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, kết nối những nhà hảo tâm giúp những mảnh đời cơ cực. Có khi chàng trai một chân tập tễnh vào những khu chợ để đi… xin tiền làm từ thiện, hay có mặt tại các huyện miền núi để tổ chức các hoạt động thiện nguyện. Mỗi video Phi cũng luôn gửi gắm những thông điệp về sự lạc quan và nghị lực sống phi thường. Nhiều người bày tỏ cảm phục sau khi xem những thước phim đầy cảm động của Youtuber một chân.
Phi băng hàng trăm cây số để đến với những hoàn cảnh khó khăn. “Khi biết thông tin về những hoàn cảnh thương tâm, em sẽ tìm về tận nơi để xác minh thông tin. Sau đó tự mình sẽ quay những thước phim chân thật về hoàn cảnh đó để đăng lên kênh youtube, kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ”, Phi chia sẻ về công việc của mình.
Nói là vậy nhưng để hoàn thành cũng không đơn giản. Ngoài việc di chuyển với quãng đường xa, để có những thước phim sinh động quá trình quay cũng rất khó khăn. “Vì làm một mình nên khi hết cảnh này phải nhảy lò cò đến chỉnh sửa máy, đổi góc để video được sinh động hơn”, Phi chia sẻ.
Đổi lại, sau khi video được đăng tải rất nhiều người đã gọi điện đến để góp phần chia sẻ giúp đỡ các hoàn cảnh. Phi kể, nhiều hoàn cảnh rất thương tâm, khi nhận được sự hỗ trợ họ đã không kìm được nước mắt, nói lời cảm ơn khiến mình rất xúc động.
“Đến bây giờ em nghĩ mình đã chọn đúng đường. Trở thành một Youtuber giúp em có cơ hội rèn luyện bản thân, cởi bỏ mặc cảm và có thể chung tay góp sức giúp những hoàn cảnh thương tâm, điều đó khiến em hạnh phúc”.
Lương Phi
Như trường hợp bạn Phạm Hồ Ngọc Điệp (24 tuổi, trú ở huyện Núi Thành, Quảng Nam) là sinh viên năm cuối trường một trường cao đẳng ở TPHCM bị suy thận giai đoạn cuối, mỗi tuần chạy thận 3 lần. Gia cảnh mẹ góa con côi lại bệnh nặng nên Điệp gần như tuyệt vọng. Phi lặn lội đến nhà Điệp, rồi vào TPHCM quay những thước phim về cảnh hai mẹ con chàng sinh viên nghèo đang từng ngày vật lộn níu giữ sự sống. Những thước phim của Phi lay động lòng người, nhiều nhà hảo tâm đã kết nối giúp đỡ. Số tiền hàng trăm triệu đồng của nhà hảo tâm đã giúp chàng sinh viên được phẫu thuật ghép thận thành công. Hai mẹ con mừng nghẹn ngào không nói nên lời.
Đó chỉ là một trong rất nhiều trường hợp được Phi kết nối giúp đỡ. Không chỉ ở khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng, không ít lần chàng thanh niên một chân vượt hàng trăm cây số ra tận Huế, Quảng Bình hay ngược vào Bình Định; Nha Trang, TPHCM để thực hiện những video về các hoàn cảnh cần giúp đỡ.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/luong-phi-va-hanh-trinh-mot-chan-post1321927.tpo